Chiều 7/1, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam diễn ra lễ khai mạc triển lãm '12 con giáp' của họa sĩ Đặng Việt Linh. Bộ tranh 12 con giáp trên giấy dó truyền thống được họa sĩ thực hiện trong 12 năm, tạo thành một chuỗi tác phẩm thể hiện khái niệm về sự trường tồn và luân chuyển.
“Rắn vô cực” trong kỷ nguyên vươn mình
Triển lãm trưng bày các tác phẩm bột màu và acrylic trên giấy dó. Chất liệu của tác phẩm được sử dụng kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, mang lại ấn tượng về thị giác với những gam màu tươi vui, rực rỡ để chuẩn bị đón chào năm mới Ất Tỵ 2025.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, họa sĩ Đặng Việt Linh cho biết, bộ tranh được anh thực hiện trong vòng 12 năm - kể từ năm Quý Tỵ 2013 đến năm Ất Tỵ 2025. Việc vẽ 12 con giáp đối với họa sĩ như lời gửi gắm những tình cảm, ước mơ và khát khao trong năm mới. Những nguồn cảm hứng và cách thể hiện có thể khác nhau theo từng năm, tuy nhiên điều quan trọng tác giả muốn thể hiện thông qua bộ tranh là tinh thần nhân văn và nhiệt thành trong đời sống.
Mỗi con giáp lại mang một ý niệm khác nhau, có thể thông qua đặc tính của con vật được lồng ghép vào những suy tưởng của họa sĩ cùng những biến động của đời sống. Với năm Sửu, trâu là một con vật gắn bó mật thiết với văn minh nông nghiệp, nó gần gũi và trở thành biểu tượng cho sự cần lao và tính chăm chỉ.
Vì thế, hình tượng con trâu được tạo hình khỏe khoắn, nhiều chân và chiếc sừng to biểu tượng cho sự học hỏi và chăm chỉ lao động để xây dựng cuộc sống.
Hay như năm Mão, con mèo đại diện cho sự trường thọ, vui vẻ nên họa sĩ tạo hình con vật này như một vị thần bảo hộ đang mỉm cười với chiếc cánh luôn thể hiện sự lạc quan. Thêm nữa đối với một số nước Á Đông, con thỏ được thay thế cho con mèo nên tác giả đã lồng ghép vào phần thân của con mèo.
Đối với năm rắn Ất Tỵ 2025, năm đất nước có nhiều hi vọng mới, bước sang một kỷ nguyên nhiều thay đổi và vươn lên mạnh mẽ. Họa sĩ cũng gửi tâm tình, ước vọng cá nhân không ngại vượt qua giới hạn, thử thách để đến được với thành công. Chính vì thế, rắn trong tranh Đặng Việt Linh được tạo hình như một biểu tượng vô cực bay trên bầu trời đầy sao lấp lánh.
Với bộ tranh 12 con giáp, chất liệu chủ yếu là bột màu và màu acrylic trên giấy dó, loại giấy truyền thống của Việt Nam mà họa sĩ đã lựa chọn, khai thác đưa vào hội họa của mình trong khoảng hơn 1 thập kỷ, từ triển lãm đầu tiên năm 2015 đến nay.
“Việc tôi chọn giấy dó để thể hiện ngoài việc là chất liệu quen thuộc, nó còn gợi cho tôi nhiều cảm xúc về những tình cảm và nét văn hóa Việt trong dòng chảy của thời đại”, họa sĩ Đặng Việt Linh cho hay.
Hội họa nhận diện văn hóa truyền thống
Họa sĩ Đặng Việt Linh sinh năm 1993 tại Việt Trì (Phú Thọ).Tuy còn khá trẻ nhưng anh đã tham gia nhiều triển lãm trong nước và quốc tế. Năm 2007, Việt Linh tham gia triển lãm “Tranh ảnh đề tài dân tộc miền núi phía Bắc Việt Nam” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (đoạt giải Nhì).
