Agnes Martin – Nữ họa sĩ đương đại vẽ tranh đắt giá

GD&TĐ - Trong thị trường mỹ thuật, nhiều bức tranh siêu đắt do các nam họa sĩ vẽ, mà dẫn đầu là bức “Sanvator Mundi/Đấng cứu thế” của Leonardo da Vinci (1452 - 1519) được bán với giá hơn 450 triệu USD vào năm 2017.

Chân dung tự họa của Agnes Martin. 
Chân dung tự họa của Agnes Martin. 

Vậy có bức tranh nào giá “cực chát” của nữ họa sĩ? Đó là bức tranh “Orange Grove/Rừng cam” của Agnes Martin (1912 - 2014) được đấu giá vào năm 2016 với mức gõ búa 10,7 triệu USD, tương đương 248 tỉ VND.

Agnes Martin chào đời ngày 22/3/1912 trong gia đình nông dân tại thị trấn Macklin, tỉnh Saskatchewan, Canada. Năm 1919, Agnes Martin chuyển đến Vancouver, cảng thị thuộc tỉnh British Columbia, Canada. Năm 1931, Agnes Martin sang Washington, rồi năm 1950 trở thành công dân Hoa Kỳ.

Thuở giáo sinh Trường Cao đẳng Sư phạm thuộc Viện Đại học Washington rồi Viện Đại học New Mexico, Agnes Martin nghiêm túc định hướng và khẳng định sự nghiệp bản thân: Nghệ sĩ tạo hình. Năm 1947, tại TP Taos, bang New Mexico, những buổi thuyết trình về Thiền bởi học giả Nhật Bản 鈴木大拙貞太郎/Suzuki Daisetsu Teitarō/Linh Mộc Đại Chuyết Trinh Thái Lang (1870 - 1966) đã tác động sâu sắc đến tư duy của Agnes Martin.

Năm 1952, Agnes Martin bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ về nghệ thuật hiện đại tại Viện Đại học Colombia ở TP New York.

Agnes Martin vẽ tranh cực kỳ độc đáo. Ngoại trừ mấy bức chân dung tự họa và vài bức phong cảnh, hầu hết họa phẩm của Agnes Martin là biomorphic paintings/tranh đa hình sinh học với đường nét, mảng khối, màu sắc tối giản.

Hàng loạt tranh sơn dầu, acrylic, chì của Agnes Martin cố ý đơn sắc hoặc bố trí ít trường màu quá ư tinh tế, với các đường thẳng và đường cong tạo những mạng lưới. Vậy mà từ cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên vào năm 1958 đến gần đây, phòng tranh của Agnes Martin luôn được giới sành mỹ thuật đánh giá cao, được nhiều bảo tàng nghệ thuật danh tiếng cùng các nhà sưu tập tầm cỡ săn đón.

Họa phẩm đã sáng tác đem lại cho Agnes Martin nhiều giải thưởng, danh hiệu, tạm kể chưa đầy đủ: Giải thưởng Alexej von Jawlensky do TP Wiesbaden, Đức, trao tặng (1991), Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ (1992), Giải thưởng Oskar Kikoschka do Chính phủ Áo trao tặng (1992), Sư Tử Vàng vì những đóng góp cho nghệ thuật đương đại tại Venice Biennale, Ý (1997);

Huân chương Nghệ thuật Quốc gia do Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton trao tặng (1998), Giải thưởng Nghệ sĩ xuất sắc thành tựu trọn đời do Hiệp hội Nghệ thuật Đại học trao tặng (1998), Giải thưởng cho sự xuất sắc và thành tựu do Thống đốc bang New Mexico trao tặng (1998), Huân chương Nghệ thuật Quốc gia do cơ quan Tài trợ Quốc gia về Nghệ thuật/National Endowment for the Arts (NEA) trao tặng (1998). Agnes Martin còn được bầu vào Học viện Nghệ thuật Hoàng gia Canada (2004).

Tranh “Orange Grove/Vườn cam” do Agnes Martin vẽ năm 1965, được bán giá 13,7 triệu USD vào năm 2016.

Tranh “Orange Grove/Vườn cam” do Agnes Martin vẽ năm 1965, được bán giá 13,7 triệu USD vào năm 2016.

Oái ăm thay, Agnes Martin được gọi nữ họa sĩ chứ thực ra bị đồng tính nhưng rất kín đáo, đặc biệt là bị tâm thần phân liệt nên đã nhiều lần vào bệnh viện chuyên khoa để điều trị bằng cách kết hợp các liệu pháp cần thiết, kể cả choáng điện/Electroconvulsive Therapy (ETC).

Bệnh trạng vậy khiến Agnes Martin sống và làm việc thất thường, có những thời gian đơn độc trong ngôi nhà xây bằng gạch nung rồi nhà gạch không nung, có nhiều năm chẳng vẽ. Năm 1993, Agnes Martin cư trú trong biệt thự ở TP Taos, bang New Mexico, đến lúc từ trần vào ngày 16/12/2004, hưởng thọ 92 tuổi.

Một số tranh được tác giả đặt nhan đề như “Happy Holiday/Kỳ nghỉ vui vẻ” (1999) hoặc “I Love the Whole World/Tôi yêu cả thế giới” (2000), chứ khá nhiều tranh thì Agnes Martin chẳng đặt tên nên tạm gọi “Untitled/Không đề” và để tiện phân biệt thì đánh số sau dấu thăng (#).

Viện Đại học New Mexico từng được Agnes Martin biếu 7 bức “Untitled” kích cỡ lớn đã sáng tác niên đoạn 1993 - 1994 nên Bảo tàng Nghệ thuật Harwood ở Taos (cơ sở của Viện) tổ chức cuộc thi thiết kế không gian trưng bày, giải nhất thuộc công ty kiến trúc Albuquerque, Kells & Craig với đồ án ngôi nhà bát giác hiện đại.

Góp phần tôn vinh tài năng Agnes Martin là các cuộc đấu giá quốc tế về tác phẩm mỹ thuật được tổ chức lúc nữ họa sĩ còn tại thế hoặc sau khi lìa trần.

Năm 2007, tranh “Martin"s Loving Love / Tình yêu của Martin” vẽ năm 2000, được bán giá 2,95 triệu USD. Năm 2015, tranh “Untitled # 7” vẽ năm 1984, giá gõ búa 4,2 triệu USD. Ngày 10/5/2016, tranh “Orange Grove/Rừng cam” vẽ năm 1965, giá gõ búa 13,7 triệu USD.

Toàn bộ họa phẩm của Agnes Martin, theo chính tác giả, là “essay in discretion on inward-ness and silence/bài luận về hướng nội và im lặng”. Phát biểu về nghệ thuật, Agnes Martin chú ý cái đẹp nội dung gắn bó hình thức, luôn liên hệ tác phẩm với cuộc sống thực: “Vẻ đẹp và sự hoàn hảo đều giống nhau. Chúng không bao giờ xảy ra nếu không hạnh phúc”.

Tránh xa chủ nghĩa trí tuệ, Agnes Martin ủng hộ chủ nghĩa cá nhân và tâm linh. Qua tranh vẽ cùng bài viết và các cuộc nói chuyện, có trả lời phỏng vấn của báo chí, Agnes Martin phản ánh mối quan tâm đến triết học Đông phương, đặc biệt là Lão giáo/Đạo giáo và một nhánh của Phật giáo là Thiền tông.

Xem tranh Agnes Martin, nhiều người nhận xét rằng đó là sáng tạo phẩm từ chủ nghĩa tối giản/minimalism; song đích thân Agnes Martin lại tự cho rằng từ chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng/abstract expressionism. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.