Trường vùng biên ở Thanh Hóa phân luồng học sinh để ôn thi tốt nghiệp

GD&TĐ - Trường THPT Quan Sơn, huyện biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa) đã thực hiện phân luồng học sinh để tập trung ôn thi tốt nghiệp cho các em đạt kết quả tốt.

Trường THPT Quan Sơn, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh:Thế Lượng)
Trường THPT Quan Sơn, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh:Thế Lượng)

Điểm thi khảo sát đang ở mức thấp

Quan Sơn là một trong những huyện nghèo của cả nước, nằm ở biên giới phía Tây tỉnh Thanh Hóa. Học sinh (HS) Trường THPT Quan Sơn đa phần là con em đồng bào dân tộc thiểu số, điểm đầu vào thấp. Việc ôn thi tốt nghiệp và để học trò đạt được điểm cao trong kỳ thi sắp tới, với thầy và trò nhà trường được xác định là “một cuộc chiến”.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, thầy Nguyễn Trọng Năm, Phó Hiệu trưởng, (phụ trách chuyên môn) Trường THPT Quan Sơn, cho biết: Năm 2023-2024, nhà trường có 203 học sinh (HS) khối 12 sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Trong đó, chỉ có 4 HS đăng ký thi khối KHTN, còn lại 199 em đăng ký thi KHXH.

“Qua kỳ thi khảo sát chất lượng HS lớp 12 (do nhà trường tổ chức) và kỳ thi khảo sát chất lượng lần 1 (do Sở GD&ĐT tổ chức) có tổng hợp, đánh giá chung là kết quả đang ở mức khá thấp.

Theo đó, mới có 68 HS đậu tốt nghiệp THPT (chưa tính cộng điểm trung bình chung lớp 12, ưu tiên…); 49 em có khả năng đậu (nếu tính cộng điểm trung bình chung lớp 12, ưu tiên…). Điểm môn Toán và tiếng Anh rất thấp, khoảng điểm chủ yếu từ 2-3 điểm. Các môn còn lại đã có nhiều HS đạt điểm từ 5 trở lên. Tuy nhiên, HS vẫn còn học lệch và còn tình trạng môn cao môn thấp”, thầy Năm chia sẻ.

Trước tình hình đó, nhà trường đã yêu cầu các tổ chuyên môn tổ chức họp, thống nhất điều chỉnh, phân lớp lại và nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm (GVCN) lớp 12. Tổ chức phân loại HS, chia lại lớp theo từng nhóm năng lực của HS.

Cô và trò Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) trong giờ ôn tập. (Ảnh: Thế Lượng)

Cô và trò Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) trong giờ ôn tập. (Ảnh: Thế Lượng)

Theo đó, nhà trường tổ chức phân luồng, chia nhóm như sau: Nhóm HS học tốt, có nguyện vọng xét đại học, cao đẳng; nhóm HS có khả năng đậu tốt nghiệp; nhóm HS học lệch, vẫn có điểm liệt ở môn học lệch và nhóm HS khả năng trượt tốt nghiệp, các môn đều có điểm thi thấp.

“Ban giám hiệu yêu cầu GVCN tổ chức họp phụ huynh, thông qua kết quả HS trong lớp, phối hợp với phụ huynh trong việc quản lý các em đi học. Yêu cầu HS đi học đầy đủ cả học chính, học ôn để đảm bảo GV giảng dạy, ôn luyện theo đúng kế hoạch.

Đối với GV bộ môn, Ban giám hiệu lựa chọn những người có kinh nghiệm trong ôn thi, có phương pháp truyền đạt được kiến thức đến HS, quản lý HS tốt trong giờ học. Sau khi có kết quả thi khảo sát, từng nhóm tổ chức họp và có kế hoạch điều chỉnh giảng dạy của bộ môn”, thầy Năm thông tin.

Song song với việc nêu trên, Ban giám hiệu yêu cầu các nhóm trưởng chủ động trong việc tổng hợp đề thi thử của các trường; kiểm tra giáo án giảng dạy, ngân hàng câu hỏi theo chuyên đề và các đề luyện thi. Thống kê số HS yếu, kém của môn mình dạy để có biện pháp phụ đạo phù hợp. Đề ra những giải pháp thực hiện có hiệu quả chất lượng bộ môn...

