Biến không thành có để dạy học Chương trình mới ở vùng khó

GD&TĐ - Xuất phát điểm gần như bằng không, song cả thầy và trò ở nhiều trường thuộc vùng khó Điện Biên đang nỗ lực để dạy học hiệu quả chương trình mới.

Một giờ học Tiếng Anh của cô và trò lớp 3, Trường Tiểu học thị trấn Điện Biên Đông.
Một giờ học Tiếng Anh của cô và trò lớp 3, Trường Tiểu học thị trấn Điện Biên Đông.

Lớp học 3 ngôn ngữ

Không có phòng riêng cho môn Tiếng Anh nên mỗi khi đến tiết, thầy giáo Lò Văn Dũng, Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Lếch, huyện Mường Nhé phải đi trực tiếp từng lớp. Ngoài giáo án thì hành trang thầy không quên mang theo là chiếc laptop cá nhân và điện thoại thông minh.

Vừa nói tiếng phổ thông kết hợp giới thiệu từ vựng tiếng Anh, đôi lúc thầy giáo lại phải sử dụng cả tiếng Mông (ngôn ngữ mẹ đẻ của học sinh) để truyền tải kiến thức. Không có đầy đủ thiết bị theo chuẩn, thầy Dũng bù lấp bằng cách sử dụng tối đa công nghệ. Mỗi hình ảnh, âm thanh thể hiện bằng bài hát, câu chuyện tiếng Anh đều được trình chiếu, giới thiệu hết sức thú vị thông qua cách “phiên dịch” dí dỏm, dễ hiểu.

100% học sinh lớp 3, Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Lếch (huyện Mường Nhé) lần đầu tiên được làm quen với tiếng Anh.
100% học sinh lớp 3, Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Lếch (huyện Mường Nhé) lần đầu tiên được làm quen với tiếng Anh.

Cũng như nhiều học sinh trong lớp 3A, cậu bé Giàng A Phú bắt đầu bằng số 0. Chưa từng tiếp xúc với tiếng Anh nên những buổi học đầu tiên vô cùng khó khăn với em. Tổ chức bài giảng cho những học sinh như Phú cũng là thách thức không nhỏ với thầy Dũng.

“100% học sinh lớp 3 ở đây đều lần đầu tiên từ bản xuống trung tâm học. Trước đó các em chưa từng được làm quen với tiếng Anh. Nhiều em trong số này dù biết viết, song lại chưa sử dụng thành thạo tiếng phổ thông. Bởi thế, muốn học sinh hiểu thì giáo viên buộc phải vừa dạy vừa phiên dịch, giảng giải”, thầy Dũng bộc bạch.

Năm học này, Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Lếch có 472 học sinh. Trong đó có 3 lớp 3, với 88 em. Theo thầy giáo Vũ Quang Huy, Hiệu trưởng nhà trường, do nằm trên địa bàn đặc biệt khó khăn, 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số nên việc dạy học theo chương trình GDPT mới gặp muôn vàn khó khăn.

Một giờ học của học sinh lớp 3, Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Lếch.

Một giờ học của học sinh lớp 3, Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Lếch.

Khó khăn nhất là về ngôn ngữ, do học sinh còn hạn chế trong giao tiếp tiếng phổ thông. Bởi thế, mỗi thầy cô đều phải sử dụng đồng hành 2 ngôn ngữ trong một giờ học. Riêng tiếng Anh thì 3 ngôn ngữ. Chưa kể đến thực trạng thiếu và yếu về cơ sở vật chất, hạ tầng, nguồn nhân lực… vốn đã là rào cản rất lớn.

“Học sinh từ bản xuống, đa phần ở nội trú tập trung nên trường coi đây là lợi thế để tăng cường bổ túc ngoài giờ cho các em. Với một số học sinh có điện thoại thông minh, thầy cô sẽ giới thiệu ứng dụng để các em học thêm. Phần đa còn lại sẽ được chia thành các nhóm, tổ, lấy hạt nhân là những học sinh tự tin, có năng khiếu, lực học tốt để hỗ trợ nhau cùng học tập”, thầy Huy chia sẻ.

Thầy Huy cho hay: “Qua đánh giá kết quả học kỳ 1 cho thấy, 100% học sinh lớp 3 của nhà trường đã hoàn thành môn Tin học, tiếng Anh. Riêng môn Tiếng Anh có gần 16% hoàn thành tốt. Với xuất phát điểm từ con số không thì đây là kết quả đáng mừng”.

