Sức hút cổ phục Việt

GD&TĐ - Không chỉ ngày càng nhiều bạn trẻ tìm đến với cổ phục Việt, mà các diễn đàn cổ phong cũng phát triển mạnh theo nét đẹp truyền thống.

Đôi bạn trẻ diện cổ phục Việt trong đám cưới tại Hà Nam.
Đôi bạn trẻ diện cổ phục Việt trong đám cưới tại Hà Nam.

Gõ từ khóa “cổ phục Việt”, chỉ trong 0,92 giây đã cho ra 302 triệu kết quả tìm kiếm. Điều đó nói lên phần sức hấp dẫn khi ngày càng nhiều bạn trẻ quan tâm đến trang phục truyền thống.

Lan tỏa nét đẹp xưa

Cổ phục Việt là khái niệm chung để nói về trang phục truyền thống Việt Nam như áo giao lĩnh, áo Nhật Bình, áo ngũ thân. Một số chuyên gia văn hóa và thời trang lại gọi tóm gọn là “Việt phục” để tương ứng với khái niệm quốc tế, như: Hàn phục (Hanbok), Hán phục và Hòa phục (Kimono Nhật Bản).

Có thể nói, xu hướng truyền thống hóa nghệ thuật khởi phát mạnh mẽ từ đầu năm 2019 với hàng loạt cuộc biểu diễn, trưng bày, triển lãm, workshop của giới nghệ sĩ liên quan các lĩnh vực thời trang và sân khấu.

Nghệ thuật truyền thống trong dòng chảy hiện đại được giới sân khấu và nghệ thuật lựa chọn để trình diễn. Ba lý do cơ bản được các nhà nghiên cứu đưa ra: Bảo tồn gìn giữ vẻ đẹp nghệ thuật truyền thống; thể hiện sự hội nhập văn hóa; dễ tiếp cận công chúng.

Sở dĩ, Việt Nam chậm hình thành cổ phục bởi dữ liệu người xưa để lại quá ít. Trong các tư liệu ghi chép lịch sử, trang phục là khoảng trống lớn nhất. Đa số các triều đại đều rất hiếm – ngay cả các miêu tả. Có đi chăng nữa, miêu tả ấy lại rơi đúng vào thời kỳ 10 năm đô hộ của nhà Minh khi nhà Hồ thất bại.

Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức đã dành thời gian hơn 3 năm để nghiên cứu về trang phục cổ Việt Nam, giai đoạn từ thế kỷ thứ 10 - 14. Cuốn sách “Ngàn năm áo mũ” được ra đời, bước đầu hệ thống lại khoảng trống trang phục các giai đoạn. Tuy nhiên, giới nghiên cứu cũng chỉ coi cuốn sách như một tài liệu tham khảo.

Từ năm 2010, khi Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội diễn ra, một số nhóm nghiên cứu “ngầm” phát động phong trào cổ phục. Phong trào không hoàn toàn thất bại, nhưng không nhen nhóm được niềm yêu thích cổ phục trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.

Vài năm sau, người ta thấy một số nhóm xuất hiện với vai trò thiết kế cổ phục dành cho các dịch vụ cưới hỏi, chụp ảnh lưu niệm… được quảng bá mạnh mẽ trên mạng xã hội.

Từ đầu năm 2020, nhiều clip và MV ca nhạc với hình ảnh ca sĩ, diễn viên mặc cổ phục rất đẹp mắt xuất hiện. Nghệ sĩ diện cổ phục từ cung đình đến thường dân với các trích đoạn cổ tích đã phần nào thuyết phục được những người khó tính trong quan niệm về trang phục.

Sau đó, bộ ảnh cưới diện cổ phục Nhật Bình và áo tấc của hai bạn trẻ người Hà Nam cũng đem lại hiệu ứng đặc biệt. Cô dâu trong trang phục Hoàng hậu, Hoàng Quý phi - lễ phục của các bậc từ Nhất giai phi đến Tứ giai tần của triều đình nhà Nguyễn.

Thay vì ngượng ngùng, các bạn trẻ đã mạnh dạn hơn khi khoác cổ phục để chụp ảnh tại nơi công cộng. Những bộ ảnh đẹp lan tỏa trên mạng xã hội nhận được nhiều lời khen và lượng chia sẻ rất lớn. Từ đó, phong trào diện cổ phục diễn ra rộng rãi, trong công sở cũng như trường học.

