Tranh thủ hè chuẩn bị cơ sở vật chất cho dạy Chương trình mới

GD&TĐ - Ngay sau nghỉ hè, nhiều địa phương, nhà trường đã tranh thủ thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất, gia cố phòng học, ký túc xá...

Một tiết học của thầy trò Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (TP Cần Thơ). Ảnh: Minh Anh
Một tiết học của thầy trò Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (TP Cần Thơ). Ảnh: Minh Anh

Qua đó sẵn sàng cho dạy học theo chương trình, sách giáo khoa mới bảo đảm chất lượng.

Bảo đảm thiết bị dạy học

Vừa bước sang tuần thứ 2 của kỳ nghỉ hè nhiều trường học đã nhanh chóng rà soát cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị hỏng hóc, còn thiếu… để bắt tay vào trang bị, gia cố. Đặc biệt, các đồ dùng giảng dạy của lớp 4 theo Chương trình GDPT mới được quan tâm bổ sung mới hoặc tự tạo và tận dụng.

Cô Hợi cho biết thêm, thiết bị giảng dạy của Chương trình GDPT 2018 theo Thông tư 37 khá nhiều. Ví dụ: Ở môn Toán, Khoa học là các mô hình dạy học; môn Âm nhạc là các loại đàn… Do đó, bên cạnh các thiết bị được cấp mới, trường vẫn tận dụng thiết bị từ chương trình cũ như: Tranh, sơ đồ, biểu đồ để tái sử dụng.

Cô Trần Thị Hợi - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh, Ninh Bình) trao đổi: “Các phòng học, sân chơi của nhà trường vẫn đáp ứng được yêu cầu để giảng dạy. Riêng thiết bị giảng dạy lớp 4 Chương trình GDPT 2018 cho năm học tới còn thiếu, nhà trường đang hoàn thiện thủ tục để mua sắm, và tìm các đối tác đấu thầu. Dự kiến hết tháng 8 thiết bị sẽ có tại trường”.

Trường Tiểu học Thượng Ấm (Tuyên Quang), có 2 dãy hai tầng, phòng học kiên cố, một dãy phòng cấp 4 mới được đầu tư xây dựng. Với cơ sở vật chất tương đối tốt, nhà trường luôn tận dụng tối đa làm phòng lớp học để học sinh được thụ hưởng, bảo đảm cho việc dạy học. Về trang thiết bị giảng dạy, dù là trường vùng cao nhưng được đầu tư đủ từ lớp 1 đến lớp 3.

Cô Hoàng Thị Kim Thu, Hiệu trưởng cho biết: “Năm học tới, Chương trình GDPT 2018 sẽ triển khai ở lớp 4, nhà trường đang chờ việc trang cấp thiết bị giảng dạy mới. Được biết, năm nay Sở GD&ĐT sẽ đẩy nhanh tiến độ mua sắm thiết bị nên dự kiến đầu năm học các trường sẽ nhận được đầy đủ. Tuy vậy, để chủ động đồ dùng dạy học, nhà trường vẫn rà soát lại các thiết bị cũ, tuỳ vào mục đích sử dụng để tận dụng tránh lãng phí, mặt khác cũng làm đa dạng hoá thiết bị dạy học”.

Trường PTDTBT TH Rạng Đông (huyện Tuần Giáo, Điện Biên), để chuẩn cơ sở vật chất cho năm học mới, trường căn cứ vào số học sinh, giáo viên và kiểm tra thiết bị hiện có để đăng ký bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu theo danh mục gửi về Phòng GD&ĐT.

Thầy Ngô Văn Hồi, Hiệu trưởng cho biết: “Bên cạnh các thiết bị được cấp phát để đa dạng đồ dùng dạy học, trường đã phát động phong trào làm đồ dùng dạy học từ đồ dùng thực tế sẵn có tại địa phương dễ kiếm, dễ làm để phụ vụ giảng dạy. Đồng thời, để gỡ khó cho thiết bị dạy học còn thiếu… trường khuyến khích các tổ chuyên môn, giáo viên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.

