Trải nghiệm thực tế giúp học sinh chọn nghề phù hợp

GD&TĐ - Đẩy mạnh công tác tư vấn, định hướng, cho học sinh trải nghiệm thực tế về ngành nghề là cách thức hướng nghiệp được nhiều trường THPT tại TPHCM triển khai và mang lại hiệu quả thực chất.

Hoạt động trải nghiệm "một ngày làm giáo viên" đã được Trường THPT Nguyễn Du đã triển khai 7 năm nay.
Hoạt động trải nghiệm "một ngày làm giáo viên" đã được Trường THPT Nguyễn Du đã triển khai 7 năm nay.

Học sinh trải nghiệm làm giáo viên

Hoạt động “Một ngày làm giáo viên” được Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10) tổ chức trong suốt 7 năm nay. Đây được xem là một nội dung rất quan trọng nằm trong kế hoạch giáo dục hướng nghiệp của trường. Khi tham gia hoạt động này học sinh sẽ được đổi vai, trở thành những giáo viên giảng dạy trên lớp học thực sự.

Theo chia sẻ của thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, khi đăng ký trải nghiệm “một ngày làm giáo viên” học sinh sẽ có khoảng 1 tháng để chuẩn bị. Trong khoảng thời gian này các em sẽ lựa chọn môn, bài dạy, sau đó soạn giáo án, xây dựng kế hoạch bài dạy. Tất nhiên phải có sự trợ giúp của giáo viên bộ môn để đảm bảo rằng kiến thức bài giảng đúng và phù hợp với kiến thức, mục tiêu bài dạy.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Du tham gia trải nghiệm hoạt động "một ngày làm giáo viên".

Học sinh Trường THPT Nguyễn Du tham gia trải nghiệm hoạt động "một ngày làm giáo viên".

Qua 7 năm tổ chức, số lượng học sinh đăng ký tham gia ngày càng tăng, mỗi năm các em đều có sự đầu tư, chuẩn bị kỹ càng, chuyên nghiệp hơn về giáo án, phong thái cho đến phương thức truyền đạt. Năm học 2021-2022, hoạt động này thu hút sự tham gia gần 200 học sinh ở tất cả 3 khối lớp trong trường. Từ sân chơi này, những năm qua nhiều em của trường đã mạnh dạn, tự tin hơn khi lựa chọn nghề giáo viên.

“Thực tế, so với giáo viên thì các tiết dạy của học sinh không thể chuyên nghiệp bằng. Tuy nhiên các em đã rất ý thức về công việc mình đang nhập vai bằng sự hiểu biết của bản thân đối với nghề giáo và những trải nghiệm nhìn thấy từ chính thầy cô mình, giúp các em có một tiết dạy thú vị, độc đáo và rất riêng biệt.

Qua hoạt động trải nghiệm này giúp định hướng sớm cho học sinh về sự phù hợp với ngành nghề mà bản thân muốn theo đuổi, nhất là những ngành nghề mang tính đặc thù riêng như giáo viên. Khi trải nghiệm học sinh sẽ trực tiếp quan sát, cảm nhận được sự khó khăn của nghề, các công việc như thức khuya soạn bài, quản lý lớp... Nếu đam mê theo đuổi sẽ giúp các em vượt qua và lựa chọn”, thầy Phú cho hay.

Cũng theo chia sẻ của thầy Phú, ở Trường THPT Nguyễn Du công tác hướng nghiệp được nhà trường triển khai rất mạnh mẽ. Nhà trường thường xuyên tổ chức cho học sinh đi tham quan nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn TPHCM. Ngoài ra trường còn mời các trường đại học về tư vấn. Do đó học sinh trong trường nắm rõ thông tin về các ngành nghề, trường đại học, thậm chí cả trường tư thục và quốc tế.

Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ tổ chức Ngày hội tư vấn lựa chọn môn học cho phụ huynh, học sinh.

Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ tổ chức Ngày hội tư vấn lựa chọn môn học cho phụ huynh, học sinh.

Tôn trọng lựa chọn của học sinh

Khác với những năm học trước, đối với học sinh lớp 10 năm nay, các em phải lựa chọn môn học cho định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Bởi từ năm học 2022-2023, trường THPT sẽ triển khai chương trình GDPT 2018. Việc học tập theo chương trình mới có nhiều thay đổi so với trước đây. Cụ thể có những môn học bắt buộc và tự chọn phù hợp năng lực bản thân, định hướng chọn ngành nghề. Việc này đòi hỏi học sinh ngay từ lớp 10 phải chọn tổ hợp môn học phù hợp với giáo dục nghề nghiệp ở bậc đại học.

Thầy Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Quận 4), cho biết, năm học 2022-2023 toàn trường có 762 học sinh khối lớp 10 với 16 lớp và 8 nhóm tổ hợp theo Chương trình GDPT 2018. Chương trình GDPT 2018 là chương trình mới đối với cả giáo viên và học sinh nhằm phân hóa, định hướng nghề nghiệp ngay từ cấp phổ thông.

Trước khi vào năm học 2022-2023, nhà trường đã tổ chức các buổi tư vấn, hướng nghiệp cho phụ huynh học sinh. Cụ thể, khi các em cùng phụ huynh đến đăng ký nhập học, giáo viên phụ trách sẽ phân tích, hướng dẫn để lựa chọn nhóm môn học theo định hướng khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội và phù hợp với năng lực của bản thân.

Đến khi nhập học, các giáo viên phụ trách từng lớp cũng sẽ tiếp tục tư vấn giúp học sinh hiểu sâu về thế mạnh, môn học phù hợp. Ðồng thời, học sinh còn được giải đáp những băn khoăn trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp. Từ đó, học sinh có thể đưa ra lựa chọn đúng, trúng.

Giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ tư vấn lựa chọn tổ hợp môn cho học sinh lớp 10.

Giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ tư vấn lựa chọn tổ hợp môn cho học sinh lớp 10.

Cũng theo chia sẻ của thầy Đảo trong hoạt động hướng nghiệp để học sinh trải nghiệm càng nhiều thì cơ hội tìm kiếm được ngành nghề phù hợp sẽ càng cao. Không chỉ qua các hoạt động ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp, các sân chơi trải nghiệm còn được trường khuyến khích xây dựng từ các hoạt động bộ môn.

“Hoạt động giáo dục hướng nghiệp học sinh không chỉ phụ thuộc vào các chương trình hướng nghiệp “đến hẹn lại lên”, muốn hiệu quả thì cần có sự chung tay của từng thành viên, từ lãnh đạo trường, giáo viên tư vấn tâm lý, giáo viên chủ nhiệm đến giáo viên bộ môn. Khi được trải nghiệm càng nhiều, học sinh sẽ càng nhìn rõ hơn năng lực, điểm mạnh, điểm yếu của mình để có sự soi chiếu với ngành nghề bản thân theo đuổi”, thầy Đảo cho hay.

“Thời gian tới cần có cơ chế cho các trường có yếu tố nước ngoài vào tư vấn, tuyển sinh trong nhà trường. Bởi hiện nay nhu cầu đi du học của học sinh hàng năm lớn. Tuy nhiên thực tế nhiều học sinh rất khó có những thông tin tuyển sinh ở các trường nước ngoài. Trong khi nguồn nhân lực được đào tạo từ nước ngoài cũng đóng góp rất lớn đối với sự phát triển của đất nước”, thầy Phú đề xuất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.