Trong các năm tiếp theo, anh tham gia triển lãm khu vực III Hội Mỹ thuật Việt Nam, triển lãm giao lưu cùng các họa sĩ Hàn Quốc, triển lãm “Quảng bá hội họa Việt Nam” tại Đại sứ quán Đan Mạch, tham gia trưng bày “Chuyện của người đang lớn” do quỹ UNESCO tại Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Việt Linh cũng có tranh trong các bộ sưu tập tư nhân tại Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Năm 2015, khi đang là sinh viên năm thứ 4 Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, Đặng Việt Linh đã có cho mình triển lãm đầu tay mang tên “Mơ”.
Học mỹ thuật công nghiệp, Đặng Việt Linh say mê sáng tạo những bức tranh nghệ thuật với tạo hình độc lập. Trong khi mỹ thuật công nghiệp đòi hỏi tư duy lý trí mạch lạc, những bức tranh của Việt Linh lại vô cùng tự do, ngẫu hứng, gần như bỏ qua những luật lệ tạo hình thông thường, trường quy.
Họa sĩ Nguyễn Nghĩa Phương nhận xét rằng, những tác phẩm của Việt Linh là sự giao kết, biến hóa của các mảng màu phẳng tươi sáng để tạo nên ngôn ngữ tạo hình chủ đạo cho việc thể hiện ý tưởng nghệ thuật từ rất nhiều các họa tiết mang đậm tính trang trí.
Những mô típ trong tranh của họa sĩ mang các tín hiệu nhận diện văn hóa truyền thống và thẩm mỹ hiện đại không chỉ của riêng Việt Nam, mà còn của nhiều dân tộc khác trên thế giới.
“Đặt chúng trong cùng một tổng thể, khung cảnh, họa sĩ mong muốn hình ảnh hóa những giấc mơ của mình về một sự hòa hợp, giao lưu mang tính cộng đồng của tất cả con người trên Trái đất này bởi anh cho rằng chúng ta sinh ra đều giống nhau, đều có ước mơ và khát vọng như nhau”, họa sĩ Nguyễn Nghĩa Phương cho hay.
Năm 2018, triển lãm cá nhân thứ 2 mang tên “Xứ thần thoại” với hơn 30 tác phẩm, được lấy cảm hứng từ những câu chuyện tại ngôi làng quê hương đất Tổ trong quá khứ, nơi có những kỷ niệm, ký ức và những mơ ước của không chỉ một cá nhân, mà của cả một cộng đồng thu nhỏ.
Bộ tranh dù thể hiện theo bất cứ chất liệu nào như bột màu trên giấy dó, hay sơn dầu cũng đều dùng những sắc màu tương phản đặt cạnh nhau. Những màu nguyên chất: Đỏ, cam, vàng, lam, lục kết hợp với màu nhũ kim vàng, nhũ kim bạc lấp lánh được sử dụng chủ đạo ở các tác phẩm.
Tuy mỗi bức tranh là một câu chuyện thần thoại, song các tác phẩm không vẽ về thứ huyền thoại xa xôi ảo vọng, mà vẽ về những huyền thoại luôn tồn tại trong cuộc sống đời thường. Đó là những con người yêu lao động, những bà mẹ dành cả đời mình cho con cái, những người cha luôn dang đôi tay che chở cho gia đình, những đứa trẻ tập tễnh bước đi đầu đời, bập bẹ tiếng gọi mẹ đầu tiên đầy thiêng liêng và gắn kết mẫu tử.
Nhìn tranh Đặng Việt Linh, công chúng cảm nhận những thăng hoa đặc biệt. Họa tiết, hoa văn và màu sắc như luân chuyển liên tục, không ngừng tái tạo, có lúc như phá vỡ giới hạn, ngầm chuyển thể những thông điệp sâu xa của hình – sắc – màu.
“Triển lãm 12 con giáp như một dấu mốc để tôi soi chiếu lại bản thân, nhìn lại một chặng đường mình đã đi với đầy những biến chuyển trong cả đời sống lẫn việc thực hành nghệ thuật. Hơn bao giờ hết, tôi trân trọng những gì đã, đang diễn ra và luôn tin tưởng vào một tương lai tràn đầy lạc quan và hi vọng”, họa sĩ Đặng Việt Linh chia sẻ.