Trải nghiệm hạnh phúc tại lớp học

GD&TĐ - Trong xã hội công nghệ 4.0, xây dựng lớp học hạnh phúc được nhiều nhà giáo dục quan tâm. Làm sao để mỗi ngày học sinh đến trường là một ngày vui, giáo viên đến trường mỗi ngày là một niềm hạnh phúc, quan hệ thầy trò là động lực để học sinh vươn tới tri thức? Vì vậy, việc xây dựng lớp học hạnh phúc là việc làm cần thiết của cả người dạy và người học.

Cô và trò Trường THCS Đức Thương (Hoài Đức, Hà Nội)
Cô và trò Trường THCS Đức Thương (Hoài Đức, Hà Nội)

Yêu thương, tôn trọng và thấu hiểu

Nghiên cứu về hạnh phúc của học sinh trong trường học ở Việt Nam, TS Phan Thị Mai Hương, Viện Tâm lý, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam và nhóm các chuyên gia của chương trình truyền hình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” chỉ ra rằng, hạnh phúc ở trường học của mỗi học sinh chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố: Giá trị bản thân, yếu tố bạn bè, giáo viên, học tập.

Còn ThS Trần Thị Hải Yến, Khoa Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục quan niệm: “Lớp học hạnh phúc là nơi giúp giáo viên và học sinh hình thành và duy trì các trạng thái cảm xúc tích cực. Mỗi lớp học hạnh phúc sẽ tạo nên một môi trường học đường mà ai tham gia cũng cảm thấy hạnh phúc. Được tham gia vào các lớp học hạnh phúc sẽ giúp cho mỗi cá nhân thiết lập được các tình cảm lành mạnh, góp phần phát triển nhân cách tốt đẹp”.

ThS Trần Thị Hải Yến phân tích, khi tiến hành khảo sát 100 sinh viên, kết quả thu được 89 phiếu hợp lệ, trong đó, một tỉ lệ lớn ý kiến (chiếm 44,9%) quan niệm hạnh phúc là tổng hợp các giá trị: An toàn, yêu thương, tôn trọng, thấu hiểu, thể hiện bản thân, đạt được nhu cầu. Không nhiều quan điểm cho rằng hạnh phúc là các giá trị riêng lẻ. Không có ý kiến khác bày tỏ quan điểm về hạnh phúc.

Khi chia sẻ quan điểm về lớp học hạnh phúc, phần lớn (chiếm 69,7%) đồng tình rằng lớp học hạnh phúc là lớp học mà ở đó cả GV và HS đều cảm nhận được hạnh phúc và cùng chung một hạnh phúc, đều cảm thấy được an toàn, yêu thương, được tôn trọng, thấu hiểu, hài lòng và có giá trị...

Giải pháp giáo dục tích cực

Lớp học hạnh phúc thể hiện sự chia sẻ, yêu thương
Lớp học hạnh phúc thể hiện sự chia sẻ, yêu thương

Từ các nghiên cứu về hạnh phúc và hạnh phúc trong nhà trường, ThS Trần Thị Hải Yến đã đưa ra cách thức để cải thiện hạnh phúc của học sinh ở trường học: Tiến hành các cuộc khảo sát đầu năm học để tính đến điểm mạnh và những mong muốn của HS, từ đó GV có định hướng thiết kế bài học phù hợp với đặc điểm và nhu cầu của học sinh. Trên cơ sở đó, giáo viên thực hiện các hành động tích cực trong học tập.

ThS Trần Thị Hải Yến cho rằng: Giáo viên linh hoạt trong việc sử dụng các phương pháp dạy học sẽ góp phần xây dựng hạnh phúc trong lớp học. Ví dụ, thay đổi hình thức giơ tay phát biểu trong lớp bằng việc lựa chọn các viên kẹo ngẫu nhiên ứng với mỗi HSSV; Đánh giá nhanh khả năng hiểu bài của các em bằng kỹ thuật cốc đèn giao thông. Màu đỏ thể hiện chưa hiểu bài, màu xanh thể hiện đã hiểu bài, màu hổ phách thể hiện chưa chắc chắn liệu mình đã hiểu bài hay chưa.

Nếu một số bàn hiển thị cờ màu đỏ, nên tập hợp tất cả lại để giúp học cùng một lúc. Huy động sự tham gia giải quyết nhiệm vụ trong lớp học bằng kỹ thuật bảng trắng mini.

Bên cạnh đó, cần giáo dục giá trị cho người học. Ví dụ, dạy học sinh hài lòng về quá khứ, nuôi dưỡng sự biết ơn và tha thứ cho học sinh trong quá trình dạy học. Lòng biết ơn là một trong những vấn đề quan trọng có thể cải thiện hạnh phúc tổng thể của cá nhân. GV có thể hình thành và duy trì lòng biết ơn của HS bằng cách cho HS viết 5 điều họ cảm thấy có thể làm để cải thiện. Dạy các khái niệm như hạnh phúc, lòng biết ơn và sự hài lòng cuộc sống có thể được thực hiện trong trường học như các biện pháp chính để thúc đẩy cá nhân cũng như tăng tương tác tích cực giữa tất cả học sinh.

Sự thay đổi tích cực trong hành động của các thầy, cô giáo là cách để họ có thể tạo dựng nên những lớp học mà ở đó học sinh tìm thấy sự an toàn, ấm áp yêu thương. TS Phan Thị Mai Hương cho rằng: Học tập là nhiệm vụ chính của học sinh nhưng yếu tố này lại không giữ vai trò quyết định đến hạnh phúc của người học. Hạnh phúc ở trường phụ thuộc nhiều vào các yếu tố liên quan đến mối quan hệ xã hội của trẻ và vị trí của trẻ trong các mối quan hệ đó. Như vậy, thiết lập một mạng lưới quan hệ mang tính hỗ trợ, chia sẻ và đề cao giá trị người học là điều cần thiết để học sinh được trải nghiệm hạnh phúc tại trường học.

“Lớp học hạnh phúc là nơi giúp giáo viên và HSSV hình thành và duy trì các trạng thái cảm xúc tích cực. Mỗi lớp học hạnh phúc sẽ góp phần tạo nên một môi trường học đường mà ai tham gia cũng đều cảm thấy hạnh phúc. Được tham gia vào các lớp học hạnh phúc sẽ giúp mỗi cá nhân thiết lập được các tình cảm lành mạnh, góp phần phát triển nhân cách tốt đẹp” - ThS Trần Thị Hải Yến chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