Trách nhiệm, nghĩa vụ chưa chấm dứt...

GD&TĐ -Vài ngày qua, dư luận xôn xao trước việc nguyên Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Ninh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Giám đốc CDC miền Bắc tổ chức buổi tiệc linh đình chia tay trước khi về hưu...

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Sau đó, vị nguyên Giám đốc này giải thích rằng, buổi tiệc là do Câu lạc bộ Giám đốc CDC miền Bắc tổ chức họp tại Quảng Ninh để bàn kế hoạch công tác phòng chống dịch, đồng thời, kết hợp tổ chức chia tay, bàn giao nhiệm vụ chủ nhiệm cho người khác.

Đây là hoạt động thường niên của Câu lạc bộ, không liên quan đến ngân sách Nhà nước, các bộ phận tự đóng góp, tự xử lý. Đương nhiên, giải thích này là khó thuyết phục bởi lẽ thường, khi thành viên của một cơ quan nghỉ hưu, nghỉ chế độ, tùy từng nơi, tùy điều kiện sẽ có hình thức chia tay phù hợp.

Mặt khác, pháp luật của Nhà nước cũng như quy định của Đảng cũng đã nói rõ về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trong đó có đề cập về đạo đức, lối sống, tác phong, nêu gương về đức tính khiêm tốn, giản dị.

Ví dụ như Quy định số 37-QĐ/TW, thay thế Quy định số 47-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm, nghiêm cấm đảng viên tổ chức việc cưới, việc tang và các sự kiện khác của cá nhân, gia đình xa hoa, lãng phí hoặc nhằm mục đích vụ lợi…

Hay mới đây, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã ban hành hướng dẫn một số điều về phòng, chống tiêu cực đối với cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị.

Theo đó, các hành vi tiêu cực cần tập trung chỉ đạo phòng, chống đó là lợi dụng việc cưới, việc tang... để vụ lợi hoặc đem lại lợi ích riêng cho bản thân, gia đình.

Nói, viết, thực hiện không đúng chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nể nang, né tránh, ngại va chạm, im lặng, không đấu tranh hoặc phụ họa theo ý kiến, quan điểm sai trái, lệch lạc.

Bao che, giấu giếm vi phạm, khuyết điểm của bản thân, người khác hoặc của tổ chức; thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền; không chấp hành sự phân công của tổ chức, kén chọn chức danh, vị trí công tác... cũng là hành vi tiêu cực...

Cần nhắc lại rằng, trong giai đoạn 2012 - 2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168 nghìn đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng.

Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Bởi vậy, không chỉ với các cán bộ, đảng viên đương chức mà với cả cán bộ, đảng viên đã nghỉ hưu phải luôn ý thức rằng không thể chấm dứt mọi ràng buộc về quyền và nghĩa vụ với Nhà nước. Kể cả khi đã nghỉ hưu, vẫn phải sống gương mẫu, có trách nhiệm không chỉ với bản thân, với gia đình, mà còn cả với xã hội, với người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