Trang bị kiến thức lý luận tăng hiệu quả bồi dưỡng HSG Văn

GD&TĐ - Để hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi có hiệu quả, đối với bộ môn Văn, giáo viên Lưu Linh Nhiệm (Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha) cho rằng: Ngoài việc trang bị kiến thức tác phẩm, rèn luyện kỹ năng làm bài thì kiến thức lý luận văn học là mảng kiến thức rất quan trọng.

Trang bị kiến thức lý luận tăng hiệu quả bồi dưỡng HSG Văn

Giúp khắc phục nhược điểm bài văn thiếu chiều sâu

Theo thầy Lưu Linh Nhiệm, trong quá trình học Văn, nhất là khi làm bài, trong nhận thức của học sinh còn hiện tượng hay hiểu sai hoặc nhầm lẫn các khái niệm, thuật ngữ chuyên môn. 

Quan trọng hơn, từ điều đó dẫn đến học sinh chưa giải quyết được một cách chính xác, đầy đủ các nội dung theo yêu cầu đề bài, hoặc viết còn rất sơ sài, mơ hồ, chung chung…

Việc trang bị thêm kiến thức lý luận văn học giúp học sinh khắc phục được những nhược điểm đó

Đối với đối tượng là học sinh giỏi, được trang bị kiến thức lý luận văn học giúp học sinh có những bình luận, đáng giá, nhận xét chuẩn xác hơn về một hiện tượng văn học nào đó, bài viết của các em trở nên sâu sắc hơn về ý tưởng, chặt chẽ hơn về lập luận, thuyết phục hơn khi đưa ra luận cứ.

Bên cạnh đó, điều kiện chương trình sách giáo khoa hiện nay trang bị ít kiến thức lý luận văn học: Trong chương trình môn Ngữ văn hiện hành ở bậc THPT, tuy có một số bài lý luận văn học, nhưng như thế là chưa đủ đối với học sinh giỏi. Thực tế trong các kỳ thi học sinh giỏi đã cho thấy rõ điều đó.

Qua thực tế các kỳ thi học sinh giỏi, nhất là kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, thầy Lưu Linh Nhiệm nhận thấy đề thi có liên quan đến kiến thức lý luận văn học chiếm một tỉ lệ khá lớn, dù với những dạng khác nhau.

Có những đề thi yêu cầu trực tiếp kiến thức lý luận để giải quyết vấn đề, giải quyết một hiện tượng văn học. Có những đề thi yêu cầu vận dụng một tỉ lệ kiến thức lý luận nhất định.

Có những đề thi tuy không trực tiếp yêu cầu sử dụng kiến thức lý luận, chỉ thuần túy là phân tích tác phẩm văn học, nhưng ngay cả dạng đề này, trong quá trình giải quyết vấn đề vẫn cần kiến thức này để cho bài văn thêm vững vàng về luận điểm, chặt chẽ trong lập luận, từ đó sẽ có sức thuyết phục hơn.

Nắm vững lý thuyết lý luận qua tác phẩm 

Vì kiến thức phân môn Lý luận văn học thường là tồn tại dưới dạng nguyên lý nên thường khô khan, khái quát, trừu tượng, khó hiểu, khó có thể gây hứng thú cho học sinh trong quá trình tiếp nhận.

Nhận thức rõ điều này, trong quá trình nghiên cứu, tìm tòi, trong khả năng của mình có thể, thầy Lưu Linh Nhiệm cho biết, mình cố gắng diễn giải lại một cách đơn giản hơn, dễ hiểu hơn.

Mặt khác, in thành tài liệu cho học sinh đọc và tìm hiểu trước theo định hướng trước với mục đích để học sinh bước đầu có những hiểu biết nhất định những nội dung chính của từng chuyên đề.

Tiếp theo, trong quá trình tự nghiên cứu, học sinh sẽ ghi nhận lại những từ ngữ, khái niệm, thuật ngữ khó hiểu, những nguyên lý còn cảm thấy mơ hồ để sau đó sẽ trao đổi trong nhóm học tập với nhau hoặc trao đổi lại với giáo viên nếu thấy cần thiết.

Nếu là học sinh giỏi, sẽ trao đổi trong giờ bồi dưỡng; nếu là học sinh bình thường thì sẽ trao đổi ngoài giờ học hoặc qua các kênh giao tiếp khác nhau. Giáo viên sẽ trực tiếp giải đáp giúp học sinh hiểu rõ, nắm vững hơn vấn đề.

