Giáo viên và áp lực tự thân
Tại Hội thảo “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” do Công đoàn Giáo dục Hà Nội, Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp tổ chức mới đây, cô Nguyễn Hiền Lương - giáo viên Trường THCS Thăng Long (Ba Đình) - đã chia sẻ những áp lực của giáo viên đến từ nội dung kiến thức, chương trình; từ kết quả thi, thành tích trong giáo dục; từ bộ phận không nhỏ phụ huynh học sinh với tâm lý giao khoán con cho giáo viên; áp lực bởi xã hội luôn đặt kì vọng cao cho giáo viên đứng lớp và ngành Giáo dục. Và cuối cùng, áp lực đến từ chính bản thân mỗi giáo viên.
Cô giáo đến từ Trường THCS Thăng Long cho rằng, giáo viên luôn muốn làm tròn các vai xã hội của mình; do đó, tự đưa mình và học sinh vào những khuôn khổ, những cái “đích” tự đặt ra mà đôi khi không phù hợp với trẻ. Giáo viên muốn học sinh như những robot hoàn thành tốt mọi điều mà mình lập trình sẵn; có như vậy mới là con ngoan, trò giỏi. Đôi khi thầy cô dồn những áp lực ấy lên học trò. Và thế là mỗi ngày đến trường với học sinh không còn là mỗi ngày vui; lớp học không còn là lớp học hạnh phúc.
Cũng tại hội thảo, cô Trần Thị Minh Ngọc - giáo viên Trường THPT Xuân Đỉnh (Hà Nội) - chia sẻ trải nghiệm của chính bản thân từ những cuộc thi giáo viên giỏi: “Tôi quan sát thấy giáo viên đi thi đều rất căng thẳng và áp lực, mặc dù Ban Giám hiệu luôn động viên, tạo điều kiện và không hề đặt áp lực về thành tích. Có giáo viên mất cả tháng trời chuẩn bị giáo án, dạy thử rất nhiều lần và đến những ngày gần thi thì mất ngủ, sụt cân, thậm chí cứ mỗi lần thi là đau dạ dày... và chỉ mong kỳ thi qua mau. Có những giáo viên vì danh hiệu giáo viên giỏi dàn dựng kịch bản, làm sẵn báo cáo và giao cho học sinh đến tiết dạy thì trình bày như một sản phẩm học sinh”.
Cô Trần Thị Minh Ngọc cũng cho rằng, thành tích chỉ là một trong vô số các áp lực tự thân của giáo viên nhưng là vấn đề cốt lõi chi phối các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ, kinh tế và cách ứng xử trong các mối quan hệ nghề nghiệp. Muốn giải phóng áp lực tự thân, giáo viên trước hết phải thay đổi quan điểm và tư duy về thành tích trong giáo dục.
Ảnh minh họa |
Hãy giải phóng bản thân
Cũng theo cô Trần Thị Minh Ngọc, mỗi giáo viên khi đứng trước các vấn đề áp lực nên tự hỏi: Mình là ai, mình muốn gì, mình đã làm gì, mình sẽ làm gì, tại sao mình làm vậy và mình phải làm như thế nào? Khi trả lời những câu hỏi đó, mỗi giáo viên sẽ tìm lại đam mê của mình, tìm được con đường để đi tới thành công mà không bị áp lực đè nặng.
Còn hành trình giải phóng áp lực, tìm lại hạnh phúc trong công việc của cô Nguyễn Hiền Lương đến từ sự khao khát được thay đổi: “Tôi đã mạnh dạn đăng kí tham gia chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” và được thầy Peck chỉ ra rằng: Khi bản thân mỗi giáo viên thay đổi thì học sinh sẽ thay đổi và nền giáo dục mới thay đổi. Bởi khi giáo viên hạnh phúc thì học sinh mới hạnh phúc và trường học trở thành trường học hạnh phúc”.
Mặc dù con đường tự giải phóng áp lực, tìm niềm vui đích thực trong nghề của các thầy cô giáo không hề đơn giản, nhưng tin rằng, với sự vào cuộc tích cực của các cấp lãnh đạo và khát khao thay đổi tự thân, mỗi giáo viên sẽ làm được, để mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui không chỉ với học sinh mà với cả những thầy cô giáo.
Nhận thức sâu sắc thế nào là “cả giận mất khôn” và cáu giận sẽ ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe; thấy mình xấu thế nào khi quát tháo học sinh; được nghe lại, nhìn lại học sinh bị tổn thương ra sao trước thái độ của mình, cô Nguyễn Hiền Lương đã biết mình sai ở đâu và cần phải làm gì để thay đổi.
Cô Lương chia sẻ: “Tôi đã biết giảm bớt áp lực cho mình và cho học sinh, hạ thấp yêu cầu đối với học sinh. Tôi tạo nhiều hoạt động để cô trò gần gũi, dành nhiều thời gian tìm hiểu hoàn cảnh, tâm lý tính cách của mỗi học sinh, suy xét mọi việc dưới nhiều góc độ. Tôi thấy mình phải cảm ơn học trò, vì chúng đem lại niềm vui cho mình.
Tôi cảm ơn học trò vì chúng đã dạy tôi về lòng vị tha. Học trò luôn yêu cô dù cô có những lúc chưa tốt. Và giáo viên cũng nên yêu cả những điểm chưa hoàn thiện ở trò. Đặc biệt, tôi biết chấp nhận sự khác biệt của học trò; không còn bắt “con cá phải leo cây”. Tôi chấp nhận con tôi không giỏi Toán vì cháu ước mơ làm đầu bếp. Tôi động viên cậu học sinh nhỏ nhất lớp tôi không học được môn nào cả nhưng lại thích lắp ghép, sửa chữa đồ đạc… Tôi không bắt chúng phải học giỏi toàn diện vì tôi biết nhân vô thập toàn. Tôi giúp chúng tìm và phát huy thế mạnh của mình”.