Các ý kiến, tham luận nhằm đưa ra kết luận mang tính khoa học và lịch sử giải quyết những vấn đề còn tồn nghi, góp thêm tiếng nói bảo vệ sự trong sáng của lịch sử dân tộc và vương triều Trần.
Trước đó, trong các ngày 22, 23 và 24/8, Báo GD&TĐ đã đăng loạt bài về Trần Hoằng Nghị với tiêu đề “Đền khổng lồ thờ thần... tồn nghi”…
Thêu dệt sử sách
Tại buổi tọa đàm Thiếu tướng, PGS Đào Trần Quang Cát - Chủ tịch Hội đồng họ Trần nêu ý kiến: Hơn một thập kỷ qua, trong giới sử học, dư luận xã hội và hậu duệ họ Trần đã có nhiều tranh cãi về việc có hay không nhân vật Trần Hoằng Nghị (còn gọi là Hoằng Nghị đại vương) trong lịch sử Việt Nam? Trần Hoằng Nghị có phải là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ hay không?
Lịch sử vương triều Trần cũng đã được nhiều sử gia của các triều đại dày công nghiên cứu, lưu chép, thể hiện qua các tư liệu khảo cổ học, văn bia, sắc phong, thần tích, thần sắc, thần phả…
Thế nhưng, với trường hợp Thái sư Trần Thủ Độ, một danh nhân lỗi lạc của nhà Trần vẫn còn một khoảng trống lớn, chưa có cứ liệu rõ ràng, chính xác về nguồn gốc, thân thế, song thân của ông.
Các bộ tài liệu lịch sử chỉ ghi vắn tắt gia cảnh Trần Thủ Độ: Cha mẹ mất sớm, từ nhỏ sống với người bác là Trần Lý. Các công trình nghiên cứu trong mấy thập niên gần đây cũng mới chỉ đề cập về sự nghiệp của Trần Thủ Độ chứ không thấy dòng nào, câu nào nói về nhân vật Trần Hoằng Nghị.
Trên cơ sở quan trọng nhất của lịch sử là tư liệu và các ý kiến trao đổi, thảo luận, GS Vũ Minh Giang tổng kết: “Trên mặt bằng nhận thức và căn cứ khoa học, hoàn toàn chưa đủ để đưa ra với giới sử học một nhân vật lịch sử mới là Trần Hoằng Nghị - với ý nghĩa là nhân vật có tham gia vào quá trình lịch sử dân tộc chứ không phải chỉ là một người có tên có tuổi - đặc biệt lại càng không đủ cứ liệu để gắn nhân vật này với một nhân vật lịch sử đã nổi tiếng là Thái sư Trần Thủ Độ - người có công lớn sáng lập triều Trần.
Tôn vinh một người là việc riêng trong nội bộ họ tộc nào đó, song không thể vội vã truyền bá về một nhân vật không có đủ căn cứ khoa học trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là trong sách sử chính thống”.
Nhân vật Trần Hoằng Nghị bắt đầu xuất hiện từ năm 1995 thuộc công trình nghiên cứu của ông Dương Quảng Châu, cán bộ hưu trí, nhà nghiên cứu lịch sử địa phương vùng đất Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà (Thái Bình).
Ông Châu cũng đã có những thận trọng khi đưa ý kiến: “Do có nhiều khó khăn, hạn chế về tư liệu, trên đây là mấy suy nghĩ bước đầu, mong được các nhà khảo cổ, văn hóa, lịch sử tiếp thêm công sức làm sáng tỏ vấn đề...” vào bản tham luận khi công bố tại các hội thảo của tỉnh Thái Bình.
Năm 1995, Viện Sử học và Sở VH-TT tỉnh Thái Bình đưa bài tham luận của ông Dương Quảng Châu vào sách “Trần Thủ Độ - con người và sự nghiệp”.
Sau này, những kết quả nghiên cứu, nhận định ban đầu về nhân vật Trần Hoằng Nghị của tác giả Dương Quảng Châu đã được PGS-TS Nguyễn Minh Tường kế thừa, đầu tư nghiên cứu chuyên sâu hơn và giới thiệu rộng rãi trong nhiều hội thảo khoa học lớn về “Trần Thủ Độ - con người và sự nghiệp”. Các tư liệu này cũng đã được một số tác giả viết thành sách, phát hành rộng rãi.
