Là sinh viên khóa đầu của Đại học Bách khoa Hà Nội chuyên ngành thạch học, GS.TSKH Phan Trường Thị trở thành một trong những nhà khoa học tiên phong của ngành này sau hơn nửa thế kỷ nghiên cứu.
Xây dựng bản đồ địa chất Việt Nam
GS.TSKH Phan Trường Thị sinh năm 1935 ở Bình Định. Ông nguyên là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, là một trong những chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam về thạch học, tác giả của hai công trình: “Thạch học các đá Magma” và “Thạch học các đá biến chất”.
GS.TSKH Phan Trường Thị sinh ra và lớn lên ở một làng nghèo thuộc huyện Phù Cát. Tập kết ra Bắc từ năm 1954, năm 1956, ông may mắn là một trong những sinh viên Địa chất khóa I Đại học Bách khoa Hà Nội được lựa chọn để đào tạo theo ngành thạch học (Khoa học về đá).
Đầu những năm 1960, ông bước chân vào con đường nghiên cứu khoa học và rồi trở thành một trong những chuyên gia hiếm hoi về đá của ngành địa chất Việt Nam.
“Chúng tôi là lớp sinh viên đầu tiên của Đại học Bách khoa Hà Nội. Những ngày đầu học tập, chúng tôi gặp nhiều khó khăn do thiếu thốn phương tiện. Phần lớn sinh viên đều chưa hình dung được học địa chất thì phải học những môn gì. Tài liệu cũng chưa có nhiều, chỉ có một số tài liệu tiếng Pháp và sau đó là tiếng Nga do các chuyên gia Liên Xô đưa sang như cuốn “Thạch học” của Viện sĩ Zarasitski hay “Thạch học các đá biến chất” của Harker… ”, GS.TSKH Phan Trường Thị kể.
Để bước chân vào chuyên môn thạch học, ông phải tự trang bị cho mình nhiều kiến thức và kỹ năng cần thiết. Bên cạnh việc đọc tài liệu bằng tiếng Pháp và tiếng Nga, ông còn theo thầy Nguyễn Văn Chiển và chuyên gia về thạch học của Liên Xô là GS Emile Petrovic Idốp đi nghiên cứu thực địa để học tập. Bên cạnh đó, ông còn tự đi học về kỹ năng sử dụng kính hiển vi phân cực.
Nghiên cứu về địa chất, cuộc đời của GS.TSKH Phan Trường Thị gắn liền với những chuyến đi dài. Mỗi chuyến đi thực địa gắn với những kỉ niệm khó quên. Thời điểm năm 1963, ông đưa một đoàn sinh viên lên Lào Cai nghiên cứu thực địa ở vùng mỏ Sinh Quyền.
Một buổi sáng, ông ra bờ suối Lũng Lô và thấy bên kia suối có ánh sáng lạ phát ra từ một khối đá có ánh mặt trời chiếu vào. Ngay lập tức ông cầm búa bơi qua suối, đập đá ra xem thử thì phát hiện ra đó là loại đá chứa quặng đồng. Mấy thầy trò vui sướng quá, nhảy lên và reo hò. Đó là niềm hạnh phúc khi phát hiện ra được một loại đá mới và ông đặt tên loại đá đó là Metasomatit.
Những năm từ 1964 - 1970, ông tham gia đoàn địa chất đi vẽ bản đồ địa chất miền Tây Nghệ An, là trưởng nhóm nghiên cứu về thạch học. Thời kì ấy hổ nhiều, buổi tối đoàn địa chất phải đốt lửa và treo những miếng vải trắng quanh lều để hổ sợ không dám đến gần.
Sáng ra, thấy quanh lều đầy dấu chân hổ, mới biết đêm qua hổ kéo về... “hỏi thăm” những nhà địa chất. Một lần, cả đoàn đang đi tìm lấy mẫu thì nghe một tiếng gầm rất lớn ngay trước mặt, thì ra một đàn voi đang đi ngay gần đó. Cả đoàn bỏ cả dụng cụ, thiết bị để chạy.
Đó là kỉ niệm không thể nào quên trong cuộc đời đi thực địa của ông. Những chuyến đi đó đã giúp đoàn thực địa hoàn thành việc vẽ bản đồ địa chất tỷ lệ 1:200.000 để phục vụ cho nghiên cứu và khai thác tài nguyên ở miền Tây Nghệ An. Cũng tại đây, lần đầu tiên nhà thực địa Phan Trường Thị phát hiện ra cấu trúc bóc vỏ của địa chất Việt Nam.
Cả cuộc đời cống hiến cho ngành địa chất, GS.TSKH Phan Trường Thị có đóng góp quan trọng trong sự phát triển ngành thủy điện nước nhà. Ông đã tham gia khảo sát và hoàn thành bản đồ địa chất làm cơ sở để xây dựng các công trình thủy điện Hòa Bình, Trị An và Sơn La.
