Điều đó cho thấy, sự tuyệt chủng là không thể tránh khỏi và Trái đất sẽ mất khoảng 10% động, thực vật vào năm 2050. Tỷ lệ này sẽ tăng lên 27% vào năm 2100.
Những phát hiện này được công bố trên tạp chí Science Advances. Tiến sĩ Giovanni Strona thuộc Trường Đại học Helsinki (Phần Lan) và Giáo sư Corey Bradshaw của Trường Đại học Flinders (Australia) đã sử dụng siêu máy tính, tạo ra mô hình Trái đất hoàn chỉnh với các loài và hơn 15.000 lưới thức ăn. Họ dự đoán các loài có khả năng sẽ biến mất do sự tàn phá của khí hậu và thay đổi trong sử dụng đất.
Kết quả cho thấy, thế giới đang trong cơn khủng hoảng của sự kiện tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6. Hai nhà khoa học cho biết, các cách tiếp cận trước đây để đánh giá quỹ đạo tuyệt chủng trong thế kỷ tới đã bị cản trở do không kết hợp những trường hợp đồng tuyệt chủng.
“Hãy nghĩ về một loài săn mồi mất đi con mồi do biến đổi khí hậu. Việc mất đi loài săn mồi là “sự tuyệt chủng sơ cấp”. Khi không có gì để ăn, kẻ săn mồi cũng sẽ bị tuyệt chủng”, Giáo sư Bradshaw cho biết.
Giải pháp của hai nhà nghiên cứu Strona và Bradshaw cho vấn đề này là xây dựng một Trái đất ảo khổng lồ gồm mạng lưới các loài liên kết với nhau. Sau đó, nhóm nghiên cứu áp dụng các thay đổi về khí hậu và sử dụng đất cho hệ thống để đưa ra dự đoán trong tương lai.
Các loài trong mô hình này cũng có thể thích nghi ở một mức độ nào đó với điều kiện thay đổi. Hoặc, chúng có thể bị tuyệt chủng do thay đổi toàn cầu hoặc, hay trở thành nạn nhân của một đợt tuyệt chủng.
Tiến sĩ Strona giải thích: “Về cơ bản, chúng tôi đã tạo ra một thế giới ảo từ đầu và lập bản đồ số phận của hàng nghìn loài trên toàn cầu. Từ đó, xác định khả năng xảy ra các điểm bùng phát tuyệt chủng trong thế giới thực. Sau đó, chúng tôi có thể đánh giá mức độ thích ứng với các kịch bản khí hậu khác nhau. Đồng thời, liên kết với các yếu tố khác để dự đoán mô hình tuyệt chủng”.
Giáo sư Bradshaw cho biết, các vụ đồng tuyệt chủng sẽ nâng tổng tỷ lệ tuyệt chủng của những loài dễ bị tổn thương nhất lên 184% vào cuối thế kỷ này.
Cũng theo Giáo sư Bradshaw, các đánh giá chung cho rằng, biến đổi khí hậu hiện là nguyên nhân chính dẫn đến sự tuyệt chủng trên toàn cầu. Tuy nhiên, phân tích mới chứng minh rõ ràng rằng, cho đến nay, chúng ta đã đánh giá thấp tác động thực sự của biến đổi khí hậu đối với sự đa dạng của sự sống trên Trái đất.
“Nếu không có những thay đổi lớn trong xã hội loài người, chúng ta sẽ mất đi phần lớn những gì duy trì sự sống trên hành tinh”, nhóm nghiên cứu cảnh báo.