Tranh thủ nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường học

GD&TĐ - Trước thực trạng cơ sở vật chất trường học còn khó khăn, một số địa phương linh hoạt trong kêu gọi đầu tư.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP Mỹ Tho, Tiền Giang). Ảnh: X. Uyên
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP Mỹ Tho, Tiền Giang). Ảnh: X. Uyên

Nguồn lực từ địa phương kết hợp xã hội hóa bảo đảm cơ sở vật chất trường lớp, ổn định việc dạy học.

Ông Lê Quang Trí - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang: Tranh thủ mọi nguồn lực

Cơ sở vật chất là một trong những yếu tố quan trọng trong sự nghiệp GD&ĐT. Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, trường học ở Tiền Giang được xây mới, khang trang, sạch đẹp. Bên cạnh thuận lợi, cơ sở vật chất trường lớp còn gặp không ít khó khăn. Một số địa phương trong tỉnh còn nhiều phòng học xuống cấp. Nhiều điểm trường do thiếu phòng học nên không thể tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Một số trường thiếu diện tích đất, phòng chức năng, hành chính quản trị; trang thiết bị bàn ghế cũ, hư hỏng...

Ông Lê Quang Trí.

Ông Lê Quang Trí.

Để giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất, ngành GD-ĐT tỉnh tăng cường công tác xã hội hóa, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, đơn vị doanh nghiệp ủng hộ đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học đồng bộ với lộ trình xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia.

Tiến hành rà soát hệ thống trường lớp, xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học đối với các trường thực hiện dạy 2 buổi/ngày; tiếp tục thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên…

Trong giai đoạn 10 năm (2013 - 2023), tỉnh đã huy động để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các cơ sở giáo dục đào tạo, dạy nghề. Thông qua Chương trình hợp tác giữa tỉnh Tiền Giang và TP Hồ Chí Minh, đã vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tài trợ xây dựng cơ sở vật chất trường học tại vùng khó khăn trong tỉnh với tổng kinh phí tài trợ trên 5 tỷ đồng.

Để phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường lớp ở cấp mầm non là 53 công trình; tiểu học 64 công trình; THCS 48 công trình; bậc THPT 20 công trình...

Đơn cử năm học 2023 - 2024, các địa phương trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường lớp. Cùng với quá trình xây dựng Nông thôn mới, nhiều ngôi trường được xây mới với cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập.

Để phục vụ cho năm học, ngành GD-ĐT sửa chữa 16 trường trực thuộc sở, đồng thời, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư lập dự toán xây mới và sửa chữa một số hạng mục gồm các trường THPT: Huỳnh Văn Sâm, Bình Đông, Lưu Tấn Phát, Tứ Kiệt trong năm 2023.

Từ những nỗ lực chung của tỉnh, hệ thống cơ sở vật chất từng bước được chuẩn hóa, hiện đại, tỷ lệ phòng học kiên cố cao, đảm bảo nhu cầu dạy và học, từng bước khắc phục thực trạng cơ sở vật chất trường học chưa đồng bộ, xuống cấp.

Địa phương, nhà trường đảm bảo cơ sở vật chất trường lớp, ổn định việc dạy học hiệu quả và đặc biệt đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên. Nổi bật là công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia và đánh giá ngoài, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng cao. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh Tiền Giang có 356/509 trường đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 69,94%).

Ông Dương Hồng Tân - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu: Khắc phục khó khăn

Ông Dương Hồng Tân.

Ông Dương Hồng Tân.

Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngành GD-ĐT Bạc Liêu còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Số trường có quy mô nhỏ còn khá nhiều, nhất là cấp học mầm non. Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn quốc gia còn vướng quy định phòng học bộ môn vì hầu hết chưa đáp ứng tiêu chuẩn mới. Tỉnh cũng gặp khó khăn về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia...

Tháo gỡ khó khăn, tỉnh tiếp tục được đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố, đảm bảo cơ cấu các khối công trình phù hợp cho từng cấp học; tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai hoạt động giáo dục đồng bộ, đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh được sắp xếp, bố trí phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương, vừa đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân cũng như yêu cầu đổi mới của ngành. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư, mua sắm bổ sung phục vụ cho hoạt động dạy và học. Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được các địa phương quan tâm thực hiện...

Với mục tiêu chuẩn bị tốt nhất mọi điều kiện dạy học, ngành GD-ĐT tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT, trường THPT tùy vào điều kiện thực tế của đơn vị mà khắc phục khó khăn, chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất trường lớp. Năm học 2023 - 2024, toàn ngành được các cấp đầu tư xây dựng mới nhiều công trình khang trang, đủ chuẩn…, chủ yếu là xây dựng mới phòng học, phòng chức năng cho các cấp học trên địa bàn địa phương.

Nhiều nhất là thị xã Giá Rai với kinh phí gần 400 tỷ đồng, huyện Hồng Dân với kinh phí hơn 300 tỷ đồng… Điều đặc biệt là các vị trí đẹp nhất, thuận lợi nhất tại Bạc Liêu được ưu tiên để xây dựng trường học. Chính vì vậy, nhiều ngôi trường tại tỉnh Bạc Liêu rất khang trang như: Trường THPT Bạc Liêu, Trường THCS Võ Thị Sáu, Trường THPT Giá Rai…

Cùng đó, năm học 2023 - 2024, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng mới đưa vào sử dụng 311 phòng học, 171 phòng chức năng, thực hiện sửa chữa cơ sở vật chất trường, lớp học... với tổng kinh phí hơn 569 tỷ đồng (trong đó, nguồn xã hội hóa giáo dục hơn 1,6 tỷ đồng).

Hiện toàn toàn ngành có 5.331 phòng học, phòng bộ môn, gồm: 4.456 phòng học (trong đó 3.730 phòng kiên cố, đạt tỷ lệ 83,71%); 875 phòng bộ môn (741 phòng kiên cố, đạt tỷ lệ 84,68%)... Tỉnh nỗ lực từng bước kiên cố hóa trường lớp, đảm bảo cơ sở vật chất, an toàn cho giáo viên, học sinh; phục vụ hiệu quả cho việc dạy và học…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