Ít ai biết chặng đường làm khoa học của ông trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách.
“Mang gen nghệ thuật”
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương năm nay đã U80 tuổi. Ông sống trong căn nhà nhỏ trên phố Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội). Tôi đến thăm ông vào một chiều Hè mát rượi. Đón tôi, bà nhà ông hồ hởi mời nước, hoa quả.
Bà giục ông nhanh chân nhanh tay lên kẻo khách chờ lâu. “Ở tuổi này rồi, làm gì cũng chậm chạp, nhớ nhớ quên quên. Nhà có hai ông bà, nhưng khách là học trò, các nhà khoa học, giới nghiên cứu… đến chơi liên tục nên không thấy buồn, nhiều lúc còn đông vui ồn ào. Trí nhớ của ông giờ không còn như xưa, nhưng cứ nhắc đến chuyên môn là lại hào hứng lắm, nói cả buổi không chán”, bà chia sẻ.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, sinh năm 1945, quê ở xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Cha ông là nhà phê bình Văn học Hoài Thanh. Ông sinh ra trong một gia đình có bốn anh em trai. Cả ba anh trai của ông đều đi theo con đường văn học nghệ thuật.
Ông đã trực tiếp xử lý nhiều trục trặc kỹ thuật máy bay, đồng thời tham gia tích cực vào các cuộc thảo luận tìm cách đánh cho MIG-21, góp phần vào các thắng lợi của Không quân ta.
Năm 1968, ông được cử đi học kỹ sư ở Học viện Kỹ thuật không quân Giucốpxky (Liên Xô) và tốt nghiệp với Huy chương Vàng năm 1973. Sau một thời gian công tác, ông được cử đi làm nghiên cứu sinh cũng tại học viện nói trên và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ (khi đó gọi là Phó Tiến sĩ).
Đến năm 1978, ông lại được về trường cũ làm tiếp luận án: Nghiên cứu các biện pháp khí động học để cải thiện tính năng của máy bay chiến đấu ở tốc độ dưới âm.
Ở đây ông đã gặp phát kiến từ thực nghiệm trước đấy 2 năm của nhà khí động học Mỹ Witcomb về hiệu ứng giảm lực cản của cánh máy bay. Ông đã chứng minh bằng mô hình số trên máy tính quy luật dòng chảy bao khi có tấm cánh nhỏ ở đầu mút cánh máy bay, gọi là cánh Witcomb.
Nhờ thành công này, năm 1981, Ủy ban quốc gia của Liên Xô về sáng chế đã cấp bằng số 972771 cho sáng chế “Cánh máy bay có giảm lực cản” của tác giả Nguyễn Đức Cương.
Bất ngờ nữa, các chương trình phần mềm máy tính của ông và thầy hướng dẫn tính toán được các phòng thiết kế máy bay hàng đầu, mang tên các tổng công trình sư Xô Viết lừng danh như: Tupolev, Antonov, Mikoian... cử người đến tiếp thu và đưa vào sử dụng.
Về nước, làm việc ở Viện Kỹ thuật Không quân, ông cùng các đồng nghiệp Nguyễn Văn Thọ, Trần Thế Việt... hoàn thành tốt đề tài cải tiến tên lửa cũ làm mục tiêu bay cho phi công bắn tập bằng tên lửa hồng ngoại. Nhóm đã chế được hàng trăm “bia bay” phục vụ cho huấn luyện chiến đấu.
Sau một thời gian làm việc ở Viện Kỹ thuật Không quân, cuối năm 1985, ông lại được tiếp tục cử sang Học viện Kỹ thuật không quân Giucốpxky để làm thực tập sinh khoa học (nghiên cứu sinh bậc 2).
Người thầy của ông là Nisht M.I rất vui mừng nhưng cũng không khỏi lo lắng khi nghe ông trình bày ý định sẽ bảo vệ bằng tiến sĩ khoa học trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật vào 4 năm tới.
Ông vừa mỉm cười vừa nói: Có lẽ người Nga không kém thông minh so với người Việt nhưng ít thấy ai ở Nga lại bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học trong lĩnh vực này khi mới ở tuổi 40 - 45 như anh. Có lẽ, sự lo lắng ấy của thầy Nisht M.I đã là động lực, đốc thúc ông phải hoàn thành mục tiêu đề ra, chứng minh cho thầy của mình biết rằng người Việt Nam có thể làm được.
Sau 4 năm xa nhà, với những ngày làm việc tới 14 - 15 giờ đồng hồ, ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học với đề tài: Cánh có hình dạng tự thích nghi trong khi bay ở tốc độ dưới âm.