Ông đã được Nhà nước đánh giá cao với Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ - giải thưởng cao quý dành cho tập thể tác giả xây dựng bản đồ địa chất Việt Nam mà trong đó ông là cố vấn và cộng tác viên khoa học.
GS Phan Trường Thị. |
Tài sản là những cuốn nhật ký địa chất
“Ngày 17/2/1963. Nhiều mây, không mưa. Bắt đầu mùa đi thực tế, lại bằng một chuyến trở lại Đồng Mỏ! Có gì hấp dẫn ở đây? Mới qua dốc Ỷ và đêm nay ngủ tại làng Hang. Bây giờ bắt đầu một đêm Chủ nhật. Nếu…”. Đó là những dòng nhật ký của Phan Trường Thị viết năm 1963, mở đầu cho những chuyến đi thực tế trong cuộc đời nghiên cứu địa chất.
Bước vào địa chất là bước vào cuộc hành trình gian lao vất vả nhưng luôn tràn ngập niềm vui và sự mới lạ. Hơn nửa thế kỷ nghiên cứu địa chất là sự kết nối của những năm tháng trèo đèo lội suối, ăn ngủ giữa núi rừng.
Những chuyến đi thực địa đầy gian khổ và thiếu thốn, chân trần lội suối giữa mùa Đông buốt giá. Những đêm nằm đốt lửa canh thú dữ cho học trò ngủ, rồi những lúc gặp cả đoàn voi ngay trên đường thực địa khiến cả đoàn phải bỏ chạy…
“Những gian khổ trên đường thực địa hẳn chỉ có nhà địa chất mới hiểu. Nhưng mà sung sướng thì cũng chẳng có gì so sánh được nhấm nháp một vài chén rượu với thịt thú rừng, mừng rỡ nhảy chồm lên vì phát hiện ra một loại đá mới hay cả đoàn hò reo sung sướng khi phát hiện ra những mỏ vàng cho đất nước”, đây là cuốn nhật ký của GS.TSKH Phan Trường Thị khi đang công tác tại bộ môn Địa chất, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cùng đội 4 thực hiện hành trình sơ khảo về biến chất thuộc tờ bản đồ E - 48 - 19, tại vùng Quỳ Châu, Nghệ An từ ngày 13/5/1964 - 2/6/1964.
GS.TSKH Phan Trường Thị cho biết, nước ta có khí hậu nhiệt đới, phong hóa mạnh, bởi vậy muốn thấy được những vết lộ đất đá rõ ràng nhất, nhà địa chất thường men theo các con sông, con suối.
Trên chặng đường đi thực địa, họ dừng lại ở những điểm lộ để quan sát, ghi chép chi tiết, chính xác về địa danh, tọa độ địa lí, đặc điểm của đất, đá vào sổ nhật ký; đồng thời chụp ảnh các vết lộ, lấy mẫu đá và quặng, gói mẫu đúng quy cách để mang về nghiên cứu.
Tài sản quý giá nhất trong hành trình thực địa là những cuốn sổ nhật ký ghi lại từng bước chân, là chiếc ba lô nặng trĩu những mẫu đất đá... Nhật ký địa chất hoàn toàn không phải là những trang ghi chép sự kiện, cảm xúc thông thường, mà là tài liệu khoa học ghi chép một cách quy phạm những thông tin địa chất ở tất cả các điểm lộ trên hành trình thực địa.
Nguyên tắc thực địa không cho phép nhà địa chất bỏ qua bất kì một chi tiết địa chất nào trên cuộc hành trình và tất cả đều phải thể hiện trong nhật ký. Điều đặc biệt, nhà địa chất chỉ được viết nhật ký bằng bút chì phòng khi cuốn sổ rơi xuống nước thì cũng không bị nhòe mực.
“Trang đầu tiên của cuốn sổ nào cũng luôn là địa chỉ của tác giả, để nếu không may bị rơi mà có người nhặt được thì họ có thể gửi trả lại giúp mình, phòng khả năng bị thất lạc”, GS Thị chia sẻ.
Từ vô số những điểm lộ trong các cuộc hành trình và thông tin trong nhật ký, các nhà địa chất sẽ kết nối, khái quát để hình thành nên bản đồ địa chất - được ví như biên niên sử của một vùng lãnh thổ, một quốc gia. Dựa vào bản đồ địa chất, sẽ nhận biết, dự đoán được vị trí mỏ khoáng sản, là căn cứ để quy hoạch trong xây dựng, dự báo và ứng phó với sự biến đổi môi trường...
