(GD&TĐ) - Tại một số trường đại học trọng điểm ở nước ta hiện nay, đã có những phòng thí nghiệm - thực hành được đầu tư gần trăm tỷ đồng/1 phòng (chưa tính giá trị cơ sở hạ tầng nhà, xưởng). Nhiều trường phổ thông cũng được trang bị cả tỷ đồng/1 phòng lab và phòng vi tính... Tuy nhiên, vẫn còn không ít trang thiết bị dạy học đắt tiền bị “trùm mền”, khiến cho công cuộc cải tiến phương pháp dạy học vốn hết sức lạc hậu là “đọc - chép” càng nan giải.
Sử dụng thiết bị dạy học phải thành thạo
Theo PGS TS Ngô Minh Oanh - Viện trưởng Viện nghiên cứu Giáo dục, thuộc ĐHSP TP.HCM, lâu nay chúng ta quan niệm thông qua “dạy chữ” để “dạy người”. Hiện nay, cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang phát triển như “vũ bão”, thì việc đổi mới nội dung và phương pháp dạy học sẽ theo trật tự mới đó là: Thái độ - Kỹ năng - Kiến thức hoặc Kỹ năng - Thái độ - Kiến thức... Như vậy thiết bị dạy học (TBDH) đã trở thành một phương tiện không thể thiếu, giúp người dạy, cũng như người học tăng cường tự học, tự tìm đến kiến thức, theo yêu cầu đổi mới GD hiện nay là: dạy học là dạy phương pháp học, phương pháp nghiên cứu khoa học... Thực tế cho thấy, khi được trang bị những phương tiện dạy học hiện đại, không phải giáo viên (GV) nào cũng sử dụng được, hoặc sử dụng thành thạo. Vì thế, nâng cao trình độ sử dụng TBDH hiện đại cho đội ngũ GV phổ thông là một yêu cầu rất cấp thiết.
Khảo sát gần đây của PGS TS Vũ Trọng Rỹ và cộng sự về việc sử dụng TBDH ở trường tiểu học và trường THCS, sẽ giúp bạn đọc hình dung cụ thể vấn đề quan trọng này. Qua khảo sát 329 GV của 24 trường tiểu học của 6 tỉnh, thành phố trực thuộc TW cho thấy loại hình băng, đĩa ít được sử dụng nhất (29,4% chưa bao giờ sử dụng; 54,3% thỉnh thoảng và 16,3% thường xuyên sử dụng vào dạy học). Đánh giá của 191 hiệu trưởng trường tiểu học cho thấy: 8,9% số hiệu trưởng cho rằng GV sử dụng TBDH chưa thành thạo; 80,1% cho rằng GV sử dụng tương đối thành thạo và 11,0% nhận định là GV sử dụng TBDH thành thạo.
Học sinh trong phòng thí nghiệm |
Qua thăm dò 336 GV THCS từ 24 trường ở 6 tỉnh, thành, nhóm khảo sát nói trên cho biết tần suất sử dụng TBDH phụ thuộc vào loại hình TBDH. Với tranh ảnh - bản đồ: 100% GV đều sử dụng (77,8% thường xuyên sử dụng; 22,2% thỉnh thoảng sử dụng). Với các dụng cụ thí nghiệm 72,7% thường xuyên sử dụng ; 11,5% chưa bao giờ sử dụng (chủ yếu là GV các bộ môn KH xã hội). Có tới 31,7% số GV chưa bao giờ sử dụng băng, đĩa hình, đĩa tiếng vào dạy học. GV các bộ môn: Vật lý; Hoá học; Sinh học; Âm nhạc và Công nghệ sử dụng TBDH nhiều nhất (chiếm trên 90% số GV các môn học còn lại bậc THCS).
