Cô Đặng Thị Thư là giáo viên Trường Mầm non Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ (Lai Châu).
Thương lắm vùng cao
Sinh ra và lớn lên ở xã Minh Quang (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang), năm 2012, cô Đặng Thị Thư lên huyện Sìn Hồ công tác. “Chân ướt, chân ráo” vào nghề, cô Thư gần như bắt đầu bằng con số “0” tròn trĩnh. Nói vậy, bởi cô không biết tiếng bản địa trong khi 100% học sinh là con em người Mông. Bất đồng ngôn ngữ khiến việc nuôi dạy trẻ thời gian đầu của cô luôn gặp khó.
“Được nghe kể về sự khó khăn và có sự chuẩn bị từ trước về tâm lý, nhưng vào đến bản, tôi không khỏi ngỡ ngàng. Cuộc sống của bà con ở đây khó khăn quá. Cả bản chỉ có vài người Kinh. Nhà cửa của dân thì tuềnh toàng. Còn phòng học chưa được đầu tư khang trang. Đã thế lại còn không có nhà ở cho giáo viên. Chợ búa cũng chẳng có...”, cô Thư kể.
Ngày mới lên bản nhận công tác, đối diện với thực tế, cô Thư đã có những phút rối lòng. Cô từng dự định sẽ dạy một vài năm rồi xin chuyển về vùng thuận lợi. Nhưng rồi, sau vài năm gắn bó, cô cảm thấy mình cần có trách nhiệm hơn với lũ trẻ nơi đây và với cộng đồng.
Cô Thư tâm sự: “Tôi còn nhớ như in ngày đầu nhận lớp. Đó là lớp ghép 3 + 4 tuổi. Cả lớp có 18 trẻ đều không biết tiếng phổ thông. Còn tôi thì không biết tiếng bản địa. Trẻ đi học thưa thớt. Các em còn nhút nhát, ngại giao tiếp. Trong khi đó, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhất là đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học. Nói chung cả cô và trò đều vất vả đủ đường. Tôi không lo bản thân sẽ vất vả, mà điều khiến tôi thực sự trăn trở đó là cuộc sống cơ cực của các em nhỏ nơi đây. Hầu như em nào cũng vậy, cơm không đủ no, áo không đủ mặc, mùa đông co ro dưới giá lạnh tê tái. Thương lắm”.
Thương trẻ, cô Thư đã vận động, quyên góp quần áo, giầy dép dành tặng cho trò. Mỗi khi lớp học thiếu vắng học trò, cô lại lên bản, đến từng gia đình để tìm hiểu hoàn cảnh, động viên cha mẹ cho con em đến trường.
Khó lòng bước đi
“Người dân trong bản lúc đó còn nghèo lắm, trong nhà không có gì đáng giá cả. Có hôm lên bản tìm trò, cả bản chẳng có người lớn vì họ đi nương hết, chỉ có đám trẻ nhỏ ở nhà trông em. Chúng tự nấu cơm cho nhau ăn. Thấy tôi, anh, chị lớn đang bốc cơm cũng dừng ngay. Mấy em nhỏ thì tỏ vẻ sợ hãi, giấu cơm dưới miếng bao tải rách, nhìn rõ tội!”, cô Thư nói.
Để hòa đồng với trẻ cũng như người dân, mỗi khi rảnh rỗi, cô Thư lại tự học tiếng dân tộc giúp việc giao tiếp được thuận lợi hơn. Cô còn tìm hiểu phong tục tập quán, văn hóa của người địa phương. Nhờ đó, phụ huynh tin tưởng và cởi mở hơn, việc vận động trẻ ra lớp hay mời cha mẹ tham gia các hoạt động với trường, lớp cũng dễ dàng.
Sự tin tưởng phụ huynh dành cho cô Thư được thể hiện hằng ngày. Có mớ rau, con cá, củ sắn, củ khoai, quả trứng… cũng mang lên biếu cô. Mỗi khi nhà có việc đều mời cô đến dự. Những tình cảm chân thành đó là niềm động viên giúp giáo viên cắm bản có thêm nghị lực để gắn bó với nghề. Theo cô Thư, tình cảm của người dân cùng sự trong trẻo, hồn nhiên của những đứa trẻ nơi đây như sợi dây níu giữ cô ở lại Sà Dề Phìn.
Nhận xét về đồng nghiệp, cô Lương Thị Dẫu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sà Dề Phìn chia sẻ: “Cô Thư không chỉ làm tốt công việc chăm sóc trẻ, mà còn nhiệt tình hướng dẫn người dân cách chăm con. Với kiến thức sẵn có, cô chia sẻ cách thức chăn nuôi, trồng trọt để giúp bà con tăng thêm thu nhập cho gia đình. Từ những nỗ lực ấy, cô Thư đã góp phần cùng tập thể nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ trên địa bàn. Nhờ đó, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng qua các năm đều giảm so với năm học trước. Trẻ dần mạnh dạn tự tin khi giao tiếp tiếng Việt”.