Nỗ lực “xóa 0"...

Do không có giáo viên dạy Tin học nên thầy Huy trực tiếp phụ trách bộ môn này ở cả 3 lớp 3. Để thực hiện nhiệm vụ, hè năm trước thầy Huy đã tham gia lớp tập huấn ngắn hạn do ngành tổ chức. Thời gian tập huấn ngắn, nên kiến thức lĩnh hội chỉ đảm bảo cơ bản các yêu cầu tối thiểu của bộ môn.

Do là lãnh đạo nên số tiết thầy Huy phải đứng lớp vượt gấp nhiều lần định mức. Tuy nhiên, theo thầy Huy thì vướng mắc lớn nhất là ở trang thiết bị học tập. “Ban đầu triển khai chúng tôi vô cùng lo lắng do không có phòng máy đảm bảo. Môn khác thì có thể học chay chứ Tin thì không thể”, thầy Huy nói.

Giáo viên Tiếng Anh Trường Tiểu học Thị trấn Điện Biên Đông rèn luyện kỹ năng viết cho học sinh.

Giáo viên Tiếng Anh Trường Tiểu học Thị trấn Điện Biên Đông rèn luyện kỹ năng viết cho học sinh.

Cùng với sự quan tâm của ngành, nguồn hỗ trợ từ các tổ chức xã hội từ thiện thông qua hoạt động kêu gọi xã hội hóa, nhà trường đã được bố trí 1 phòng Tin học với 24 máy. Trên thực tế, với số máy này chưa thể đáp ứng yêu cầu do phải tổ chức 2 em dùng chung 1 máy. Tuy nhiên, theo thầy Huy, trong bối cảnh khó khăn chung thì đây đã là nỗ lực rất lớn.

Thống kê từ Phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé, thông qua các nguồn lực đầu tư và chương trình xã hội hóa, hiện nay toàn ngành đã bố trí được 22 phòng máy với 205 máy tính. Trong đó, cấp Tiểu học có 11 phòng. Ngoài ra, có hơn 700 máy tính bảng từ Chương trình "Sóng và máy tính cho em". Cơ bản đảm bảo 100% học sinh lớp 3 được học Tiếng Anh và Tin học.

Mặc dù nằm ngay trung tâm huyện, song Trường Tiểu học thị trấn Điện Biên Đông cũng gặp nhiều vướng mắc tương tự. Riêng về nhân lực, do chỉ có 1 giáo viên Tiếng Anh, Tin học, nên giáo viên phải thực hiện số tiết/tuần vượt quá quy định.

“Để giảm bớt gánh nặng cho giáo viên, nhà trường không tổ chức dạy làm quen cho học sinh lớp 1, 2 mà tập trung toàn bộ cho chương trình lớp 3 bắt buộc. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, nhà trường cũng không giao thêm nhiệm vụ nào cho giáo viên các môn này”, cô Nguyễn Thị Minh Khánh, Hiệu trưởng nhà trường cho hay.

Ngoài ra, theo cô Khánh chia sẻ thì hiện nay nhà trường chưa thể bố trí phòng học Tiếng Anh đúng chuẩn. Do cơ sở vật chất xây dựng theo mô hình cũ, nên mỗi lớp học cũng không đảm bảo về không gian. Để đảm bảo phục vụ tốt nhất nhu cầu học tập của học sinh, giáo viên bộ môn phải linh hoạt, sáng tạo rất nhiều. “Ngoài việc tự tham khảo, rèn luyện kỹ năng giảng dạy thì giáo viên phải tìm tòi, bổ sung đa dạng học liệu từ nhiều nguồn khác nhau để phục vụ mỗi bài dạy”, cô Khánh nói.

Còn theo thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Điện Biên Đông, hiện nay trên địa bàn có 6 đơn vị phải tổ chức dạy học liên trường, liên xã đối với môn Tiếng Anh. Đây là giải pháp tạm thời, nhằm “lấy chỗ đủ bù chỗ thiếu”. “Nhờ vậy mà cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên chung, xóa không về nhân lực cho năm học này. Còn năm học sau thì chưa biết lấy nguồn ở đâu”, ông Nguyễn Tiến Thắng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Điện Biên Đông cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.