Trần Hoằng Nghị bị loại khỏi sách sử
Dù bị phản ứng từ hội thảo năm 2007, nhưng có lẽ thấy không có vấn đề gì đáng lo ngại nên khi được giao chủ biên tập 3 trong bộ sách 9 tập “Lịch sử Việt Nam phổ thông” (LSVNPT) do NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật xuất bản tháng 3/2018, PGS.TS Nguyễn Minh Tường đã đưa Trần Hoằng Nghị vào sách. Trang 194 viết: “Trần Thủ Độ sinh ra ở khu Bến Trấn, huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng (nay thuộc xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình)” và “Đến đời thân phụ Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị và Nguyên tổ của nhà Trần là Trần Lý, thì họ Trần trở nên giàu có”.
PGS.TS Nguyễn Minh Tường từ chối phỏng vấn, cung cấp tư liệu cho phóng viên về việc này. Còn đại diện Hội đồng họ Trần Việt Nam (HĐHTVN) là Thiếu tướng Đào Trần Quang Cát (Chủ tịch) và Đại tá Trần Nguyên Trung (Tổng Thư ký) cho biết sau khi cuốn sách in ra họ đã có đơn đề nghị làm rõ gửi tới Viện Sử học. Khi bị yêu cầu giải trình, PGS.TS Nguyễn Minh Tường viết thư ngỏ gửi Viện Sử học là căn cứ vào tài liệu của ông Dương Quảng Châu. Cuối thư viết: “Tôi xin nhắc lại, việc chép “Thân phụ Thái sư của Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị” trong LSVNPT, tập 3 của chúng tôi chưa phải là kết luận cuối cùng về vấn đề này”.
Chưa phải kết luận cuối cùng mà ông Tường dám đưa vào chính sử một nhân vật hư cấu, hay lập lờ là tồn nghi?
Cục Xuất bản In và Phát hành đã có văn bản trả lời Thiếu tướng Đào Trần Quang Cát và Đại tá Trần Nguyên Trung là NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật đã dừng phát hành cuốn sách LSVNPT để phối hợp với Viện Sử học và nhóm tác giả chỉnh sửa bổ sung, hoàn thiện toàn bộ nội dung, bảo đảm nguyên tắc chính xác của các dữ liệu lịch sử.
Ngày 12/10/2018, ông Đinh Quang Hải - Viện trưởng Viện Sử học ký Văn bản số 187/VSH thông báo: “…Để giải quyết dứt điểm việc này, hiện tại Viện Sử học đã gặp, trao đổi, đề nghị tác giả (PGS.TS Nguyễn Minh Tường) cắt bỏ câu “Trần Thủ Độ sinh năm Giáp Dần (1194) ở khu Bến Trấn, huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng (nay thuộc xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) và cắt bỏ câu “Thân phụ của Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị”.
|
Ý kiến của Hội đồng họ Trần Việt Nam
Thiếu tướng, PGS Đào Trần Quang Cát cho rằng: Sự việc bịa ra nhân vật Trần Hoằng Nghị, thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ là một sự lừa đảo. Viện Sử học, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phải chịu trách nhiệm về việc để cho PGS.TS Nguyễn Minh Tường và những nhà nghiên cứu liên quan viết ra nhân vật không có thật, từ đó gây ra những hệ lụy cho xã hội. Đền Nhà ông phải trả lại đúng vị trí, tên gọi của nó. Tất cả các tượng vua Trần, danh nhân nhà Trần phải được đưa hết ra ngoài. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Cục Di sản văn hóa, Thanh tra Bộ TT&TT đã yêu cầu UBND tỉnh Thái Bình, Sở VH-TT&DL tỉnh Thái Bình báo cáo sự thật. Tuy nhiên, đến nay chưa thấy hồi âm. Sách LSVNPT đã phải dừng phát hành để cắt bỏ những dòng viết về Trần Hoằng Nghị. Vì vậy, đề nghị các cơ quan chức năng chỉ đạo các NXB, cơ quan báo chí không đưa tin, làm phim tài liệu về Đền thờ Trần Hoằng Nghị nữa.
Trung tướng, PGS.TS Trần Đình Nhã, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, Phó Chủ tịch HĐHTVN nói: Khi biết Trần Hoằng Nghị là nhân vật bịa, không chứng minh được mà những người đầu tư và trông coi đền Nhà ông lại kêu gọi con cháu họ Trần cứ ngày 14 tháng Giêng về cúng tổ, tôi thấy rất sai.
PGS.TS Nguyễn Minh Tường và những ai viết bịa ra Trần Hoằng Nghị phải có trách nhiệm trả lời rõ trước công luận và cơ quan chức năng. Các cơ quan chuyên môn cũng cần làm rõ để tránh làm mất uy tín của giới khoa học. “Hướng xử lý, theo tôi nên làm rõ việc sử dụng 5 ha đất nông nghiệp tại đền. Nếu đã chuyển đổi mục đích sử dụng thì đã đúng quy định pháp luật chưa? Tôi biết là đang có tranh chấp với người dân. Thứ hai, cần xử lý việc xây dựng đền sai văn bản của UBND tỉnh. Đền Nhà ông để thờ ai? Có được tổ chức tế lễ linh đình hàng năm rồi mời lãnh đạo đến dự?”, PGS.TS Trần Đình Nhã bày tỏ quan điểm.
Đại tá PGS.TS Trần Văn Luyện, nguyên Trưởng phòng C42 Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), Chánh Văn phòng HĐHTVN nói: Việc nghiên cứu sự kiện, các nhân vật lịch sử, phải dựa trên phương pháp khoa học, dựa vào những tài liệu chứng cứ xác đáng. Tất cả các tư liệu từ triều Trần, triều Lê, triều Nguyễn đều không ghi gì về thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ. Chỉ biết Trần Thủ Độ mồ côi cha mẹ sớm, ở với bác là Trần Lý. Nếu các nhà nghiên cứu mà tìm được bằng các con đường khảo cổ, văn bia, sắc phong, thần tích… có sức thuyết phục thì người dân rất vui mừng, tin tưởng. Đằng này, họ không chỉ bịa ra Trần Hoằng Nghị mà còn cả gan gán bằng được Lý An Hạ thành Trần An Hạ để thành anh Trần Thủ Độ.
Các bài của ông Dương Quảng Châu đều sử dụng lối điền dã, không có căn cứ. Về tên gọi thì ông Dương Quảng Châu viết năm 1994 là Trần Hoằng Nghị mà ông Trần Xuân Sinh trong cuốn Thuyết Trần viết in năm 2003 lại là Trần Hoàng Nghi. Đây là 2 hay 1 ông? Các bài của ông Châu đều không nêu được người cung cấp tư liệu cụ thể là ai, bao nhiêu tuổi.
Chắc rằng ông sợ phóng viên hay nhà nghiên cứu người ta tìm đến xác minh mà không phải thì “đớ” mặt. “Tôi đánh giá PGS.TS Nguyễn Minh Tường không phải không biết cách làm khoa học nhưng vẫn cố tình làm sai chắc có động cơ mục đích gì ẩn đằng sau. Vì vậy, cơ quan chức năng cần làm việc với Viện Sử học, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam để làm rõ. Tùy theo mức độ mà xử lý. Nếu nhẹ thì phải xin lỗi trước công luận, nặng hơn xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự nếu vi phạm”, PGS.TS Trần Văn Luyện nói.