3 năm qua, triển khai chương trình, sách giáo mới, giáo viên đã thực hiện khá hiệu quả giải pháp này; tiết học, môn học không chỉ bảo đảm chất lượng, tạo sự hào hứng cho học trò mà còn tiết kiệm được khoản kinh phí đầu tư giáo dục. Năm học tới triển khai Chương trình GDPT mới ở lớp 4, nhà trường tiếp tục vận dụng giải pháp này”.

Học sinh Trường PTDTBT TH & THCS Liên Hội (Văn Quan, Lạng Sơn), tham gia học tại thư viện. Ảnh NTCC

Học sinh Trường PTDTBT TH & THCS Liên Hội (Văn Quan, Lạng Sơn), tham gia học tại thư viện. Ảnh NTCC

Chỉnh trang trường lớp

Tại Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn, hàng năm sau khi học sinh lớp 12 hoàn thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT, trường lập tức tiến hành kiểm tra cơ sở vật chất, phòng học, thí nghiệm, phòng đa năng, nhà bếp, khu ký túc xá, thí nghiệm, vệ sinh...

Cô Vương Xuân Thuận - Hiệu trưởng trao đổi: “Học sinh trường dân tộc nội trú học tập, sinh hoạt trong khuôn viên trường vì vậy chúng tôi rất quan tâm, chú trọng đầu tư vào cơ sở vật chất trường, lớp. Mặt khác, hệ thống đường được kiểm tra thường xuyên, nếu phát hiện hỏng hóc, mất an toàn cũng được sửa chữa tức thì để bảo đảm khi các em nhập học mọi thứ đã sẵn sàng…

Đối với sách giáo khoa lớp 11 Chương trình GDPT 2018, cô Thuận cho biết nhà trường đã chọn xong, đang đăng ký mua. Trường cũng kêu gọi xã hội hóa và tận dụng các nguồn này để mua sắm thêm thiết bị phục vụ dạy học, trang bị đồ dùng khu ký túc xá học sinh đầy đủ hơn”.

Bà Nguyễn Kiều Phương, Phòng GD&ĐT quận Bình Thuỷ (TP Cần Thơ) cho biết: “Phòng đặc biệt chú trọng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy, học cho thầy và trò trong triển khai Chương trình GDPT mới. Để bảo đảm thiết bị tối thiểu chương trình lớp 4 và 8 năm tới, phòng chủ động tham mưu UBND quận phê duyệt đầu tư trang thiết bị mới với tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng. Dự kiến cuối tháng 8, thiết bị giảng dạy chương trình, sách giáo khoa mới cho lớp 4 sẽ về trường”.

Bà Thuỷ khẳng định, trước những hạn chế trong đầu tư trang thiết bị phục vụ giảng dạy, phòng khuyến khích giáo viên nghiên cứu, sáng chế thiết bị giảng dạy, đặc biệt là sử dụng vật liệu tái chế, thiết bị hiện có tại đơn vị.

Ông Ngô Văn Hiền, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn cũng chia sẻ: “Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy cho các trường học để bảo đảm chất lượng giảng dạy theo chương trình mới là một trong những vấn đề quan trọng được ngành Giáo dục hết sức quan tâm.

Kết thúc mỗi năm học, Phòng GD&ĐT đều chỉ đạo các trường rà soát thiết bị còn thiếu, cần bổ sung, thay thế… để làm tờ trình gửi lên trên; Phòng tiếp tục tổng hợp yêu cầu, đề xuất từ các trường trình lên UBND huyện để việc bổ sung diễn ra kịp thời, trước khi năm học mới bắt đầu…”.

Ngay khi kết thúc năm học, để tận dụng tối đa thời gian nghỉ hè chỉnh trang trường lớp, Phòng GD&ĐT quận Bình Thuỷ (TP Cần Thơ) đã chỉ đạo các trường rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị các cấp học, đặc biệt đồ dùng dạy học lớp 4, lớp 8. Phòng lưu ý các nhà trường, tận dụng tối đa nguồn lực có sẵn và có thể tái sử dụng; chỉ đạo các trường tăng cường kêu gọi nguồn lực xã hội hoá để bảo đảm trang bị cơ bản phục vụ Chương trình GDPT mới 2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