Không để ngày cuối mới đăng ký NVXT
Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) thông tin, tính đến 12 giờ ngày 10/8, cả nước có trên 939 nghìn thí sinh đăng ký xét tuyển. Tổng số thí sinh đã nhập nguyện vọng là gần 472 nghìn. Tổng số lượng nguyện vọng là gần 2 triệu (trung bình 4,22 nguyện vọng/em).
Thí sinh tiếp tục được đăng ký, điều chỉnh NVXT đến trước 17 giờ ngày 20/8. Từ ngày 21 đến 28/8, thí sinh chốt nguyện vọng trên hệ thống, thời gian này, thí sinh mới phải nộp tiền lệ phí xét tuyển bằng hình thức trực tuyến.
Tuy nhiên, theo thầy Nông Ngọc Trọng – giáo viên Trường THPT An Mỹ (Bình Dương), các em không nên đợi đến cuối thời hạn mới đăng ký NVXT. Việc này nên thực hiện trước ngày 12/8, muộn nhất là ngày 15/8; sau đó nếu có điều chỉnh gì vẫn còn thời gian xem xét.
Thí sinh lưu ý, các NVXT vào ngành, phương thức tuyển sinh ở tất cả các trường được xếp thứ tự từ 1 đến hết; trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất, ưu tiên nhất của thí sinh.
“Quy chế tuyển sinh năm nay không giới hạn số lần đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng, tạo cơ hội tốt nhất cho thí sinh trúng tuyển vào đại học. Việc đăng ký số lượng và sắp xếp thứ tự các nguyện vọng trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT sẽ do thí sinh quyết định hoàn toàn” – TS Võ Thanh Hải nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (TP Đà Nẵng) - khuyến nghị, để tránh những rủi ro, sơ sẩy không đáng có, thí sinh không nên để đến ngày cuối mới vào hệ thống để đăng ký NVXT.
Việc đăng ký nên hoàn thành trong 10 ngày đầu của tháng 8, muộn nhất là 15/8. Thời gian còn lại, các em cần rà soát, đối sánh lại thật kỹ các nguyện vọng trước khi “chốt”. Nếu có thay đổi về NVXT hoặc thay đổi thứ tự các nguyện vọng vẫn có thể thực hiện được.
PGS.TS Nguyễn Viết Thái - Trưởng phòng Đối ngoại và Truyền thông, Trường ĐH Thương mại (Hà Nội) - tư vấn, thí sinh cần có chiến thuật “rải” nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Mỗi phương thức xét tuyển có tỷ lệ chỉ tiêu tuyển nhất định.
Nếu thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển vào ngành mình yêu thích bằng phương thức xét tuyển sớm, thì đăng ký là nguyện vọng 1. Các em không nên tập trung tất cả nguyện vọng vào trường tốp đầu, có mức độ cạnh tranh quá cao. Việc này có thể dẫn đến rủi ro là trượt các nguyện vọng.
Không đăng ký một nguyện vọng
Theo Quy chế tuyển sinh, năm nay sẽ không xảy ra tình trạng thí sinh trúng tuyển chính thức 2, 3 phương thức, hay 2, 3 trường đại học khác nhau. Ngoài ra, nếu đã được thông báo trúng tuyển một nguyện vọng trên hệ thống, các nguyện vọng sau đó đều không còn giá trị.
TS Nguyễn Tiến Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội - lưu ý, dù đạt điểm thi tốt nghiệp THPT cao và để đảm bảo cơ hội trúng tuyển, thí sinh tuyệt đối không nên đặt một nguyện vọng khi tham gia xét tuyển.
Các em nên chọn ngành, chọn trường gần với mức điểm của mình và chọn nhiều phương án khác nhau (nhiều NVXT). Nói cách khác, thí sinh biết phải lượng sức mình và không nên “bỏ trứng vào một giỏ”. Các trường sẽ xét tuyển từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu.
Hiện có khoảng 20 phương thức xét tuyển vào các trường đại học. Song chủ yếu tập trung vào một số phương thức như: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, học bạ, tuyển thẳng… Nhắc lại, mùa tuyển sinh năm ngoái, nhiều em đạt điểm thi cao nhưng vẫn trượt tất cả nguyện vọng, TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, thí sinh nên khai thác tối đa quyền được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng của mình.
Theo đó, sẽ có nguyện vọng vào những ngành “hot”, điểm trúng tuyển cao và cả ngành có điểm trúng tuyển ở mức độ vừa phải. Bên cạnh đó, thí sinh cần nghiên cứu và tìm hiểu chỉ tiêu dành cho các phương thức tuyển sinh của những ngành mà mình quan tâm để có thể tránh được việc chỉ đăng ký vào ngành không còn nhiều chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Đợt xét tuyển sớm của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) theo hai phương thức: Xét tuyển kết hợp không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Phương thức này được công bố từ đầu tháng 7, trong khoảng thời gian Bộ GD&ĐT cho phép cập nhật thông tin của thí sinh lên hệ thống (kết thúc ngày 21/7).
Phương thức xét tuyển kết hợp sử dụng điểm thi công bố sau ngày này nên phải đến tháng 9, khi Bộ GD&ĐT mở cổng đăng ký, nhà trường mới cập nhật được thông tin cho thí sinh.
“Nếu muốn học ngành đã trúng tuyển có điều kiện, thí sinh chỉ cần đăng ký là nguyện vọng 1 vào trường là yên tâm” - GS.TS Trần Thị Vân Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho hay, đồng thời lưu ý: Nhiều em đã biết đủ điều kiện trúng tuyển bằng xét học bạ, đánh giá năng lực... nhưng nếu không xác nhận bằng cách đăng ký lại nguyện vọng trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung sẽ bị từ chối trúng tuyển.
Theo đại diện lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), năm nay dù thí sinh có khả năng trúng tuyển sớm vào nhiều ngành, nhiều trường ở các phương thức khác nhau nhưng khi đăng ký theo thứ tự ưu tiên nguyện vọng trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT và xử lý lọc ảo, mỗi thí sinh chỉ được trúng tuyển một nguyện vọng.
Từ những điều chỉnh của Quy chế tuyển sinh năm nay, PGS.TS Lê Đình Tùng - Trưởng phòng Quản lý đào tạo đại học, Trường ĐH Y Hà Nội - khuyên thí sinh cân nhắc kỹ khi đăng ký NVXT. Sĩ tử phải thực hiện đúng, đủ, hết quy trình đăng ký xét tuyển.
Để có đủ thông tin xét tuyển, thí sinh cần tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của các trường đại học để đảm bảo không bị nhầm lẫn khi đăng ký NVXT.
“Đặc biệt, không được bỏ qua các tiêu chí phụ. Năm ngoái, nhiều thí sinh “trượt oan” chỉ vì không lưu tâm đến các tiêu chí này” - PGS.TS Lê Đình Tùng nhắc lại.