Tranh luận cách đưa trang phục cổ vào cuộc sống

GD&TĐ - Tái hiện nguyên hình trang phục cổ, hay cố gắng cách tân để đưa cổ phục vào cuộc sống luôn là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Phục trang văn võ bá quan trong nghi thức 'Tiến lịch' tại Hoàng thành Thăng Long.
Phục trang văn võ bá quan trong nghi thức 'Tiến lịch' tại Hoàng thành Thăng Long.

Giữa xu hướng trang phục cổ được giới trẻ yêu thích, và phát triển rộng khắp các nhóm nghiên cứu từ Bắc vào Nam. Nhiều người cho rằng, gọi là cổ phục nhưng nhiều mẫu quá lòe loẹt, diêm dúa – ngược lại, có nhiều mẫu đáng là cổ phục nhưng lại quá đơn sơ, kém thẩm mỹ.

Kẻ khen, người chê

Thuật ngữ “cổ phục Việt” được gọi theo cách chính xác hơn là y phục truyền thống Việt Nam, hoặc Việt phục – để phân biệt với Hán phục (Trung Quốc), Hanbok (Hàn quốc), Hòa phục (Nhật Bản)…

Cho đến nay, khái niệm về Việt phục vẫn khá sơ sài và chưa thể khái quát được hết ý nghĩa. Việt phục gồm y phục của tộc Việt/Kinh và y phục cung đình: Áo tứ thân, ngũ thân (gồm hai loại là áo ngũ thân tay chẽn và áo ngũ thân tay thụng), áo trực lĩnh, giao lĩnh, viên lĩnh, đối khâm, nhật bình... Một số quan điểm khác tổng quát các dân tộc đã sống trên lãnh thổ Việt Nam từ lâu đời, như người Chămpa, người Khmer và các dân tộc thiểu số khác.

Điểm bất lợi trong việc nghiên cứu, sưu tầm tư liệu và hiện vật cổ phục ở nước ta là vô cùng hạn chế. Rất ít tư liệu lịch sử ghi chép cụ thể về trang phục các thời kỳ, triều đại. Bởi vậy, số nhiều nghiên cứu chỉ là sự tương đối, có đôi chút tưởng tượng. Và chủ yếu, các mẫu cổ phục thường được miêu tả vào thời nhà Nguyễn.

Không chỉ đưa ra mẫu trang phục theo quy cách, kiểu dáng triều Nguyễn, nhiều nhóm nghiên cứu còn thiết kế và đưa ra các mẫu áo tấc - một loại lễ phục của áo lộc lĩnh ngũ thân tay chẽn. Áo này thường được mặc vào các dịp trang trọng hoặc ngày lễ theo nghi thức cung đình.

Các bạn trẻ làm việc tại Ỷ Vân Hiên như chị Trần Thùy Linh (Hà Nội) còn tự may nhiều mẫu áo dài ngũ thân khác nhau để mặc dạo phố. Không chỉ đem lại sự thuận tiện thoải mái cho người mặc, những trang phục cổ luôn khiến người trẻ nổi bật.

Nhà thiết kế Khang Huy cho rằng, tà áo dài ngũ thân thể hiện sự tinh tế của người xưa. Tà áo có rất nhiều lớp lang vì quan điểm và lối sống, phong tục, tập tục ngày xưa.

Tuy nhiên, trên các hội nhóm mạng xã hội và nhiều sự kiện liên quan cổ phục - ngày càng xuất hiện nhiều bộ trang phục lòe loẹt, diêm dúa. Dù được gọi là cổ phục, nhưng lại khá giống với Hán phục bởi cách thiết kế kiểu dáng và họa tiết. Thậm chí, có nhiều mẫu sau khi đưa vào sử dụng lại phải nhận “mưa lời chê” vì quá xấu.

Cho đến nay, khó có một mẫu cổ phục nào đủ sức thuyết phục để trở thành quốc phục. Vì thế, cổ phục chủ yếu để phục vụ trong các chương trình thời trang, phim trường, sân khấu, sự kiện, chụp ảnh cưới… chứ vẫn hiếm người mặc cổ phục ra đường, đi làm hay gặp gỡ bạn bè, đối tác.