Định hướng GV ôn tập cho học sinh

Thầy Nguyễn Minh Đạo – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để đạt được những mục tiêu nêu trên, đội ngũ GV Trường THPT Quan Sơn đã tập trung hướng dẫn HS lập đề cương ôn tập theo hướng: Phải làm sao để đảm bảo phần nhận biết về dạng, chuyên đề nào đó tất cả HS đều làm được mới chuyển sang phần mới.

Đảm bảo HS học xong các câu hỏi theo cấu trúc phần nhận biết, GV sẽ chuyển sang phần thông hiểu. Trong khi dạy, GV phải luôn song song cho HS luyện đề, làm đề tại nhà, có kiểm tra, đánh giá. Đối với riêng môn Toán, GV hướng dẫn HS sử dụng máy tính thành thạo trong khi làm trắc nghiệm, bởi lẽ, có những câu chỉ sử dụng máy tính là tìm được đáp án.

“Do có sự “chênh lệch” về học lực giữa học sinh với nhau và đặc biệt còn có nhóm HS học lệch, vẫn có điểm liệt ở môn học lệch. Vì thế, nhà trường phải phân luồng, chia nhóm và yêu cầu GV khi dạy, thì quan tâm hơn những HS học yếu môn do mình dạy. Mục tiêu là, đảm bảo cho các em khi làm bài từ không liệt tiến tới đạt được từ 2 điểm trở lên và nâng dần lên”, thầy Đạo chia sẻ.

Giờ tan học của HS Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: Thế Lượng

Giờ tan học của HS Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: Thế Lượng

Cũng theo hiệu trưởng Nguyễn Minh Đạo, đối với nhóm HS có khả năng trượt tốt nghiệp, các môn đều có điểm thi thấp, GV khi dạy cần thực hiện vừa dạy nhiều phần nhận biết, vừa dạy HS thêm những thủ thuật trong làm bài. Ví dụ: HS nhìn Atlat để có được câu trả lời, HS bấm máy tính là có được đáp án… Bên cạnh đó, GV tổ chức dạy cho HS nhận biết được các câu hỏi phần nhận biết và xác định được đáp án.

“Nhóm HS này chủ yếu chỉ đạt trong khoảng 2-3 điểm Toán, tiếng Anh, nên các thầy, cô bộ môn Toán, tiếng Anh sẽ phải hết sức cố gắng ôn luyện, hỏi đáp để hình thành cho các em kiến thức dạng mặc định. Tức là phải hỏi đi, hỏi lại giúp các em nhớ được công thức, dạng toán... để có thể nâng lên được trên 3 điểm.

Đối với các môn xã hội, đặc biệt là môn GDCD, các thầy, cô giáo nhà trường sẽ cố gắng để giúp HS đạt điểm cao. HS khi có hứng học, khi học và làm nhiều các đề môn GDCD, thì khi thi điểm sẽ dễ dàng lấy điểm 6 trở lên, nhiều HS sẽ đạt điểm 8, 9”, thầy Đạo nói.

Thầy Đạo thông tin thêm, đối với nhóm HS thi xét vào các trường đại học, cao đẳng thì nhà trường cũng phân nhóm, dạy cho các em cách làm bài các môn trắc nghiệm khá cụ thể. Theo đó, nhóm HS có nguyện vọng xét đại học, cao đẳng, thì đã làm tốt các câu phần nhận biết, làm được trên 80% các câu phần thông hiểu và khoảng 30% phần vận dụng thấp (tức là khoảng 7- 8 điểm đối với các môn tự nhiên).

“Còn các môn xã hội đã có HS đạt điểm 9, vì vậy, với nhóm HS này, GV ngoài cũng cố, ôn tập và làm nhanh các câu phần nhận biết, yêu cầu HS làm các câu thông hiểu, để đảm bảo các em nhớ kiến thức và luôn lấy điểm tối đa phần nhận biết, thông hiểu. Sau đó, GV sẽ hướng dẫn HS làm các câu vận dụng thấp... Nhóm HS này GV sẽ thực hiện cho đề riêng, số lượng câu hỏi gần như đạt điểm tối đa để HS làm...”, thầy Đạo chia sẻ.

“Điểm trung bình kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của nhà trường là 5,45; năm 2023 là 5,44 và năm nay dự kiến là 5,46. “Mục tiêu là điểm bình quân của trường trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay là 5,46, nên nhà trường hướng đến đảm bảo điểm số cho 2 nhóm HS, trong đó có nhóm chỉ cần đỗ tốt nghiệp và nhóm HS có nguyện vọng xét đại học, cao đẳng”, thầy Nguyễn Minh Đạo – Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