Khi không còn thắc mắc, học sinh sẽ được giáo viên yêu cầu trình bày lại kiến thức mình đã nắm bắt được thông qua những hình thức như thuyết trình trước lớp học, viết bài kiểm tra trên giấy… Khi đó, học sinh sẽ tái hiện kiến thức theo cách hiểu của mình, giáo viên sẽ bổ sung nếu chưa đầy đủ, sẽ sửa chữa nếu hiểu chưa đúng…

Trên cơ sở nắm khá vững lý thuyết, giáo viên sẽ cho đề bài viết tại lớp hoặc về nhà, học sinh sẽ vận dụng những kiến thức mình có để giải quyết vấn đề cụ thể, giáo viên chấm bài, sửa chữa hoàn chỉnh từng bài trả lại cho học sinh tự kiểm tra lại mình.

“Một trong những điều rất cần thiết là từ những kiến thức có tính nguyên lý, yêu cầu học sinh tìm chứng minh qua những tác phẩm cụ thể đã học, hoặc vận dụng để phân tích những hiện tượng văn học cụ thể nào đó, để từ đó giúp các em càng nắm vững kiến thức hơn” – thầy Nhiệm cho biết

Ví dụ qua một số chuyên đề lý luận văn học cụ thể

Thầy Lưu Linh Nhiệm chia sẻ bốn chuyên đề cụ thể mà mình đã thực hiện, mỗi chuyên đề có một ý nghĩa nhất định trong việc nâng cao năng lực đọc – hiểu văn bản và góp phần nâng cao chất lượng học sinh giỏi bộ môn.

Chuyên đề 1: “Đề tài, chủ đề, tư tưởng trong tác phẩm văn học” cung cấp những kiến thức cơ bản liên quan, giúp học sinh nắm vững và phân biệt những khái niệm, đặc biệt là nội hàm của nó, để từ đó, có khả năng làm chủ việc tiếp cận và tiếp nhận tác phẩm văn học.

Muốn quá trình đọc – hiểu văn bản có hiệu quả, không thể không có những hiểu biết nhất định về những kiến thức mà chuyên đề này đem lại.

“Thực tế trong quá trình giảng dạy, nhận thấy rất nhiều học sinh, thậm chí kể cả học sinh giỏi bộ môn, còn mơ hồ hoặc ngộ nhận các khái niệm đề cập trong chuyên đề này và ý nghĩa nội hàm của chúng. 

Với chủ trương đổi mới trong cách ra đề hiện nay với bộ môn Ngữ văn, kiến thức bổ trợ này rất cần thiết trong việc đọc - hiểu văn bản của học sinh” – Thầy Nhiệm cho biết.

Chuyên đề 2: “Nhân vật trong tác phẩm văn học” giúp học sinh hiểu rõ kiểu và loại hình nhân vật, xác định được đâu là nhân vật chính, nhân vật trung tâm của tác phẩm, để khi học tác phẩm, có thể nhận biết rõ phần nội dung trọng tâm để có sự tập trung thích đáng, và khi phân tích nhân vật tránh được sự hời hợt, qua loa, sơ sài.

Chuyên đề 3: “Ngôn từ nghệ thuật trong tác phẩm văn học” trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về giá trị của ngôn từ trong một tác phẩm văn học, hiểu được rằng tác phẩm văn học là nghệ thuật ngôn từ, để chú ý đến thao tác phân tích, lý giải cái hay, cái độc đáo của ngôn từ, tìm hiểu được các tầng nghĩa sâu sắc mà ngôn từ chuyển tải.

Được như thế, khi phân tích một tác phẩm văn học, học sinh tránh được kiểu phân tích chỉ hướng vào nội dung mà không chú trọng đến nghệ thuật sử dụng từ ngữ của tác giả trong tác phẩm, nhất là tác phẩm thơ trữ tình.

Chuyên đề 4: “Thể loại văn học – tác phẩm tự sự và tác phẩm trữ tình” trang bị cho học sinh những hiểu biết về đặc trưng của từng thể loại khác nhau, để khi tìm hiểu một tác phẩm, biết được đặc trưng thể loại của nó mà có cách xử lý thích hợp.

Nhất là với tác phẩm trữ tình, khi tìm hiểu, phân tích, học sinh thường chỉ quan tâm bài thơ đó nói gì, chứ ít khi quan tâm cách nói như thế nào, ít khi thấy được hiện tượng độc đáo thường thấy trong thơ là “nhãn tự”, “thi nhãn”. Biết được điều đó, học sinh sẽ có ý thức hơn khi tìm hiểu, phân tích tác phẩm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Di Maria có cơ hội tái hợp Messi ở Inter Miami.

Di Maria tái hợp Messi ở Inter Miami?

GD&TĐ - Nguồn tin từ nhà báo Leonardo Paradizo tiết lộ, người đồng đội tại tuyển Argentina của Messi là Di Maria có thể gia nhập Inter Miami vào mùa hè tới.