5 giải pháp nâng cao chất lượng hướng nghiệp

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Để nâng cao chất lượng hướng nghiệp cho thanh niên, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Quảng Bình đã đặt ra 5 giải pháp về nội dung này.

Nhiều hình thức tư vấn hướng nghiệp tại Quảng Bình.
Nhiều hình thức tư vấn hướng nghiệp tại Quảng Bình.

Một là, đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của đoàn viên thanh thiếu niên và xã hội về nghề nghiệp, việc làm. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền lồng ghép vào các hội nghị, các trang mạng xã hội và hệ thống truyền thông tại địa phương… để tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hướng nghiệp, lập nghiệp, vay vốn, giải quyết việc làm, thị trường xuất khẩu lao động trong và ngoài tỉnh.

Tổ chức các hoạt động tư vấn chọn nghề, học nghề, hướng nghiệp thông qua các hình thức như: Ngày hội việc làm, Ngày hội tư vấn, hướng nghiệp;

Hai là, nâng cao năng lực tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề và việc làm cho cán bộ Đoàn, Hội, Đội, cán bộ làm công tác tư vấn, hướng nghiệp.

Tổ chức tập huấn kỹ năng truyền thông cho đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội, Đội các cấp; Bí thư Đoàn trường, Giáo viên Tổng phụ trách, cộng tác viên, tuyên truyền viên các kỹ năng, nghiệp vụ cơ bản. Mục đích nhằm đảm bảo thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đoàn viên thanh niên trong việc tiếp cận các thông tin, chính sách của Nhà nước về hướng nghiệp, học nghề và tạo việc làm.

Phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động truyền thông, tư vấn định hướng nghề nghiệp, chọn nghề, dạy nghề, vay vốn và giải quyết việc làm cho thanh niên.

Tập trung nâng cao chất lượng cán bộ, cộng tác viên làm công tác tư vấn hướng nghiệp, dịch vụ việc làm thông qua việc thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, cán bộ tư vấn dịch vụ việc làm.

Khuyến khích, tuyển chọn nguồn lực cộng tác viên tư vấn, hướng nghiệp và dịch vụ việc làm có năng lực. Phát triển mạng thông tin việc làm, công tác thu thập, cập nhật, quản lý đối với người lao động. Phát triển cơ sở dữ liệu người tìm việc đặc biệt là trong đối tượng thanh niên, học sinh, sinh viên, việc tìm người.

Hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên nông thôn, thanh niên khuyết tật, thanh niên hoàn lương, sinh viên tốt nghiệp các trường trung cấp, cao đẳng, đại học. Phối hợp với cơ sở Đoàn trên địa bàn dân cư xây dựng các chuyên đề, tổ chức buổi nói chuyện... về nghề nghiệp, việc làm trong sinh hoạt Đoàn tại các địa phương.

Ba là, đẩy mạnh các hoạt động Tư vấn hướng nghiệp cho thanh thiếu niên.

Đối với học sinh khối lớp 8, lớp 9 trong các trường Trung học cơ sở: Mỗi cơ sở Đoàn, Đội trường học phải tham mưu cho Ban Giám hiệu nhà trường phối hợp với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp huyện, Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên mỗi tháng tổ chức được ít nhất 1 buổi tư vấn về nghề nghiệp cho học sinh. Hoạt động kết hợp thông qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt Đoàn, Đội trên lớp.

Các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên phối hợp với các trường Trung học cơ sở trên địa bàn, các doanh nghiệp, nhà trường, phụ huynh... triển khai hoạt động nhằm giúp các em học sinh và phụ huynh tiếp cận đầy đủ về thông tin các ngành nghề ở trong, ngoài tỉnh và các nước trên thế giới.

Đối với học sinh khối 12 và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp thì triển khai lồng ghép các nội dung tư vấn hướng nghiệp, định hướng chọn ngành, chọn nghề cho học sinh trong chương trình phối hợp hàng năm với ngành Giáo dục và Đào tạo. Mỗi Chi đoàn giáo viên thành lập 1 câu lạc bộ hoặc tổ tư vấn, mỗi quý tổ chức 1 diễn đàn hướng nghiệp cho học sinh trong nhà trường.

Đồng thời, mở các chuyên trang hướng nghiệp trên website, facebook của trường nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các em học sinh trao đổi, tìm hiểu về nghề nghiệp, việc làm.

Tổ chức các hoạt động tham quan, trải nghiệm nghề nghiệp trong các cơ sở đào tạo, tổ chức, doanh nghiệp thông qua các mô hình, đảm bảo mỗi trường tổ chức được ít nhất 2 hoạt động/năm.

Đồng thời, quan tâm triển khai công tác hướng nghiệp và đào tạo nghề cho đối tượng thanh niên là người dân tộc thiểu số, vùng miền núi khó khăn. Tham mưu cấp ủy, chính quyền có chính sách hỗ trợ công tác tư vấn cho các đối tượng trên, góp phần ổn định, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc.

Bốn là, thường xuyên nắm bắt nhu cầu của thanh niên trên địa bàn về việc làm, tổ chức đào tạo, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Thường xuyên cung cấp các thông tin về thị trường lao động, nhu cầu đào tạo ngành nghề trên địa bàn đối với thanh niên thông qua các buổi sinh hoạt Chi đoàn, hệ thống đài phát thanh địa phương, trang thông tin của Đoàn, Hội.

Tổ chức các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề ngắn hạn tại chỗ gắn với giải quyết việc làm. Đồng thời, phát triển các mô hình hỗ trợ giải quyết việc làm, như: cộng đồng thanh niên khởi nghiệp, tổ hợp tác thanh niên, trang trại trẻ, câu lạc bộ “Thanh niên làm kinh tế”... Tổ chức các sàn giao dịch lưu động, ngày hội tư vấn, giới thiệu việc làm tại các khu vực nông thôn.

Chú trọng việc ứng dụng các thành tựu chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tư vấn, tuyển sinh đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên, người lao động, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời nhu cầu của thanh niên hiện nay.

Năm là, phối hợp với các tổ chức liên quan tổ chức Ngày hội việc làm, Sàn giao dịch việc làm; các hoạt động tư vấn, hỗ trợ thanh niên đi xuất khẩu lao động trong đó trọng tâm là bộ đội xuất ngũ, thanh niên thực hiện xong nghĩa vụ công an.

Phối hợp với các cơ sở đào tạo, các cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức các hoạt động đào tạo nghề gắn với triển khai các mô hình giải quyết việc làm, giới thiệu việc làm đối với các đối tượng thanh niên yếu thế, thanh niên vi phạm pháp luật tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