Tranh chấp được trọng tài quốc tế giải quyết tăng cả về số lượng và mức độ

GD&TĐ - Thông tin trên vừa được chia sẻ tại diễn đàn khoa học “Hoàn thiện các cơ chế về bên thứ ba, thuận lợi hóa quá trình tố tụng trọng tài”.

Tranh chấp được trọng tài quốc tế giải quyết tăng cả về số lượng và mức độ

Diễn đàn do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trường ĐH Luật TPHCM tổ chức ngày 11/4.

Phát biểu khai mạc, TS Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, trong năm 2023, tỷ lệ các tranh chấp được giải quyết thông qua trọng tài, hòa giải có xu hướng tăng về số lượng và cả mức độ phức tạp trong tính chấp.

TS Lộc nhận định, ngoài các bên tham gia tranh chấp, yếu tố “bên thứ ba” dần có tần suất xuất hiện dày đặc hơn, ở nhiều hình thái và vai trò hơn, đồng thời, cũng mang đến nhiều tác động hơn đối với hoạt động tố tụng trọng tài.

“Cùng với sự phát triển của xã hội, trên đà hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, các giao dịch kinh doanh, thương mại ngày càng trở nên khó đoán định hơn với sự tham gia của đa dạng thành phần chủ thể hơn”, TS Lộc đánh giá.

Tại diễn đàn, Trường ĐH Luật TPHCM và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác về các nội dung: Phối hợp triển khai định kỳ cuộc thi Phiên toà giả định cấp quốc gia (VMOOT cấp quốc gia); Đồng chủ trì phối hợp triển khai định kỳ diễn đàn khoa học về trọng tài và hoà giải.

Hai bên phối hợp tổ chức các hội thảo, toạ đàm cho doanh nghiệp với nội dung liên quan đến các vấn đề pháp lý; ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng; xử lý rủi ro, tranh chấp về hợp đồng và các vấn đề khác theo đề xuất của các bên; đồng thời tuỳ theo nhu cầu và nội dung phù hợp, VIAC và ULAW sẽ mời và cử cán bộ giảng viên, chuyên gia, trọng tài viên, hoà giải viên tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học, các buổi trao đổi chuyên đề, tập huấn do các bên tổ chức.

Với chức năng là cơ sở đào tạo lớn có uy tín và là đơn vị trọng điểm trong lĩnh vực đào tạo pháp luật, TS Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM cho biết, Trường hoan nghênh sự hợp tác giữa hai đơn vị đối với Chuỗi hoạt động AMS 2024 nói chung và Diễn đàn Khoa học về Trọng tài “Hoàn thiện các cơ chế về bên thứ ba, thuận lợi hóa quá trình tố tụng trọng tài” nói riêng.

Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trường ĐH Luật TPHCM ký kết hợp tác.

Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trường ĐH Luật TPHCM ký kết hợp tác.

TS Sơn cho rằng, qua quá trình nghiên cứu và thực tiễn kinh nghiệm, rất nhiều ý kiến đóng góp về việc bổ sung, cải thiện cơ chế cho bên thứ ba đã được đưa ra.

Diễn đàn này được kỳ vọng sẽ cung cấp thông tin, đồng thời mở ra diễn đàn trao đổi, thảo luận giữa các chuyên gia uy tín, có chuyên môn và kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực trọng tài.

Diễn đàn thu hút hơn 200 chuyên gia, Luật sư, Trọng tài viên nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực trọng tài thương mại nói riêng và tư pháp nói chung đến tham gia.

“Đây tiếp tục là dấu mốc quan trọng, tạo tiền đề vững chắc để hai tổ chức đưa ra các ý tưởng, xây dựng các hoạt động, chương trình nhằm phát huy tốt thế mạnh hai bên; đem đến những thông tin hữu ích, quý giá cho các giảng viên, sinh viên, doanh nghiệp và luật sư”, TS Sơn nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