Ông đã đưa ra được các giả thiết hợp lý và phương pháp tính phù hợp để giải bài toán tối ưu hóa hình dạng cánh ở từng chế độ bay bằng phương pháp số trên máy tính. Kết quả tính toán đã được kiểm chứng trong phòng thổi khí động học của học viện.
Tiết kiệm hàng triệu USD
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương. |
Những đóng góp quý giá của GS.TSKH Nguyễn Đức Cương luôn có một vị trí quan trọng trong ngành Hàng không - Vũ trụ nước nhà. Năm 1982, ông được giao nhiệm vụ làm Trưởng ban Nghiên cứu Khai thác - Viện Kỹ thuật Không quân, Quân chủng Không quân.
Trong thời gian này, ông có một đề tài nổi bật về “Cải biên tên lửa K5 thành mục tiêu bay để phi công bắn tập bằng tên lửa hồng ngoại”. Sau nhiều lần tính toán, bắn thử, ông đã giải quyết nhiều vấn đề khoa học công nghệ phức tạp như: Bảo đảm quỹ đạo bay của mục tiêu gần giống máy bay bay bằng trong điều kiện vận tốc bay của mục tiêu thay đổi hơn 2 lần; kéo dài thời gian bay có điều khiển, cải biên hình dáng khối thuốc phóng…
Đó đều là những việc lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam trong lĩnh vực kỹ thuật tên lửa. Mục tiêu bay này đã được sản xuất hàng loạt và đưa vào ứng dụng thường xuyên trong hàng chục năm.
Trong thời gian từ 1983 - 1985, GS.TSKH Nguyễn Đức Cương cũng đóng góp tên mình cho đề tài “Cải biên tên lửa hết hạn sử dụng thành mục tiêu bay M-7 có vận tốc lớn để huấn luyện bộ đội tên lửa phòng không”, nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu huấn luyện sát thực tế chiến đấu, trên cơ sở cải biến những tên lửa của Liên Xô cũ đã hết hạn sử dụng.
Kết quả đạt được các đề tài trên đã góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng huấn luyện sử dụng tên lửa và trình độ sẵn sàng chiến đấu của bộ đội Phòng không - Không quân.
Ông luôn là người đi đầu trong việc tìm tòi, nghiên cứu ra những vấn đề mới như ứng dụng thành tựu công nghệ thông tin vào huấn luyện chiến đấu nhằm giảm bớt số giờ bay trên máy bay thật mà vẫn đảm bảo chất lượng huấn luyện.
Ngay từ đầu thập niên 1990, ông chủ trì về kỹ thuật dự án “Thiết kế và chế tạo thiết bị mô phỏng để tập lái máy bay huấn luyện phi công chiến đấu”, ứng dụng thành công các thành tựu công nghệ thông tin mới nhất thời bấy giờ.
Trong vòng 7 năm, ông đã chủ trì chế tạo thành công 7 buồng tập lái trang bị cho 7 trung đoàn, tiết kiệm cho Nhà nước hàng chục triệu USD, nâng cao trình độ phi công và đảm bảo an toàn bay.
Với công trình này, ông nhận được Huy chương Vàng triển lãm toàn quốc về sản phẩm điện tử - tin học năm 2000. Cũng trong năm đó, ông nhận được giải thưởng “Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2000”.
Năm 1999, ông đảm nhiệm vị trí trưởng đoàn cán bộ đi học lớp thiết kế tên lửa. Tiếp nhận được nhiều kinh nghiệm của Nga trong việc phối hợp nhiều ngành khác nhau trong kỹ thuật tên lửa và bằng nỗ lực của mình, ông tiếp tục được tin tưởng giao trọng trách Phó Viện trưởng Viện Tên lửa, Trung tâm Khoa học Kỹ thuật - Công nghệ Quân sự (nay là Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự). Ông là một trong những người sáng lập ra Hội Cơ điện tử Việt Nam và được bầu làm Phó Chủ tịch Hội.
Những năm gần đây, ông vẫn tích cực tham gia và chủ trì một số đề tài về UAV, tên lửa và khí cầu bay du lịch. Bên cạnh việc làm khoa học, ông cũng là người thầy của nhiều thế hệ học trò. Ông đã hướng dẫn 15 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về lĩnh vực kỹ thuật máy bay và điều khiển thiết bị bay.
Nhiều học trò của ông đang giữ vai trò chủ chốt trong quân đội. Ngoài ra, ông cũng chủ trì một số dự án phục vụ kinh tế - xã hội như “Thử nghiệm gieo hạt trồng rừng bằng máy bay” (1996 - 1998). Trong đó, lần đầu tiên ở Việt Nam đã ứng dụng thành công công nghệ gieo hạt tự động bằng máy bay có hệ thống định vị qua vệ tinh GPS.
Trăn trở với máy bay không người lái
Ở tuổi U80, GS Nguyễn Đức Cương cảm thấy vẫn còn minh mẫn, thể trạng tốt do trong đời sống hàng ngày giữ được nếp sống, sinh hoạt điều độ. Giữa năm 2011, Đại tá, GS Nguyễn Đức Cương chính thức nhận sổ hưu, cũng là khi ông có tròn 50 năm trong quân ngũ.
Đại hội Hội Hàng không - Vũ trụ Việt Nam (viết tắt VASA), hơn 200 hội viên, đã nhất trí bầu ông làm Chủ tịch Hội. Công việc của hội nghề nghiệp cũng thật thích hợp, vì ông từng nghiên cứu sâu ở cả 3 ngành hàng không - tên lửa - vệ tinh. Ông còn là thành viên trong Ủy ban Vũ trụ Việt Nam.
Đề tài R&D cấp Nhà nước “Về nghiên cứu chế tạo mẫu tổ hợp máy bay không người lái dân dụng cỡ nhỏ để giám sát từ xa phục vụ các nhu cầu kinh tế - xã hội” do ông cùng các chuyên gia của VASA (Nguyễn Đăng Minh, Phạm Cao Hanh...) thực hiện đã thiết kế, chế tạo một mẫu UAV kiểu mới mang ký hiệu VASA-70VM.
Sau mấy năm làm việc khẩn trương, ngày 18/4/2015 tại sân bay Miếu Môn (Hà Nội), đã có cuộc bay trình diễn thành công. VASA-70VM nặng 30kg, động cơ xăng hai thì; truyền số liệu ở cự ly 80km, có trang bị camera quan sát ban ngày và ban đêm, bán kính truyền hình 40km; trần bay có thể lên tới 2.500m và thời gian bay tối đa 5 giờ.
Điều đặc biệt, nó có thể cất cánh bằng dàn phóng khí nén, hạ cánh bằng dù không cần sân bay, đây là tính năng vượt trội so với các loại UAV khác phải cất, hạ cánh trên sân bay. Một ưu điểm nữa, tính sơ bộ giá máy bay của VASA chỉ bằng 1/3 nhập ngoại.
Đề tài đã được hội đồng khoa học cấp Nhà nước nghiệm thu, đạt loại khá. Ông vẫn nuôi hy vọng, một ngày không xa các sản phẩm trí tuệ của VASA, trong đó có VASA-70VM sẽ có đóng góp tích cực, hiệu quả cho nền kinh tế đất nước.
Ông đang ấp ủ “khởi nghiệp ở tuổi 80” với thiết bị bay không người lái. Hiện sản phẩm thử nghiệm và mô hình đã được hoàn thiện, song ông chưa tìm được nhà đầu tư để tiếp tục triển khai.
Ông tính toán, sẽ chế tạo ra một khí cầu bay giá khoảng 5 - 6 tỷ đồng (nếu chế tạo > 5 chiếc), bay với độ cao 300m (tương đương nhà 100 tầng), tốc độ bay khoảng 40 km/h, tải có ích 800kg (bao gồm 1 phi công, 6 khách, 7 ghế cùng các tư trang, thiết bị an toàn...), thời gian bay tối đa 60 phút, cất hạ cánh thẳng đứng ngay trên bãi biển hoặc bờ sông, bờ hồ.
Tổng trọng lượng cất cánh khoảng 2.000 kg (thân chứa Heli ~2.000 m3). Phi công chỉ cần tuyển ở các câu lạc bộ bay máy bay mô hình và huấn luyện vài ngày. Giá vé bay ngắm cảnh trên không 15 phút dự kiến sẽ vào khoảng 500.000 đồng/người.
Nếu một công ty du lịch mua để chở khách thì chỉ vài năm có thể thu hồi vốn. Công ty kinh doanh việc chế tạo khí cầu bay này cũng có lãi lớn vì có sản phẩm hiệu quả mà lại không phải nhập công nghệ nước ngoài. Các điểm du lịch cũng có thể thu hút thêm khách với phương tiện bay du lịch mới, an toàn và giá rẻ.