Trước thực tế đó, giới nghiên cứu cổ phục đặt ra câu hỏi nên tái hiện nguyên hình trang phục cổ hay cố gắng cách tân để đưa cổ phục vào cuộc sống? Câu hỏi đưa ra, nhưng không có đáp án cụ thể vì mỗi người sẽ có góc nhìn và thấy nét đẹp riêng ở cổ phục nguyên hình hoặc cổ phục cách tân.

Cổ phục gắn với cội nguồn văn hóa

Nhiều ý kiến cho rằng nên tái hiện nguyên hình hay cách tân cổ phục.

Nhiều ý kiến cho rằng nên tái hiện nguyên hình hay cách tân cổ phục.

“Lễ phục khác với quốc phục ở chỗ nào? Về nguyên tắc, việc chế tác lễ phục phải lấy cốt cách và chuẩn mực từ quốc phục, nhưng khác ở chỗ vải vóc sang quý, màu sắc sáng sủa và thợ cắt may lành nghề hơn”.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải

Nhà văn Hoàng Quốc Hải - tác giả của nhiều tiểu thuyết lịch sử - cho rằng: Quốc phục của một nước, là cách dùng các đồ vải sợi, tơ lụa, len dạ… chế tác thành các kiểu áo quần, được dân chúng trong cộng đồng dân tộc tự nguyện chấp thuận và sử dụng ổn định qua nhiều đời. Vậy quốc phục là nét đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc được kết tụ lại.

Trong sách “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn có viết: “Trần Cương Trung, nhà Nguyên đi sứ nước ta về, viết trong cuốn “Sứ Giao Châu về chiếc áo của người Việt thời nhà Trần”: Người trong nước đều mặc lụa thâm, áo hoa, quần mỏng, cổ áo tròn khâu bằng là. Đàn bà cũng mặc áo thâm, nhưng màu trắng ở trong rộng hơn để viền vào cổ áo rộng bốn tấc, họ cho đó là khác với áo đàn ông. Các sắc màu xanh, hồng, vàng, tía, tuyệt nhiên không có”.

Theo ông Hải, chúng ta có một nền văn hóa y phục xuyên suốt từ cổ đại cho tới năm 1945 - đó là quốc phục. Quốc phục là loại áo quần do dân chúng trong nước thường dùng một cách phổ cập. Nhưng cần biết thêm, quốc phục phân ra thường phục và lễ phục. Thường phục mặc thường ngày, lễ phục mặc vào những ngày lễ, tết hoặc các dịp long trọng như hội hè, cưới hỏi.

Nhà thiết kế Nguyễn Đức Lộc - người sáng lập Ỷ Vân Hiên - cho rằng, cổ phục không phải là những trang phục cổ mà chúng ta đang nhìn thấy bán ở ngoài chợ. Cũng không phải áo dài tân thời mà các bà, các cô đang mặc, càng không phải là những bộ gấm bán tràn lan ngoài cửa hiệu.

Anh cho rằng: “Nếu chỉ tái hiện nguyên dạng trang phục cổ thì e rằng quá cứng nhắc và có phần làm giảm hiệu quả - nếu xét trên tác dụng thúc đẩy giới trẻ tìm hiểu văn hóa truyền thống. Việc đưa những yếu tố cổ phục vào trang phục hiện đại vẫn là việc nên làm, để mọi người dần không còn thấy xa lạ với những hoa văn họa tiết truyền thống”.

“Cần có nền tảng, đó chính là việc cố gắng hoàn nguyên trang phục cổ đến hết mức có thể. Bởi chỉ khi những nghiên cứu về trang phục cổ đã đầy đủ về chi tiết, nhà sản xuất mới có thể chọn lựa được những chi tiết cần thiết theo yêu cầu để đưa vào trang phục cách tân”, nhà thiết kế Đức Lộc cho hay.

Khi chưa thể định hình được lối đi cho cổ phục Việt, giới nghiên cứu cho rằng rất cần những tranh luận khoa học, cũng như những thử nghiệm. Hướng về quá khứ đã qua để bảo lưu văn hóa truyền thống không có nghĩa phát triển cổ phục theo phong trào mà phải đặt cội nguồn văn hóa lên hàng đầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều hòn đảo xa xỉ ở Tây Ban Nha thu hút người giàu có và nổi tiếng.

3 hòn đảo đỉnh cao xa hoa ở Tây Ban Nha

GD&TĐ -Nhiều hòn đảo tư nhân của Tây Ban Nha, một số thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga, được những người giàu có và nổi tiếng lui tới.

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.