Khái niệm “Việt phục” được các nhà nghiên cứu đưa ra để phản ánh một khía cạnh hẹp trong chiều dài văn hoá lịch sử. Tuy nhiên, các khái niệm không đi đến thống nhất nên tạm thời được gắn với phong trào cổ phục nói chung, từng bước so sánh với cổ phục các nước: Hán phục (Trung Quốc), Hàn phục (Hàn Quốc), Hoà phục (Kimono Nhật Bản).
Xu hướng giới trẻ
Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức đã dành thời gian hơn 3 năm để nghiên cứu về trang phục cổ Việt Nam, giai đoạn từ thế kỷ thứ X – XIX. Cuốn sách “Ngàn năm áo mũ” được ra đời, bước đầu hệ thống lại khoảng trống thông tin và phục dựng lại thực tế trang phục các giai đoạn.
Có thể nói, trong các tư liệu ghi chép lịch sử của Việt Nam, trang phục là khoảng trống lớn nhất. Đa số các triều đại đều rất hiếm các ghi chép, miêu tả. Có đi chăng nữa, miêu tả ấy lại rơi đúng vào thời kỳ 10 năm đô hộ của nhà Minh khi nhà Hồ thất bại.
Vì thế, không chỉ ngành thời trang phải loay hoay trong các thiết kế trình diễn, mà ngay ngành điện ảnh – sân khấu cũng không có “điểm tựa”. Một số bộ phim, vở diễn đầu tư công phu nhưng lại bị phản ứng gay gắt do trang phục quá giống Trung Quốc.
Từ năm 2010, khi Đại lễ kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội diễn ra, một số nhóm nghiên cứu “ngầm” phát động phong trào cổ phục. Phong trào không hoàn toàn thất bại, nhưng không nhen nhóm được niềm yêu thích cổ phục trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.
Bẵng đi vài năm, người ta thấy một số nhóm xuất hiện với vai trò thiết kế cổ phục dành cho các dịch vụ cưới hỏi, chụp ảnh lưu niệm… được quảng bá mạnh mẽ trên mạng xã hội.
Từ đầu năm 2020, nhiều clip và MV ca nhạc với hình ảnh ca sĩ, diễn viên mặc cổ phục rất đẹp mắt xuất hiện. Những tên tuổi như Hoàng Thuỳ Linh, Hoàng Thị Hậu… diện cổ phục từ cung đình đến thường dân với các trích đoạn cổ tích đã phần nào thuyết phục được những người khó tính trong quan niệm về cổ phục.
Một trong những tên tuổi trẻ trong ngành thiết kế cổ phục Việt là Nguyễn Đức Lộc, cho rằng, khoảng 2 năm trở lại đây, cổ trang đang trở thành xu hướng trong giới trẻ.
“Trang phục truyền thống Việt Nam không chỉ có mỗi bộ áo dài mà là một hệ thống nhiều loại trang phục khác nhau, mỗi triều đại phong kiến trong lịch sử thì lại có những loại trang phục không hề giống nhau”, Nguyễn Đức Lộc cho biết.
Cổ phục Việt “đi vào” đời sống
Bộ ảnh cưới diện cổ phục nhật bình và áo tấc của hai bạn trẻ người Hà Nam cũng đem lại hiệu ứng đặc biệt vào tháng 7/2020.
Cô dâu diện trang phục nhật bình của Hoàng Thái hậu, Hoàng hậu, Hoàng Quý phi; lễ phục của các bậc từ Nhất giai phi đến Tứ giai tần của triều đình nhà Nguyễn. Tùy phẩm cấp mà màu sắc, hoa văn của nhật bình có điểm khác biệt để phân định. Còn áo tấc - hay còn gọi là áo ngũ thân tay thụng, áo lễ, áo thụng - là lễ phục trang trọng thời Nguyễn. Tên áo tấc xuất phát từ phần viền áo rộng đúng 1 tấc.
Từ cuối năm 2020, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh giới trẻ diện cổ phục chụp ảnh tại các di tích lịch sử. Đáng chú ý là những cổ phục đều rất đẹp mắt, sang trọng và nhận được nhiều lời khen ngợi.
Điều đó phần nào chứng tỏ, để cổ phục từ “tự phát” đến “tự giác” cần tính thẩm mỹ cao và niềm yêu thích đối với lịch sử cùng sự trân trọng các giá trị truyền thống.
Trước tình hình đó, ngày 10/1, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức “Ngày hội Việt phục Tóc xanh - Vạt áo” với mong muốn lan tỏa giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc tới sinh viên. Ngày hội có sự góp mặt của nhiều hội nhóm yêu thích về cổ phong, cổ phục Việt Nam: Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi, Great Vietnam, Sử Talk, Ngàn năm Sử Việt, Ỷ Vân Hiên, Vương Sư Kiên Duệ, Đại Nam Hội Quán, CLB Văn hóa Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa...
Ngoài các hoạt động trình diễn, trưng bày gian hàng cổ phong, tái hiện hành trình phục dựng triều phục, áo dài… ban tổ chức còn có talkshow tái hiện Điển lễ sách phong hoàng hậu triều Nguyễn.
Ngày hội chủ yếu trình diễn trang phục triều Nguyễn – ban tổ chức giải thích vì đây là triều đại gần nhất và có nhiều tư liệu phục vụ cho việc phục dựng. Theo anh Tôn Thất Minh Khôi: Trang phục triều Nguyễn có khá nhiều điểm tương đồng với áo dài. Trước mắt phải để người dân quen với cổ phục ít nhất là triều Nguyễn trước rồi sau đó mới tiếp cận với trang phục thời Lê, Lý, Trần...
Trái với dự tính ban đầu, ban tổ chức rất bất ngờ khi thấy hàng nghìn bạn trẻ háo hức và tỏ niềm yêu thích với cổ phục Việt. Không chỉ là mặc áo vào chụp ảnh, họ còn ngắm nghía đến từng chi tiết thêu cũng như tò mò về ý nghĩa của các hoạ tiết liên quan đến thẩm mỹ lịch sử và quy định cổ phục.
Năm 2020, những công việc hướng về cổ phục không chỉ còn trên giấy tờ, hay hạn chế trong những đoàn làm phim mà đã dần lan tỏa đến công sở. Điển hình là Sở Văn hoá – Thể thao Thừa Thiên - Huế thí điểm cho cán bộ công chức và người lao động mặc áo dài ngũ thân vào sáng thứ Hai đầu tháng.
Các nhà nghiên cứu nhận định, xã hội càng phát triển thì các giá trị cổ truyền càng được nhiều người hướng tới. Tuy nhiên, ngành văn hoá cần có chiến lược dài hơi để “nuôi dưỡng” tinh thần cổ phục. Cổ phục cần có con đường riêng, phải sâu rễ bền gốc với cộng đồng. Còn nếu cổ phục chỉ là một phong trào, thì phong trào hết, cổ phục sẽ không được nhắc lại.