Biệt phái giáo viên giải bài toán thừa thiếu giáo viên cục bộ

GD&TĐ - Trước thực trạng thiếu giáo viên, nhiều địa phương áp dụng giải pháp biệt phái. 

Huyện Tương Dương (Nghệ An) thực hiện thuyên chuyển giáo viên góp phần giải quyết tình trạng thừa thiếu cục bộ. Ảnh minh họa: INT
Huyện Tương Dương (Nghệ An) thực hiện thuyên chuyển giáo viên góp phần giải quyết tình trạng thừa thiếu cục bộ. Ảnh minh họa: INT

Đây được xem như “một mũi tên trúng nhiều đích”, nhất là với những địa phương thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

Giải pháp tình thế

Huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) được giao hơn 1.300 biên chế, tuy nhiên theo ông Ma Thế Trung - Trưởng phòng GD&ĐT, hết năm học 2022 – 2023, toàn huyện có hơn 1 nghìn giáo viên. Hiện, toàn huyện thiếu hơn 500 giáo viên ở 3 cấp học. “Huyện đang tuyển dụng giáo viên với hơn 200 chỉ tiêu. Song, với bộ môn Tin học, Tiếng Anh không có hồ sơ ứng tuyển” – ông Trung cho hay và thông tin: Năm học 2022 - 2023, toàn huyện có 1 giáo viên Tin học và 7 giáo viên Tiếng Anh.

Theo ông Trung, do thiếu giáo viên ngoại ngữ, năm học vừa qua UBND huyện quyết định phân công giáo viên Tiếng Anh dạy liên cấp, liên trường, dạy tối đa số tiết và theo hình thức cuốn chiếu...; đồng thời, bố trí giáo viên đã có chứng chỉ Tin học và máy tính xách tay dạy lý thuyết bộ môn này cho học sinh lớp 3 ở tất cả các trường, điểm trường.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất với UBND huyện để có văn bản trình UBND tỉnh, Sở GD&ĐT về việc tăng cường giáo viên biệt phái cho huyện. Dự kiến, sẽ cần trên 20 giáo viên Tiếng Anh và hơn 20 giáo viên Tin học biệt phái về Bảo Lâm để thực hiện nhiệm vụ dạy học trong năm học 2023 - 2024”, ông Trung chia sẻ.

Thống kê của Sở GD&ĐT Gia Lai cho thấy, toàn tỉnh có 714 trường mầm non, phổ thông công lập với trên 392 nghìn học sinh. Tổng số giáo viên trong biên chế ở tất cả các cấp học hơn 19 nghìn người. Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Duy Định cho biết, toàn tỉnh thiếu hơn 3 nghìn giáo viên ở các cấp học; trong đó nhiều nhất là giáo viên mầm non và tiểu học.

Sở GD&ĐT đang phối hợp với Sở Nội vụ và các địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai để rà soát trường, lớp và xác định số lượng, cơ cấu giáo viên còn thiếu theo từng bậc học, môn học. Trên cơ sở đó, phân bổ chỉ tiêu biên chế cho các địa phương và tổ chức tuyển dụng theo đúng quy định pháp luật.

Ưu tiên tuyển dụng giáo viên các môn học mới để thực hiện Chương trình GDPT 2018 và giáo viên mầm non cho các cơ sở giáo dục mầm non, nhất là ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, Sở sẽ thực hiện điều tiết, biệt phái giáo viên giữa các trường nhằm hạn chế tình trạng thừa – thiếu giáo viên cục bộ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Đoàn Tấn Bửu đã ký ban hành Kế hoạch khắc phục việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ trên địa bàn; trong đó nhấn mạnh đến giải pháp biệt phái, điều động giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu.

Lãnh đạo quận Tây Hồ tặng hoa chúc mừng các giáo viên biệt phái năm học 2022 - 2023 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ảnh: ITN

Lãnh đạo quận Tây Hồ tặng hoa chúc mừng các giáo viên biệt phái năm học 2022 - 2023 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ảnh: ITN

Theo đó, hằng năm, Sở GD&ĐT, UBND huyện, thành phố xây dựng Kế hoạch năm học cho năm kế tiếp; đồng thời rà soát đội ngũ giáo viên trên địa bàn và thực hiện biệt phái, điều động giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu theo thẩm quyền.