Tuy vậy, ngay từ khi xuất hiện, nhân vật Trần Hoằng Nghị đã tạo ra khá nhiều dư luận trái chiều. Ngay cả trong giới sử học và các nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà văn, nhà báo và dòng tộc họ Trần cũng không tìm được sự đồng thuận hoặc đưa ra được những minh chứng xác đáng.
“Trần Hoằng Nghị” không có thật
Theo GS-TSKH Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Để tái hiện lịch sử, “vật liệu” quan trọng nhất là các nguồn sử liệu. Có thể coi tất cả những gì chứa đựng, dấu vết, hình bóng của quá khứ đều là sử liệu. Tuy nhiên, độ tin cậy và giá trị của các loại sử liệu rất khác nhau, cần phải khai thác tối đa mọi nguồn sử liệu, nhưng phải có phương pháp phân tích phê phán và xử lý khoa học phù hợp với các nguồn sử liệu đó.
“Những nhận định, kết luận về một vấn đề lịch sử cần phải dựa vào những chứng lý thuyết phục. Những tư liệu cần được thẩm định và phê phán. Những nhận định phải được xem xét nhiều chiều... Không thể đưa ra kết luận một cách đúng đắn, khoa học, nếu chỉ dựa vào tư liệu khảo sát điền dã, kể cả các tài liệu thứ cấp xuất bản những năm gần đây…”, ông Giang nhấn mạnh.
Trước các nghi vấn về Trần Hoằng Nghị, ông Đặng Hùng - Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, người đã bỏ ra hơn 10 năm nghiên cứu vấn đề này, khẳng định: “Thực tế, không hề có nhân vật Trần Hoằng Nghị tồn tại cuối thời Lý, đầu thời Trần và càng không phải là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ. Qua nghiên cứu các tài liệu lịch sử và các nguồn tư liệu khác những năm qua cho thấy, tất cả các nhân vật được cho là thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ đều không dựa trên một cơ sở văn bản học nào, cũng không được chứng minh từ tài liệu chính sử hoặc các tài liệu khảo cổ học hay thần tích, thần phả, sắc phong...
Nhân vật Trần Hoằng Nghị chỉ do một số nhà nghiên cứu dựng lên từ sự võ đoán, hư cấu Trang Nghị đại vương (thần Sấm được thờ ở làng Xuân La). Dựa theo tư liệu điền dã và truyền khẩu, chưa được kiểm chứng bằng các văn bản khoa học mà đã kết luận và đưa nhân vật Trần Hoằng Nghị vào chính sử là việc làm tùy tiện và liều lĩnh không thể chấp nhận được…”.
Đưa ra những phân tích, đánh giá sắc sảo để lý giải vì sao một công thần sáng nghiệp triều Trần như Trần Thủ Độ lại không được sử sách ghi chép tường tận về thân thế, PGS. TS Phạm Quốc Sử cho rằng: Trần Thủ Độ không được các sử gia phong kiến triều Lê và triều Nguyễn tôn trọng đúng mức để sưu tầm, ghi chép đầy đủ thông tin về cha, mẹ, nguồn gốc hoặc đã có một sự tước bỏ có chủ ý. Bởi đó là hai triều đại Nho giáo khắc nghiệt ở nước ta và dị ứng nhất với chuyện cướp ngôi.
Hoặc sử sách không ghi rõ cha, mẹ của Trần Thủ Độ chỉ đơn giản là do thiếu tư liệu, vì ngay cả những thông tin được ghi chép về dòng họ Trần trước khi soán ngôi triều Lý, về Trần Kinh, Trần Hấp, Trần Lý, Trần Tự Khánh, Trần Thừa… cũng không nhiều, không thật rõ ràng.
“Chúng tôi muốn kết luận ý kiến của mình rằng những công bố về Trần Hoằng Nghị hay Hoằng Nghị Đại Vương là cha của Trần Thủ Độ là không có cơ sở khoa học”, TS Phạm Quốc Sử nhấn mạnh.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải bày tỏ quan điểm: Từ bài viết của ông Dương Quảng Châu, một nhà nghiên cứu địa phương, vậy mà PGS. TS Nguyễn Minh Tường cả gan hư cấu thêm rồi đưa vào quốc sử. Ở thời đại phong kiến thì tội này phải xử ở khung hình cao nhất.
Còn Trần Thủ Độ có bố không? Chắc chắn có bố. Còn sử gia Lê Văn Hưu tại sao không ghi chép về cha của Trần Thủ Độ có lẽ do một lý do tế nhị nào đó. Chắc chắn Trần Hoằng Nghị là nhân vật không có thật. Và chúng ta không nên mất thì giờ cho những tranh cãi này nữa.