Dù còn khó khăn, nhưng với hướng đi phù hợp, bài toán thiếu giáo viên đang dần được tháo gỡ.
Nỗi lo trước thềm năm học
Hà Nội có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, cũng là địa phương thiếu nhiều giáo viên. Vấn đề này là thách thức đối với nhiều cơ sở giáo dục trước thềm năm học mới, đặc biệt trong bối cảnh triển khai Chương trình GDPT 2018.
Cô Lê Thị Tuyết - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tốt Động (huyện Chương Mỹ) cho biết: Trường có số học sinh lớn trong huyện với 1600 em. Do nhiều năm không có chỉ tiêu biên chế, việc ký hợp đồng gặp khó khăn nên trường luôn trong tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng. Năm học tới, Trường được giao 5 chỉ tiêu tuyển dụng nhưng cơ bản vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Cũng trên địa bàn huyện Chương Mỹ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mỹ Lương cho rằng việc thiếu giáo viên lâu nay luôn là nỗi lo của nhà trường mỗi khi năm học mới đến gần. Cùng đó, khi triển khai Chương trình GDPT 2018 cũng gặp thách thức khi các môn Tin học, Ngoại ngữ khó tuyển được giáo viên.
Ông Nguyễn Hữu Thìn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chương Mỹ thông tin, tính sơ bộ, các trường trên địa bàn huyện còn thiếu hơn 200 giáo viên các môn cơ bản. Để khắc phục, một số nhà trường đã ký hợp đồng với giáo viên nghỉ hưu, có trường Hiệu trưởng, Hiệu phó cũng đứng lớp một số môn.
Trước thềm năm học mới, các nhà trường đã ký hợp đồng giáo viên để bảo đảm đủ giáo viên đứng lớp theo quy định. Tuy nhiên, với việc triển khai các môn học mới (Tiếng Anh, Tin học) trong Chương trình GDPT 2018 theo quy định bắt buộc là 4 tiết/tuần, nhiều trường học vẫn đứng trước thách thức không nhỏ, cần tiếp tục có giải pháp.
Cô Ngô Thanh Huyền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khương Đình (quận Thanh Xuân) cho biết: Để giảng dạy các môn Tin học, Tiếng Anh, nhà trường đã khắc phục bằng cách thuê giáo viên dạy hợp đồng. Song, giáo viên hợp đồng thu nhập không cao nên tâm lý thiếu ổn định, hoặc không muốn gắn bó lâu dài với nghề.
Tình trạng thiếu giáo viên cũng xuất hiện tại các quận nội thành, nhất là đối với các môn Tiếng Anh, Tin học. Khẳng định số giáo viên vẫn đáp ứng được nhu cầu trong năm học tới nhưng Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai cho rằng chính sách chung về biên chế giáo dục còn khó khăn, lương giáo viên thấp nên nhiều người không mặn mà với công việc. Do đó, nhiều trường gặp khó khi tuyển giáo viên Tiếng Anh, Tin học.
Bà Lê Thị Thu Hằng - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân chia sẻ: Hiện số học sinh trong quận là hơn 20 nghìn và không ngừng gia tăng. Trong bối cảnh nhiều trường thiếu giáo viên, Phòng đã mạnh dạn sử dụng đội ngũ giáo viên dùng chung cho các trường cùng cấp học trên địa bàn.
Theo đó, giáo viên tiếng Anh của một trường có thể dạy tiếng Anh cho 2, 3 trường khác. Phòng chủ trì, chịu trách nhiệm gắn kết, sắp xếp thời khóa biểu và chi trả lương cho giáo viên bảo đảm hợp lý. Mô hình này sẽ tiếp tục được triển khai để giải quyết hiện tượng thiếu giáo viên ở các trường, tạo sự đoàn kết, tăng cường ý thức trách nhiệm của giáo viên khi thực hiện nhiệm vụ.
Ảnh minh họa ITN. |
Tuyển biên chế, tăng hợp đồng
Nói rõ hơn về vấn đề thiếu giáo viên, ông Trần Đình Cảnh - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết: Số lượng học sinh của thành phố mỗi năm đều tăng. Vì thế, số lượng học sinh/lớp ở các trường công lập của Hà Nội đều lớn hơn quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT.
Tại một số quận, số lượng học sinh trung bình khối tiểu học là 56 học sinh/lớp, khối THCS là 53 học sinh/lớp. Khi số lượng học sinh, lớp, trường tăng sẽ kéo theo số lượng người làm việc tại khối giáo dục tăng nhằm đáp ứng yêu cầu có học sinh, có lớp thì phải có giáo viên. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, số lượng viên chức được giao cho khối giáo dục cơ bản giữ nguyên.
Năm 2022, số lượng biên chế toàn thành phố chỉ đáp ứng 92% nhu cầu biên chế của các trường công lập. Theo báo cáo của các đơn vị, số lượng giáo viên còn thiếu gần 9 nghìn biên chế. Trong đó, số giáo viên còn thiếu bậc mầm non là 1.325, Tiểu học 3.634, THCS 2.684, THPT 1.296.
Để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực ngành y tế, giáo dục, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc giao chỉ tiêu lao động hợp đồng đối với đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và y tế năm 2023. Theo đó, HĐND TP đồng ý bổ sung cho lĩnh vực GD-ĐT năm 2023 của thành phố là 3.112 chỉ tiêu giáo viên hợp đồng.
Ông Trần Đình Cảnh cho biết, sau khi được HĐND TP phê duyệt, UBND TP sẽ phân bổ sung 3.112 chỉ tiêu lao động hợp đồng trên cho các quận, huyện, thị xã, Sở GD&ĐT. HĐND TP yêu cầu các đơn vị ký hợp đồng lao động theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, vị trí việc làm; quản lý, sử dụng hiệu quả số lao động hợp đồng được giao.
Vừa qua, Sở đã tổ chức kỳ thi tuyển dụng viên chức giáo dục làm việc ở các cơ sở giáo dục công lập thuộc Sở với 608 chỉ tiêu. Những giáo viên trúng tuyển sẽ lập tức được bổ sung cho các nhà trường để giảng dạy trong năm học tới. Các quận, huyện khác cũng đã tổ chức kỳ thi tuyển dụng viên chức giáo dục với gần 3 nghìn chỉ tiêu.
Cùng đó, thực hiện Nghị quyết của HĐND TP, 3.112 giáo viên hợp đồng sẽ được tuyển dụng trong năm học này. Tổng cộng, Hà Nội có thêm hơn 6 nghìn giáo viên để giảng dạy trong các nhà trường trước thềm năm học mới. Đây là sự cố gắng lớn của thành phố cũng như ngành Giáo dục. Tuy nhiên, số lượng này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu với con số ước tính Hà Nội đang thiếu là gần 10 nghìn giáo viên. (Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội)