Tranh “triệu đô” của Việt Nam sắp tái xuất

GD&TĐ - Cách đây khoảng 1 tháng khi Sotheby"s thông báo trên Instagram, giới sưu tập mỹ thuật thế giới vô cùng sốt ruột khi biết bức tranh “Portrait of Mademoiselle Phuong” của danh họa lẫy lừng Mai Trung Thứ sẽ lên sàn.

Danh họa Mai Trung Thứ trong phòng vẽ của ông ở Vanves, 1964.
Danh họa Mai Trung Thứ trong phòng vẽ của ông ở Vanves, 1964.

Ngày 18 – 19/4 tới, tại Sotheby"s Hongkong sẽ diễn ra phiên đấu giá mùa xuân mang tên “Morden Art Evening and Day Sales”. Trong phiên này, rất nhiều bức tranh thuộc hạng đỉnh cao nghệ thuật của danh họa Việt sẽ được mang lên sàn đấu giá. 

Xôn xao tuyệt phẩm

Bức sơn dầu “Chân dung cô Phương” được hoạ sĩ Mai Trung Thứ sáng tác năm 1930, kích thước 135,5 x 80cm, lúc đó ông là giáo viên dạy vẽ tại trường Lycée Francais de Hue (Trung học Pháp tại Huế). Đây cũng là một trong số ít bức tranh được chọn cho “Triển lãm quốc tế thuộc địa” tại Paris năm 1931.

“Chân dung cô Phương” là một tác phẩm khá hiếm về chất liệu cũng như thuộc thời kỳ đầu của danh họa trước khi sang Pháp. Tranh sáng tác trong giai đoạn cận đại 1930 - 1945.

Thời gian này Mai Trung Thứ đã tạm biệt đôi mắt thiếu nữ u sầu, mộng mơ mà Tô Ngọc Vân nhận xét là “ươn ướt như sắp khóc”. Lối y phục áo ngắn không tha thướt là điển hình cho trang phục thiếu nữ Hà Nội những năm 1930.

Bức họa “Chân dung cô Phương” sau này thuộc sở hữu của bà Dothi Dumonteil, một người Pháp gốc Việt. Dothi Dumonteil cùng chồng Pierre Dumonteil, một nhà môi giới nghệ thuật, sở hữu bộ sưu tập nghệ thuật châu Á đồ sộ.

Nhân vật “cô Phương” trong tranh của Mai trung Thứ cũng từng là nguồn cảm hứng cho các thiết kế Haute Couture của nhà thiết kế tài năng Pháp Yves Saint Laurent...

Thậm chí, trong bộ phim “Mùi đu đủ xanh” (1993) của đạo diễn Trần Anh Hùng, khán giả cũng may mắn bắt gặp nhiều phân cảnh quay tuyệt đẹp có sự xuất hiện của tuyệt phẩm hội hoạ này.

“Chân dung cô Phương” cũng là bức tranh đầu tiên của một danh họa Việt Nam được được ước tính giá từ 800.000 - 1.200.000 USD trên sàn đấu giá quốc tế.

Mặc dù phiên đấu giá chưa diễn ra, nhưng ở Việt Nam giới sưu tập xôn xao bàn tán, ước lượng mức giá cuối cùng trên sàn đấu. Đa phần đều cho rằng, chắc chắn bức tranh sẽ đạt mức 2 triệu trở lên đến 3 triệu USD.

Các họa sĩ hàng đầu Việt Nam được công chúng xếp vào 2 “bộ tứ” - “Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn” và “Nhất Sáng, nhì Liên, tam Nghiêm, tứ Phái”.

Tuy nhiên, họa sĩ có tranh được mua với giá kỷ lục lại không được xếp vào 2 “bộ tứ” này mà nằm trong Top 12 họa sĩ nổi tiếng Việt Nam gồm 8 vị (trong 2 “bộ tứ”) và 4 hoạ sĩ nữa là Nguyễn Phan Chánh, Vũ Cao Đàm, Lê Phổ và Mai Trung Thứ. Trong đó, Mai Trung Thứ là một trong nhóm “tứ kiệt” trời Âu của hội họa Việt Nam, gồm: Phổ - Thứ - Lựu – Đàm.

Bức họa “Chân dung cô Phương”.
Bức họa “Chân dung cô Phương”.

