Trăn trở giáo dục vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Chương trình GDPT 2018 quy định, học sinh lớp 3 bắt buộc học môn Tiếng Anh và Tin học.

Thầy Lê Xuân Viên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Chung (Mường Lát, Thanh Hóa) cầm tay học trò chỉ từng nét viết.
Thầy Lê Xuân Viên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Chung (Mường Lát, Thanh Hóa) cầm tay học trò chỉ từng nét viết.

Tuy nhiên, hiện nay ở vùng khó của tỉnh Thanh Hóa, vấn đề này vẫn nan giải với nhiều trường học bởi thiếu giáo viên lẫn trang thiết bị dạy học.

Thiếu nhân, vật lực

Trường Tiểu học Mường Chanh, huyện Mường Lát - ngôi trường cao, xa nhất tỉnh Thanh Hóa. Từ trung tâm TP Thanh Hóa lên đến xã Mường Chanh ngót nghét 300km. Học sinh nhà trường chủ yếu con em đồng bào dân tộc Thái.

Thầy Tào Văn Sinh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Chanh cho hay, trường có nhiều thuận lợi hơn trước bởi đa số giáo viên là người địa phương, khi lên lớp, giữa thầy, cô và học trò không bị bất đồng ngôn ngữ. Cùng đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị trường lớp được Nhà nước quan tâm đầu tư cơ bản.

Tuy nhiên khi đề cập đến vấn đề học sinh lớp 3 học bắt buộc môn Tiếng Anh, Tin học, theo thầy Sinh, nhà trường đã có giáo viên được biên chế để dạy đúng, đủ chương trình. Song điều trăn trở nhất là môn Tin học, trường vẫn không có giáo viên giảng dạy.

“Trước đây, nhà trường có một giáo viên dạy môn Tin học. Thế nhưng, năm học 2023 - 2024, thầy giáo này được UBND huyện điều chuyển công tác về Trường Tiểu học Trung Lý 2. Từ khi thầy chuyển đi, trường “trắng” giáo viên dạy môn Tin học, nên phải đóng cửa phòng máy”, thầy Sinh thông tin.

Thăm Trường Tiểu học Mường Lý (Mường Lát), được nghe thầy Hiệu trưởng Hoàng Lê Thành trò chuyện về những khó khăn, thiệt thòi của học sinh mà thấy trăn trở. Hiện cơ sở vật chất nhà trường chưa đầy đủ, thiếu cả hệ thống nước sạch, nước uống cho học sinh. Các khu sinh hoạt, học tập, sân chơi bãi tập không đảm bảo, khuôn viên sơ sài, nơi bảo quản trang thiết bị dạy và học chưa tốt. Mức đóng góp của nhân dân gần như không có, ngân sách xã nghèo nàn, nên chưa đầu tư đúng mức cho nhà trường...

Theo Chương trình GDPT 2018, học sinh lớp 3 học bắt buộc môn Tiếng Anh và Tin học. Thế nhưng, ở Trường Tiểu học Mường Lý, từ trước đến nay chưa từng có giáo viên dạy môn Tin học hay phòng máy để học sinh thực hành, học tập. Để khắc phục khó khăn này, hiệu trưởng nhà trường phải đảm nhiệm dạy “chay” môn Tin học.

“Do trường không có giáo viên Tin học, phòng máy vi tính, trong khi đó tôi có bằng Tin học nên tranh thủ thời gian dạy “chay” cho các em. Biết môn Tin học mà thiếu cả thiết bị lẫn người dạy thì dù cố gắng cũng chẳng hiệu quả. Vì thế, nhà trường phải đặt vấn đề với Trường PTDTBT THCS Mường Lý để hợp đồng thêm giáo viên, mượn phòng máy cho học sinh học tập”, thầy Thành chia sẻ.

tran tro giao duc vung bien xu thanh (5).jpg
Học sinh chào đón năm học mới ở Trường Tiểu học Pù Nhi (Mường Lát, Thanh Hóa).

Dạy và học “chay” có chất lượng?

Qua khảo sát nhiều trường tiểu học ở một số huyện miền núi, vùng cao, biên giới tỉnh Thanh Hóa cho thấy, chất lượng giáo dục đang là vấn đề đáng bàn. Cụ thể như ở các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước..., nhiều trường tiểu học phải tổ chức dạy học ở điểm lẻ tại các bản vùng sâu, xa, hẻo lánh.