Đối với các trường hợp biệt phái, điều động giáo viên giữa các huyện, thành phố, Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, UBND huyện, thành phố thực hiện xét chuyển công tác đối với viên chức ngành Giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao chất lượng giáo dục

Ngoài mục đích khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, nhiều địa phương tổ chức biệt phái giáo viên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và chuyên môn nghiệp vụ cho các thầy, cô giáo. Bà Bùi Thị Lan Phương - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, năm học 2022 - 2023 lần đầu tiên quận Tây Hồ tổ chức thí điểm công tác biệt phái 19 giáo viên cấp tiểu học. Thời gian biệt phái là 1 năm (từ 1/7/2022 - 1/7/2023).

Theo bà Phương, từ kết quả biệt phái giáo viên cấp tiểu học năm học 2022 - 2023, UBND quận Tây Hồ xây dựng kế hoạch về việc biệt phái giáo viên các trường học công lập trên địa bàn quận năm học 2023 - 2024 và 2024 - 2025. Theo đó, UBND quận đã ký ban hành 27 quyết định cử biệt phái 27 giáo viên giỏi, tiêu biểu của 3 cấp học trên địa bàn quận. Thời gian biệt phái 2 năm (đủ 24 tháng) từ 1/8/2023 đến 31/7/2025.

“Vì việc tổ chức biệt phái giáo viên chính là cách để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, giúp họ tu dưỡng và rèn luyện nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực sư phạm. Giáo viên nào hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chúng tôi sẽ có kế hoạch bồi dưỡng để đề bạt bổ nhiệm vào vị trí quản lý” - ông Tuấn cho hay.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Bí thư thường trực Quận ủy Tây Hồ (Hà Nội) trao đổi, thực tế có những cơ sở giáo dục giáo viên dạy tốt nhưng vẫn có đơn vị chất lượng dạy học của giáo viên chưa như mong muốn.

“Chúng tôi muốn nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn quận. Theo đó, biệt phái giáo viên từ trường này sang trường khác, từ trường tốt sang trường còn khó khăn là một trong những giải pháp để thực hiện mục tiêu” – ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo Phó Bí thư thường trực Quận ủy Tây Hồ, các giáo viên trong diện biệt phái đều hồ hởi, phấn khởi và tự tin thực thi nhiệm vụ. Hết thời gian biệt phái, giáo viên quay trở lại trường cũ.

Thầy, cô giáo nào dạy giỏi, nhất là những người đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp quận, thành phố sẽ được xem xét, tạo điều kiện để đưa vào diện quy hoạch làm công tác quản lý.

Là một trong 27 giáo viên của quận Tây Hồ (Hà Nội) được biệt phái trong năm 2023 - 2024, thầy Trần Thế Anh - giáo viên Toán, Trường THCS Nhật Tân mong muốn, từ kinh nghiệm giảng dạy, năng lực công tác của mình sẽ lan tỏa, “truyền lửa” đến môi trường được biệt phái đến (Trường THCS Quảng An).

“Tôi muốn thay đổi chính mình và mong được học hỏi, lĩnh hội những gì tốt đẹp nhất, những bài học hay, kinh nghiệm quý của các đồng nghiệp từ Trường THCS Quảng An để tiếp tục được cống hiến và mang đến những tiết học hay, hiệu quả cho học sinh” - thầy Thế Anh chia sẻ.

Năm học 2022 - 2023, cô giáo Phạm Thị Kim Nhung - Trường Tiểu học Đông Thái (Tây Hồ, Hà Nội) được biệt phái về Trường Tiểu học Xuân La (cùng địa bàn quận). Cô Nhung là một trong những giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này. Với cô, biệt phái như đi làm “sứ giả” thân thiện. “Trước lạ sau quen nên mình cởi mở, chân thành và thực sự tâm huyết với nơi được biệt phái đến thì sẽ được đối đáp chân thành cởi mở. Giáo viên như ngọn nến, luôn cháy hết mình để soi sáng cho học sinh” - cô Nhung chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.