Nghệ sĩ thế hệ đầu

“Nếu đúng như dự đoán của giới nhà nghề, bức hoạ “Chân dung cô Phương” đấu giá thành công, thì giá bán cùng thuế phí có thể hơn 1.500 USD, trở thành bức tranh có giá cao nhất của tranh Việt trên thị trường công khai. Và Mai Trung Thứ đã bất ngờ tăng tốc để vượt qua danh hoạ Nguyễn Phan Chánh cùng 3 “bộ tứ” để vươn lên dẫn đầu”. Nhà phê bình mỹ thuật Lý Đợi

Danh họa Mai Trung Thứ (1906 – 1980) quê ở làng Do Nha, xã Tân Tiến (An Dương - Hải Phòng). Năm 1936 – 1937, sau khi tham gia triển lãm tranh tại Paris và đạt nhiều giải thưởng cao, họa sĩ đã ở lại Pháp tu nghiệp.

Tên tuổi ông trong hội họa gắn liền với những tác phẩm tranh lụa về đề tài phụ nữ, trẻ em, cuộc sống thường ngày dưới góc nhìn đậm đặc màu sắc văn hóa Á Đông.

Ông nội Mai Trung Thứ là Mai Trung Quế - Tri châu Tuần Giáo kiêm nhiệm châu Luân, quyền Tri phủ Điện Biên (Sơn La cũ), được triều đình Huế phong tặng Thái Thường Tự Khanh, gia tặng Đô Sát Viện hữu phó Đô Ngự sử. Cha của danh hoạ là Tổng đốc Bắc Ninh - Mai Trung Cát.

Năm 1925, Mai Trung Thứ thi vào khóa I Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng lứa với Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ, Lê Phổ… Đây là trường mỹ thuật duy nhất toàn Đông Dương do Victor Tardieu làm hiệu trưởng. Tardieu là một nghệ sĩ đồng thời là một nhà sư phạm tiến bộ của nước Pháp.

Năm 1930, sau khi tốt nghiệp, Mai Trung Thứ được bổ nhiệm dạy vẽ tại Trường Quốc học Huế. Tại đây, tài năng vẽ tranh lụa của ông nở rộ. Hàng loạt các tác phẩm lụa ra đời mà nhân vật trong tác phẩm là những cô gái Huế dịu dàng, những khung cảnh hữu tình bên dòng sông Hương, những mái nhà cong của khu đền đài lăng tẩm.

Sáu năm sống và làm việc ở kinh đô Huế đã gợi cho ông những hình ảnh, ký ức sâu đậm, đồng thời tạo cho ông chỗ đứng vững chắc trong nền hội họa Việt Nam. Trong thập niên 1930, cùng với một số hoạ sĩ khác, Mai Trung Thứ tham gia trưng bày tranh ở nhiều nước trên thế giới.

Không chỉ là danh họa nổi tiếng, Mai Trung Thứ cũng là một trong số những người làm điện ảnh Việt Nam thế hệ đầu. Ông có công lớn trong việc ghi lại một số thời khắc lịch sử của đất nước.

Năm 1946, Mai Trung Thứ gửi về Việt Nam bộ phim tài liệu với nhan đề “Sức sống của 25.000 Việt kiều tại Pháp”. Bộ phim này do chính ông quay và đứng tên hãng sản xuất Tân Việt. Bộ phim sau đó được chiếu rộng rãi trên các rạp ở Hà Nội.

Cũng trong thời gian này, nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn đại biểu cấp cao sang thăm. Khi đó, họa sĩ Mai Trung Thứ là giám đốc hãng phim Tân Việt đã đi cùng Bác Hồ suốt 4 tháng để ghi lại các hoạt động. Năm 1975, danh họa đã tặng lại Việt Nam những thước phim quý giá này.

Năm 1974, Mai Trung Thứ về thăm Việt Nam sau 38 năm xa quê hương cùng nhiều văn nghệ sĩ khác. Năm 1980, ông qua đời đột ngột vì bệnh tim, hưởng thọ 75 tuổi.

Năm 2019, sau gần 40 năm qua đời, hài cốt danh họa Mai Trung Thứ được đưa về Việt Nam an táng tại khu lăng mộ của dòng tộc Mai Trung xã Tân Tiến (An Dương - Hải Phòng).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