Theo chia sẻ của thầy Chung Trường Thành - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Na Mèo (Quan Sơn, Thanh Hóa), dù nhà trường có giáo viên ngoại ngữ và Tin học, nhưng thực tế chất lượng giáo dục 2 môn này chưa tốt.

Mặt khác, trường có 4 điểm lẻ, gồm: Ché Lầu (bản người Mông); Sa Ná, Cha Khót và Xộp Huối. Khoảng cách từ điểm trường Ché Lầu và Cha Khót về điểm trường chính ở trung tâm xã Nam Mèo ước chừng 20km. Do đó, ban giám hiệu phải sắp xếp, bố trí thời khóa biểu sao cho phù hợp để giáo viên Tin học có thể kịp di chuyển dạy cho học sinh các điểm lẻ.

tran tro giao duc vung bien xu thanh (6).jpg
Học sinh Trường Tiểu học Quang Chiểu 1 (Mường Lát, Thanh Hóa) hạnh phúc trong bữa ăn bán trú tại trường.

Trường Tiểu học Na Mèo hiện có một phòng máy vi tính ở điểm trường chính, với 8 máy. 2 điểm lẻ Sa Ná, Xộp Huối cũng được bố trí mỗi nơi 6 chiếc. Tuy nhiên, vì có 1 giáo viên dạy môn học này nên vẫn vất vả đi lại liên điểm lẻ để dạy. Học sinh điểm lẻ Ché Lầu, được phụ huynh chở xuống điểm Sa Ná (khoảng hơn 4km) học môn Tin học; học sinh điểm Cha Khót thì đưa tới điểm Xộp Huối. Việc bố trí dạy học kiểu này khá bất tiện nhưng nhà trường không còn cách nào khác.

“Mặc dù chỉ có 1 giáo viên dạy Tin học, nhưng so với nhiều trường trong huyện chưa có giáo viên thì đơn vị chúng tôi đã hạnh phúc lắm rồi. Thực trạng này diễn ra vài năm nay. Lý do lớn nhất là không có nguồn để huyện tuyển dụng”, thầy Thành chia sẻ.

Nhắc đến chất lượng 2 môn Tiếng Anh và Tin học, thầy Thành thẳng thắn nhận định, nếu để khảo sát, đánh giá thực chất thì nhiều học sinh thuộc diện yếu, chưa đạt. Bởi lẽ, học sinh của nhà trường chủ yếu con em đồng bào dân tộc Thái và Mông (điểm lẻ Ché Lầu). Vì thế, việc học tiếng Anh, Tin học đối với học sinh lớp 3 không phải là điều dễ dàng bên cạnh điều kiện con người lẫn trang thiết bị thiếu thốn.

tran tro giao duc vung bien xu thanh (4).jpg
Học sinh ở điểm trường Sa Ná (Trường Tiểu học Na Mèo) huyện Quan Sơn (Thanh Hóa).

Trường Tiểu học Trung Lý 2, huyện Mường Lát lại rơi vào “nghịch cảnh” khi có giáo viên Tin học, nhưng thiếu phòng máy vi tính để giảng dạy, học tập. Thầy Nguyễn Tiến Hiệp - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường có 6 điểm lẻ (điểm chính tại bản Cò Cài). Năm học vừa qua, nhà trường được huyện điều động một giáo viên Tin học về công tác.

Dù có giáo viên, nhưng nhà trường không có phòng máy tính. Thầy giáo phải mang máy tính cá nhân đến các điểm lẻ để học sinh lớp 3 làm quen môn Tin học. Đối với học sinh khối 4, 5, thầy cũng phải tự túc phương tiện máy tính xách tay để dạy Tin học.

“Nhà trường có 5 điểm lẻ, trong đó 2 điểm Tà Cóm và Pa Búa cách điểm trường chính 15km đường rừng. Rất khó khăn, vất vả nhưng không còn cách nào khác, giáo viên phải phân chia thời gian đến các điểm trường để dạy học sinh”, thầy Hiệp tâm sự.

Cũng theo Hiệu trưởng Nguyễn Tiến Hiệp, việc dạy môn Tiếng Anh, Tin học cho học sinh từ lớp 3 của nhà trường là vấn đề nan giải. Vừa thiếu giáo viên lẫn trang thiết bị. Chất lượng giáo dục vì thế khó có thể đạt hoặc tốt.

tran tro giao duc vung bien xu thanh (2).jpg
Phòng máy tính Trường Tiểu học Mường Chanh (Mường Lát, Thanh Hóa) phải đóng cửa vì không có giáo viên dạy.

