Đền khổng lồ thờ thần… tồn nghi

GD&TĐ - Ở thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà (Thái Bình) đang tồn tại một ngôi đền khổng lồ. Ngôi đền cao tới 41 m liền ngay chợ Mẹo. Trên cửa đền nổi bật dòng chữ vàng, nền đỏ “Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam”. Thế nhưng, theo giấy phép xây dựng đây là đền Nhà ông. Người được thờ là nhân vật gây nhiều tranh cãi…

Đền Nhà ông khổng lồ ở thôn Phương La
Đền Nhà ông khổng lồ ở thôn Phương La

Ngôi đền khổng lồ

Đền Nhà ông được khởi công từ năm 2002 đến năm 2011 mới khánh thành. Đền cao 41 m, gồm 3 tầng với diện tích khoảng 800 m2. Tầng 1 là nơi hội họp còn tầng 2 và tầng 3 là nơi thờ. Ông Trần Bình Trọng, một trong những người trông coi đền thờ cho biết: “Người được thờ chính tại đền là ngài Trần Hoằng Nghị, thân phụ của Trần An Quốc, Trần An Hạ và Thái sư Trần Thủ Độ. Trần Hoằng Nghị đại vương được thờ ở tầng 2. Tượng Trần Hoằng Nghị được đúc đồng nặng 5.082 kg. Các pho tượng khác đều nặng từ 350 - 700 kg và được dát vàng. Hai gian thờ bên phải và trái của tầng 2 thờ 4 vị phu nhân của Trần Hoằng Nghị là: Tô Thị Nàng, Dong Huê Nàng, Quế Huê Nàng và Hoàng Đức Mây”.

Tầng 3 có không gian trải rộng hơn với hệ thống điện thờ các bậc thủy tổ Trần Kinh, đệ nhị thủy tổ Trần Hấp, nguyên tổ Trần Lý, thái tổ Trần Thừa, cùng với các danh nhân dòng họ Trần: Vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, thái sư Trần Quang Khải, thống quốc thái sư Trần Thủ Độ, linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung, Trần An Quốc đại vương, Trần An Hạ đại vương… Đặc biệt, tại ban thờ Trần Hưng Đạo đại vương và Thượng tướng Phạm Ngũ Lão còn thờ cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Còn dưới tầng hầm của ngôi đền là mộ của Trần Hoằng Nghị.

Người đứng ra đầu tư xây dựng ngôi đền khổng lồ này là ông Trần Văn Sen, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty SXXNK Hương Sen.

Đền Nhà ông được xây dựng theo Văn bản số 618/UB-VX ngày 13/5/2002 của UBND tỉnh Thái Bình, do Phó Chủ tịch Hoàng Đình Thạch ký, có nội dung: “Cho phép Hội đồng gia tộc họ Trần xã Thái Phương, huyện Hưng Hà được phục hồi ngôi đền Nhà ông trên nền móng cũ (có bản vẽ kèm theo). Kinh phí xây dựng do sự đóng góp của dòng họ”. Trong đơn xin phép xây dựng đền Nhà ông trền nền móng cũ, kinh phí dự kiến khoảng 150 triệu đồng.

Đền nằm sừng sững giữa vùng chiêm trũng
  • Đền nằm sừng sững giữa vùng chiêm trũng

Không phải là di tích?

Ông Đào Hồng, nguyên Trưởng phòng Quản lý di tích (Bảo tàng tỉnh Thái Bình) cho biết: “Tên gọi đền Nhà ông là khi dùng để xin giấy phép xây dựng chứ thực tế ban đầu là miếu Cây đa, mỗi chiều khoảng 1 - 1,5m. Vì vậy, nó không nằm trong danh mục 3 đợt kiểm kê di tích của tỉnh (đợt 1: Vào các năm 1961, 1962 và 1963; đợt 2: 1975, 1976 và 1977; đợt 3 năm 1995).

Lý do đền Nhà ông tuy không phải di tích cấp tỉnh hay quốc gia mà bảo tàng tỉnh phải giám sát vì trong văn bản cho phép xây dựng có giao cho Sở VH-TT, Bảo tàng và UBND huyện Hưng Hà giám sát. Khi đền Nhà ông được triển khai có quy mô quá lớn, xây dựng đến tầng 2 thì ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thái Bình có chỉ đạo ông Vũ Đức Thơm, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh và tôi đến lập biên bản vi phạm”.

Vậy tại sao từ đền Nhà ông lại đổi tên thành Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam? Hoặc Đền lăng Trần Hoằng Nghị? Ông Nguyễn Công Khanh - Trưởng phòng VH-TT huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình cho biết: “Đền Nhà ông không phải là di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh, mà chỉ là nơi thờ tự của một chi nhánh họ Trần nên Phòng VH-TT huyện không quản lý. Họ cũng không có hồ sơ xin đổi tên đền.

Còn “Bằng bảo trợ Di tích lịch sử văn hóa Đền lăng Đức tổ Trần Hoằng Nghị đại vương tại thôn Phương La, xã Thái Phương là di tích có giá trị lịch sử, văn hóa và giáo dục truyền thống” mà Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cấp (Chủ tịch Liên hiệp Nguyễn Xuân Thắng ký) không có giá trị, vì không đúng quy định pháp lý về xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Bộ VH,TT&DL cũng đã có văn bản nhắc nhở các tổ chức (trong đó có Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam) về tình trạng cấp các văn bằng trái pháp luật, không đúng thẩm quyền dạng này".

Khi được hỏi: Không những đền Nhà ông xây dựng quá văn bản cho phép, mà còn mua thêm gần 5 ha đất ruộng để làm khuôn viên? Có thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất chưa - ông Nguyễn Công Khanh nói không biết, nhưng có lẽ diện tích 5 ha này đang được xin để lập khu sinh thái?

Ngoài Phương La, đình làng thôn Trác Dương cùng xã Thái Phương sau này cũng tự nhận là thờ Trần Hoằng Nghị. Sự việc diễn ra vào ngày 13/2/2007, khi khánh thành đình làng thôn Trác Dương, Trưởng thôn Trác Dương và đại diện BQL di tích đã tổ chức rước “chân nhang” từ đền Nhà ông về thờ tại đình làng.

Không phải là di tích, nhưng lạ thay, nhiều năm liền, cứ đến ngày lễ ở đền Nhà ông vào 14 tháng Giêng âm lịch lại tổ chức linh đình. Một hoạt động mang tính tín ngưỡng tôn giáo như vậy mà ông Nguyễn Công Khanh lại nói ngành văn hóa Thái Bình không quản lý, chỉ là việc riêng của nhánh họ Trần. Việc riêng của họ Trần mà nhiều năm liền lễ hội lại có sự tham gia của lãnh đạo huyện, tỉnh Thái Bình không phải họ Trần, không phải người địa phương? 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.