Qua dự giờ, trắc nghiệm GV các môn: Hoá; Lý; Sinh và Địa lý bậc THCS, nhóm khảo sát cho thấy còn khoảng 1/3 GV chưa nắm bắt kỹ năng sử dụng TBDH. Ví dụ, phân tích các bài trắc nghiệm Hoá học, có tới 17,1% GV lúng túng khi thao tác thí nghiệm sắt với lưu huỳnh. Qua bài trắc nghiệm môn Vật lý cho thấy: 61,9% GV không nắm được thứ tự các thao tác thí nghiệm nghiên cứu mạch điện mắc nối tiếp và mạch điện mắc song song; 49,2% không biết cần sử dụng dụng cụ nào khi thí nghiệm xác định điện trở của một dây dẫn bằng Ampere kế và Volt kế...
Cô Nguyễn Thị Thu Hà - trường THPT Nguyễn Trãi - TX Thuận An - Bình Dương cho biết: Nhiều GV có tâm lý lo sợ thí nghiệm không thành công, sợ mất nhiều thời gian chuẩn bị thí nghiệm, do đó họ ngại sử dụng TBDH, hoặc chỉ sử dụng đối phó khi cần thao giảng, dự giờ, thi GV giỏi... Đôi khi, các TBDH càng đắt tiền, GV càng sợ HS làm hỏng, nên họ chỉ cho HS quan sát chứ không cho sử dụng.
Cô Hồng Gấm - trường THPT Phú Riềng - Bù Gia Mập - Bình Phước lo lắng: Hầu như các hoá chất dùng trong các thí nghiệm Hoá đã cũ, bảo quản chưa tốt nên dễ biến chất, dẫn đến thí nghiệm thất bại. Một số ống nghiệm chịu nhiệt kém, dễ vỡ trong các phản ứng toả nhiệt, gây nguy hiểm cho GV và HS. Thời gian dành cho thực hành quá ít, HS chỉ được thực hành như “cưỡi ngựa xem hoa”, nên kỹ năng thực hành yếu. Phòng thí nghiệm bộ môn của trường chưa có các thiết bị bảo hộ, nhiều thí nghiệm với các hoá chất độc hại như: khí H2S, khí Cl2 thì GV không thể để HS làm vì nguy hiểm. GV lo ngay ngáy giám sát trò nghịch ngợm, nên hiệu quả thí nghiệm không cao...
Giải pháp nào cho những rào cản?
Nói về những cản ngại lớn trong việc sử dụng TBDH, Thạc sĩ Phan Thanh Sử và Phạm Văn Luân, trường CĐ Bến Tre nhấn mạnh: Nội dung chương trình đào tạo của ta còn cứng nhắc, vừa thiếu tính ứng dụng, vừa quá tải, không đủ thời gian cần thiết để triển khai những thử nghiệm, cải tiến phương pháp dạy học là: giảm lý thuyết hàn lâm, tăng cường thực hành và thí nghiệm. Khảo sát ở 8 tỉnh, thành phố toàn tỉnh Bến Tre tại 30 trường tiểu học, đến cuối năm 2011 chưa có trường tiểu học nào dạy Tin học như là 1 môn học chính khóa. Trong khi đó, một số trường mầm non của tỉnh đã cho học trò làm quen với máy vi tính (!).
NGƯT - Thạc sĩ Nguyễn Thạc San, trường CĐ Công thương TP.HCM cảnh báo: Không ít nơi, cán bộ quản lý (CBQL) GD tưởng rằng khi đã trang bị một số phương tiện dạy học hiện đại là đã hiện đại hóa GD rồi. Thầy giáo đứng lớp tưởng rằng khi đã mang laptop và sử dụng phần mềm PowerPoint là đã đổi mới phương pháp dạy học rồi. Học trò tưởng rằng một khi đã biết vào internet tìm kiếm được thật nhiều thông tin là đã thành HS giỏi rồi... Hiện nay, khái niệm giáo án điện tử còn nhiều tranh luận. Nhưng trước hết phải là giáo án. Nếu coi những lát cắt, những phiến đoạn kiến thức được trình chiếu trên những slide kia là giáo án, thì không những làm mất giá trị đích thực của phần mềm PowerPoint, mà còn sẽ dẫn đến việc chuyển bi kịch Đọc - Chép sang bi hài kịch Chiếu - Chép của thầy và Nhìn - Chép của trò...