Giải pháp tạm thời

Ở Thanh Hóa, vấn đề thiếu giáo viên, trang thiết bị dạy học đã và đang tồn tại, đặc biệt tại một số huyện miền núi, vùng cao, biên giới của tỉnh.

Ông Mai Xuân Giang - Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết, địa phương hiện thiếu 16 giáo viên Tiếng Anh, 10 giáo viên Tin học cho 2 cấp tiểu học và THCS. Trong khi đó, cấp tiểu học của huyện Mường Lát hiện có tới 50 điểm trường lẻ.

Bàn về chất lượng giáo dục môn Tiếng Anh, Tin học đối với học sinh lớp 3 của địa phương, ông Giang trăn trở: “Chất lượng đang rất yếu bởi thiếu cả giáo viên và trang thiết bị. Đặc biệt học sinh của huyện đại đa số là con, em đồng bào dân tộc thiểu số.

Vì vậy, khi đưa môn Tiếng Anh và Tin học vào dạy từ lớp 3, học sinh chưa đủ khả năng để tiếp thu kiến thức. Thậm chí, học sinh lớp 3 ở huyện có nhiều em chưa thạo tiếng Việt. Mặc dù, các trường đã cố gắng để dạy đủ chương trình trong năm học, nhưng khi khảo sát, đánh giá chất lượng cuối kỳ, nhiều em không đạt”.

Cũng theo ông Giang, để thực hiện Chương trình GDPT 2018 với yêu cầu bắt buộc học sinh lớp 3 học môn Tiếng Anh và Tin học, Nhà nước cần chuẩn bị cho địa phương điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để đáp ứng yêu cầu. Còn hiện tại chỉ tiêu biên chế chưa đủ bởi nguồn tuyển và trang thiết bị đều thiếu.

“Ở huyện Mường Lát, với số điểm trường lẻ nhiều, việc trang bị máy tính vào tận điểm trường nên như thế nào, hay chỉ trang bị ở điểm trường chính là trăn trở của nhiều người. Nếu chỉ trang bị phòng máy tính ở điểm trường chính thì phải đưa học sinh từ điểm lẻ ra học.

Như vậy, liệu phụ huynh có điều kiện, thời gian để đưa con ra điểm chính học môn Tin học hay không? hay giáo viên phải đưa đón học sinh? Vấn đề này hiện nay chưa có lời giải”, ông Giang nói và thông tin thêm, về kinh phí đầu tư phòng máy tính cho các trường để phục vụ Chương trình GDPT 2018, đến thời điểm này huyện chưa được Nhà nước đầu tư.

Ông Phạm Anh Toàn – Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa cũng thông tin: Quan Hóa có 3 giáo viên Tin học cấp tiểu học, trong khi đó 9/15 trường đã được trang bị phòng máy. “Đối với cấp tiểu học, huyện có 31 điểm trường lẻ. Để giải quyết vấn đề dạy môn học này, phòng GD&ĐT đã định hướng các trường dạy cuốn chiếu chương trình. Đồng thời, nhà trường phải động viên phụ huynh đưa học sinh ra điểm chính để học cho đủ chương trình”, ông Toàn thông tin.

Tương tự, huyện Quan Sơn có 12 trường tiểu học và 2 trường liên cấp, nhưng mới có 4 giáo viên Tin học. “Khó khăn của việc tuyển dụng là không có ứng viên đăng ký dự thi. Để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực, Phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn phải điều động, sắp xếp thầy, cô dạy liên trường, liên cấp, đảm bảo các trường trong huyện có đủ giáo viên theo cơ cấu bộ môn”, ông Lê Huy Hà - Trưởng phòng GD&ĐT trao đổi.

“Trường ở huyện Mường Lát có phòng máy do được các chương trình, dự án hỗ trợ, chứ Nhà nước chưa đầu tư kinh phí. Vấn đề này không riêng gì huyện Mường Lát, mà đó là tình trạng chung của nhiều huyện khác trong tỉnh. Các nhà trường và ngành Giáo dục rất mong có đủ nguồn nhân lực và trang thiết bị để triển khai dạy học hiệu quả. Những giải pháp đang thực hiện chỉ là tạm thời, chưa thể giải quyết triệt để vấn đề”, ông Mai Xuân Giang - Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát nhìn nhận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...