Khơi dậy niềm tự hào

Áo Bình Lĩnh dành cho nhất phẩm phu nhân – hình ảnh triển lãm sắp tới của Nga Nguyễn.

Áo Bình Lĩnh dành cho nhất phẩm phu nhân – hình ảnh triển lãm sắp tới của Nga Nguyễn.

“Là người đồng hành cùng phong trào cổ phong, tôi thấy có sự thay đổi lớn trong phong cách ăn mặc với việc chọn trang phục truyền thống. Nhiều dạng áo dài ngũ thân, Nhật Bình... xuất hiện, chiếm tỉ lệ lớn giữa thị trường áo dài cách tân”. Anh Tôn Thất Minh Khôi, người sáng lập “Thiên Nam lịch đại hậu phi”.

Năm 2021, tại ĐH Quốc gia TPHCM đã diễn ra “Ngày hội Việt phục Tóc xanh - Vạt áo” với mong muốn lan tỏa giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc tới sinh viên. Ngày hội có sự góp mặt của nhiều hội nhóm yêu thích về cổ phong, cổ phục Việt Nam: Thiên Nam lịch đại hậu phi, Great Vietnam, Sử Talk, Ngàn năm sử Việt, Ỷ Vân Hiên, Vương sư kiên duệ, Đại Nam hội quán, CLB Văn hóa Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa...

Giữa tháng 3 vừa qua, đêm gala “Tóc xanh - Vạt áo 2022” tiếp tục được thể hiện, thu hút đông đảo giới nghệ sĩ và sinh viên tham gia. Anh Tôn Thất Minh Khôi - hậu duệ chúa Nguyễn Phúc Khoát, cũng là người sáng lập “Thiên Nam lịch đại hậu phi” - cho biết, hàng nghìn bạn trẻ háo hức và tỏ niềm yêu thích với cổ phục Việt.

Không chỉ là mặc áo vào chụp ảnh, họ còn ngắm nghía đến từng chi tiết thêu cũng như tò mò về ý nghĩa của các họa tiết liên quan đến thẩm mỹ lịch sử và quy định cổ phục.

Ca sĩ Phương Thanh cho biết, cô rất hạnh phúc khi được mặc Việt phục. Gần đây, cô đã diện Việt phục trong MV “Chân mây” khiến nhiều người ngạc nhiên. “Khi mặc Việt phục, Phương Thanh thấy mình hiền hơn, đoan trang hơn, đặc biệt là nữ tính hơn”, Phương Thanh cho hay.

Tại Hà Nội tới đây, từ ngày 20 – 27/3 triển lãm “Trang phục người Việt thời Nguyễn” sẽ diễn ra với những sản phẩm đúc kết từ nghiên cứu cá nhân của Nga Nguyễn - dưới danh nghĩa Thủy Trung Nguyệt và Đại Nam Chân Ảnh.

Anh Nguyễn Đức Lộc (sáng lập Ỷ Vân Hiên) cho rằng, không chỉ xu hướng diện cổ phục, mà ngành may cổ phục Việt cũng phát triển mạnh. Đó là điều tất yếu, vì không phải tự nhiên mà phong trào này sôi nổi, lan tỏa ra cả xã hội trong nhiều lĩnh vực.

Cùng với phong trào diện cổ phục, việc chấn hưng Quốc phục – Lễ phục từng được nghị bàn tại Quốc hội. Các đại biểu Phan Thanh Bình, Dương Trung Quốc… cũng ủng hộ áo dài truyền thống.

Quay lại quá khứ, hình ảnh trang phục nam giới Việt là khăn xếp, áo the, guốc mộc đã đi vào lịch sử. Chiếc áo dài ngũ thân đã gắn liền với 9 chúa, 13 vua thời Nguyễn, ngay cả sau khi vua Bảo Đại thoái vị - người ta vẫn thấy bóng dáng của áo dài ngũ thân nam.

Có thể nói, cổ phục Việt đang có sức hút lớn. Tuy nhiên, giới nghiên cứu cho rằng, phát triển xu hướng theo phong trào sẽ không bền. Cần phải khơi dậy niềm yêu thích văn hóa, cũng như lòng tự hào về trang phục truyền thống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