Qua 23 cuốn nhật ký địa chất - một bằng chứng cho quá trình trèo đèo lội suối mà ông còn giữ lại được đã ghi chép lại hàng trăm cuộc đi nghiên cứu thực địa. Tiêu biểu có thể kể đến những chuyến đi nghiên cứu như: Lào Cai (1963), Nghệ An (1964, 1965 - 1970), Yên Bái (1968), Hòa Bình (1972), các tỉnh miền Trung (1987), Kon Tum (2001)…
Với GS.TSKH Phan Trường Thị và những nhà địa chất cùng thế hệ, một năm chỉ có hai mùa: Mùa đi thực địa và mùa làm việc tại văn phòng. Bước vào mùa khô, khi những cơn mưa hầu như không xuất hiện nhường chỗ cho cái rét cắt da, là thời gian lí tưởng để các nhà địa chất lên đường. Mỗi chuyến đi kéo dài vài tuần, thậm chí vài ba tháng.
Cuốn nhật ký địa chất GS Phan Trường Thị còn lưu giữ |
Miệt mài viết sách ở tuổi gần 90
Dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, GS.TSKH Phan Trường Thị vẫn miệt mài nghiên cứu, viết sách, giảng dạy. Cứ mỗi lần ra cuốn sách mới, ông lại gọi điện cho tôi “khoe”, hỏi địa chỉ gửi tặng sách đến tận nhà. Tấm lòng nhà khoa học của ông lúc nào cũng rộng mở, hào sảng, chỉ mong được góp chút sức gì đó cho cuộc đời.
Năm 2021, ông ra mắt cuốn sách “Cẩm nang đá quý” là một trong những tài liệu quan trọng về đá quý và phong thủy. Ông chọn cách viết sách để giới thiệu cho độc giả những kiến thức cơ bản về các loại đá quý phổ biến và cách sử dụng chúng trong phong thủy để mang lại may mắn, tài lộc và sức khỏe cho gia chủ.
Ngoài ra, sách cũng đưa ra các lời khuyên về cách chọn và bảo quản đá quý, cách phối hợp màu sắc của đá quý để tạo nên sự cân bằng và hài hòa trong không gian sống. Tác giả cũng giải đáp những thắc mắc phổ biến của độc giả liên quan đến đá quý và phong thủy.
Cuốn sách rất thích hợp cho những người quan tâm đến đá quý và phong thủy, cũng như những người muốn tìm hiểu thêm về tài liệu này để có thể sử dụng đá quý một cách hiệu quả và mang lại nhiều may mắn cho cuộc sống của mình.
GS Phan Trường Thị trong một lần đi nghiên cứu thực địa. |
GS.TSKH Phan Trường Thị còn đào tạo nên nhiều lớp cán bộ giảng dạy, nghiên cứu trên lĩnh vực địa chất, cùng với các giáo trình bài giảng đầy ắp kiến thức, tâm huyết của người thầy. Giờ đây, đã qua tuổi nghỉ hưu, nhưng ông vẫn chưa một ngày ngơi nghỉ. Với vai trò là Viện trưởng Viện Đá quý - Vàng và Trang sức Việt, ông vẫn hàng ngày làm việc, giảng dạy cho các thế hệ học trò...
Điều ông trăn trở suốt cả cuộc đời làm khoa học là tài nguyên đá quý ở Việt Nam đã không được khai thác và sử dụng đúng cách. Trữ lượng đá quý như ruby, saphia, mã não, thạch anh… rất lớn, phân bố nhiều nơi.
Với trữ lượng lớn, chất lượng tốt như thế, đáng lẽ Việt Nam có thể phát triển thành một ngành công nghiệp đá quý không thua kém gì Myanmar. Thế nhưng, khâu quản lý tài nguyên còn quá yếu kém, không có chiến lược, không bài bản.
Đáng lẽ phải khai thác một cách khoa học thì tài nguyên đá quý lại bị khai thác theo kiểu “hái lượm”, mạnh ai người ấy đào, mạnh ai người ấy tìm. Bởi thế, tài nguyên đá quý không đóng góp được gì cho sự phát triển chung của xã hội mà chỉ phục vụ cho mục đích làm giàu của một số người.
Dù đã gặt hái rất nhiều thành tựu trong nghiên cứu, song đến khi nghỉ hưu, GS.TSKH Phan Trường Thị không giấu được nỗi buồn: “Tôi có nhiều học trò và có những người đã thành đạt. Nhưng tôi lại không có được những người học trò đi theo chuyên môn sâu của mình.
Những ý tưởng tôi đưa ra, từ Thạch học mô tả đến Thạch luận, học trò đều thích thú nghe nhưng họ không muốn đi sâu nghiên cứu vì nhiều lý do khác nhau. Ngày nay, không có nhiều người đi theo hướng nghiên cứu chuyên sâu về Thạch học để trở thành chuyên gia.
Lý do đơn giản là Thạch học chưa có vị trí trong thực tiễn cuộc sống hiện tại ở đất nước ta. Lớp trẻ đang chạy theo những ngành nghiên cứu ứng dụng để làm kinh tế. Các ngành nghiên cứu cơ bản như Thạch học trong địa chất cũng ít dần người theo học”.