Cô Sâm cười và nói: “Thế thì chị sẽ mang đến nơi này một hòn than - trái tim đang cháy lửa đây này!”. Hơn 12 năm công tác, cô Nguyễn Thị Hoài Sâm (Trường TH - THCS xã Ngọc Lây - Tu Mơ Rông, Kon Tum) đã bền bỉ vượt qua khó khăn, mang hơi ấm đến với học trò.
Rộn rã từ 5 giờ sáng
Cô Sâm sinh ra và lớn lên tại xã Đăk La, huyện Đăk Hà (Kon Tum). Ước mơ trở thành giáo viên dạy Văn của cô được nhen nhóm từ năm học lớp 6. Lúc đó, cô không hiểu được ý nghĩa cao cả của nghề “trồng người” mà chỉ vì thích hình ảnh cô giáo dạy Ngữ văn của mình. Đó là hình ảnh một cô giáo với bộ đồ tây, đầu đội mũ rộng vành, đi trên chiếc xe đạp mini. Hình ảnh ấy giản dị và đẹp vô cùng! Sau nhiều năm cố gắng phấn đấu, ước mơ đó đã trở thành hiện thực.
Ngày ra trường, cô Sâm được phân công công tác ở huyện Tu Mơ Rông (cách nhà khoảng 70km). Đó là một huyện mà xã nào cũng thuộc vùng khó khăn ngay cả ở trung tâm huyện. Nhưng với cô, nơi này không hề xa lạ mà rất thân quen. Bởi lẽ, trước đó, cô đã là con của buôn làng trong đợt “tình nguyện mùa hè xanh” năm 2006 (ở thôn Đăk Neng, xã Tu Mơ Rông).
Thời điểm đấy, cô Sâm đã có hơn một tháng trải nghiệm với con đường đất đỏ lầy lội, trơn trượt, không đi được bằng xe máy. Xung quanh cây cối um tùm, hoang vu, thời tiết mưa, lạnh khắc nghiệt khiến đời sống của bà con vô cùng khó khăn. Tưởng chừng với thời gian ấy, đã trải nghiệm đủ và không gì làm bản thân bỡ ngỡ, sợ hãi hay hoang mang nữa, cho đến khi cô nhận công tác tại xã Tê Xăng, cách trung tâm huyện khoảng hơn 25km.
Năm đó, cơn bão số 9 đã ập đến. Sau nhiều ngày mưa gió tầm tã, cô và các đồng nghiệp vẫn miệt mài cùng học sinh lên lớp mỗi ngày tại trường. Khi không thấy những chiếc xe máy chở thức ăn vào trường, cô mới thấm thía cái khó khăn cùng cực ở nơi đây.
“Lúc bấy giờ tôi và các anh chị đồng nghiệp ra ngoài trường để tìm mua thức ăn. Nhưng con đường mà chúng tôi đi về hàng tuần đã không còn nữa. Nó bị lấp đầy bùn, đất, những tảng đá lớn cùng cây cối… Nhìn xung quanh làng, nhiều ngôi nhà đã không còn nóc. Cơn bão ấy đã làm cả huyện Tu Mơ Rông bị cô lập. Đặc biệt, xã của chúng tôi không một phương tiện nào di chuyển được… Hình ảnh ấy in đậm trong tâm trí tôi mỗi khi mùa mưa bão về”, cô Sâm hồi tưởng lại.
Khó khăn chung ấy không thể nào ngăn được nhiệt huyết của mỗi thầy cô. Bởi phía sau họ là nguồn động lực mạnh mẽ giúp vượt qua tất cả. Đó không chỉ là tình yêu đối với nghề, mà còn là gia đình. Với cô Sâm, đó chính là cô con gái bé nhỏ và cha mẹ.
Vì đường quá xa nên cô phải để con ở nhà với ông bà ngoại. Mẹ con cô chỉ gặp nhau vào cuối tuần. Nước mắt cô giáo trẻ năm đó cứ chực trào ra mỗi lần nghe tiếng nói bi bô của con qua điện thoại.
Cô giáo sinh năm 1985 chia sẻ, động lực của cô không chỉ con gái, mà còn là những học trò yêu quý đầy nghị lực. Nhìn các em mới thấy, cái khó của mình có thấm vào đâu. Mỗi ngày ở thôn xa, các em phải đi học từ lúc hơn 5 giờ sáng bằng lối mòn nhỏ bên sườn đồi.
Vài năm trước, thôn còn chưa có đường, điện. Mỗi khi đi vận động học sinh đến trường phải chọn những giáo viên thật sự khỏe để leo dốc và đi vào những đêm trăng sáng. Đến nơi mới thấm thía hết được cuộc sống, thiếu thốn khó khăn và nghị lực sống phi thường của các em.
Trái tim ấm nóng của Tu Mơ Rông
Xã Ngọc Lây (giáp tỉnh Quảng Nam) là nơi cô Sâm dừng chân trong hơn 12 năm công tác. “Lúc mới xuống xe bước vào trường, cô bé văn phòng đã chào tôi bằng giọng hóm hỉnh: “Chào đón chị đến với nơi lạnh nhất của huyện Tu Mơ Rông”. Tôi cười và nói: “Thế thì chị sẽ mang đến nơi này một hòn than - trái tim đang cháy lửa đây này!”.
Qua gần hai năm công tác, cô thấy quanh năm toàn mưa phùn và gió lạnh. Nhưng mọi người từ Hiệu trưởng đến giáo viên, nhân viên ai cũng thân thiện, cởi mở nên cô cũng thấy ấm lòng. Để bảo đảm sức khỏe, an toàn cho học sinh ở những bản xa, nhà trường đã tổ chức ăn ở nội trú. Đêm đến các thầy cô còn sinh hoạt cùng, hướng dẫn học sinh học bài cũ và chuẩn bị bài mới. Các em rất thích nên luôn đi học đầy đủ.
Thời điểm hiện tại, Ngọc Lây là một trong hai xã của huyện thuộc nhóm nguy cơ cao bởi dịch Covid-19 do giáp ranh với tỉnh Quảng Nam, người dân đi lại nhiều.
Để vừa phòng dịch vừa bảo đảm kiến thức cho các em, giáo viên xuống tận nhà ở thôn bản hướng dẫn thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Trong tình hình dịch bệnh, học sinh huyện Tu Mơ Rông nói chung và xã Ngọc Lây nói riêng không thể học trực tuyến bởi 90% học sinh không có trang thiết bị. Không để khó khăn khuất phục, ngay sau lễ khai giảng, dưới sự chỉ đạo của nhà trường, giáo viên đã thực hiện dạy học theo cụm, mỗi làng là một cụm, lấy nhà Rông làm lớp học. Mỗi cụm được chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm không quá 10 học sinh.
“Cô giáo dạy Văn của tôi đã nhen lên ước mơ và truyền ngọn lửa nhiệt huyết trong tôi. Tôi hi vọng rằng, mình tiếp tục là người “nhóm lửa”, “giữ lửa” và “truyền lửa” đến con gái, đến những thế hệ học sinh mà tôi đã, đang và sẽ dạy dỗ sau này” - cô Sâm kiên định nói.