Một rào cản khác khiến việc sử dụng TBDH ở một số trường chỉ có tính chất đối phó là: đa số trường mầm non và phổ thông của ta hiện nay thiếu trầm trọng lực lượng nhân viên (còn gọi là CB phụ tá) trực tiếp phụ trách các phòng thí nghiệm, các xưởng thực hành và các phòng học bộ môn. Do đó, các trường phải cho GV dạy các bộ môn văn hoá kiêm nhiệm công tác này. Đã kiêm nhiệm thì kết quả công việc thường là “được chăng hay chớ”. Ước tính cả nước hiện có khoảng 42.000 trường học và các cơ sở GD, chỉ 1/4 số trường có đầy đủ nhân viên trực tiếp phụ trách thí nghiệm - thực hành và phòng học bộ môn, vẫn còn thiếu ít nhất 30.000 nhân viên. Ngân sách Nhà nước không thể nuôi nổi đội ngũ này, đành phải để các trường tự “bơi” nên một số “chưa bơi đã chìm” là vì vậy, vì đã “học bơi” bao giờ đâu?
Còn thách thức nữa khá đau đầu! Càng trang bị nhiều TBDH hiện đại và đắt tiền, thì các trường càng khốn khổ vì chạy không đủ kinh phí để trả tiền điện, tiền nước và tiền bảo vệ. Có trường phải tự kiếm tiền thuê nhân viên bảo vệ từ 4-5 người lên cả chục người tuỳ theo quy mô trường. Một trường THPT đạt chuẩn quốc gia cho biết: trường có 8 phòng học bộ môn - phòng thí nghiệm: Toán; Lý; Hoá; Sinh (mỗi môn 1 phòng); 2 phòng lab tiếng Anh và 2 phòng Tin học (dự kiến buộc phải mở thêm 2 phòng Tin mới tạm đủ yêu cầu dạy học). Mỗi tháng riêng chi phí điện + 8 nhân viên phụ trách + nhân viên bảo vệ cho 8 phòng này và cả trường đã ngốn trên 100 triệu đồng. Ngân sách chỉ chi trả được 20%, còn lại trường phải “tự bơi”. Là trường công lập, trường không được phép tự ý thu phí, mà nhờ hội cha mẹ HS cũng khó.
Hiện đại thì “hại điện”. Đầu tư TBDH đắt tiền, chưa quan trọng bằng việc đầu tư cho người sử dụng TBDH. Quên mất điều này, sẽ khiến không ít phòng thí nghiệm bị mạng nhện giăng đầy và TBDH đắt tiền “trùm mền” là vì vậy. Chưa hết, theo thống kê gần đây của Bộ GD&ĐT, hơn 1/2 số trường học cả nước (mầm non và phổ thông), mỗi trường chỉ có 1 hoặc 2 phòng chứa tất cả các đồ dùng - TBDH, mà GV gọi đùa là “lẩu thập cẩm”. Một số trường nhồi nhét cả thư viện vào “lẩu thập cẩm” này. Do đó, hầu hết CBQLGD, GV và cả HS rất ngán ngại chui vào kho chứa đồ bát nháo trên.
Hướng mở cho việc nâng cao hiệu quả sử dụng TBDH, theo PGS TS Vũ Trọng Rỹ: Cần xây dựng giáo trình về sáng tạo và sử dụng TBDH và đưa vào giảng dạy ở tất cả các khoa của trường sư phạm. Mở trường hoặc khoa trong trường sư phạm để đào tạo đội ngũ phụ tá thí nghiệm. Đổi mới việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS theo hướng coi trọng kỹ năng thực hành - giải quyết vấn đề, nhằm tạo động lực để GV, HS tích cực sử dụng TBDH.
Đinh Lê Yên