Quy định cho các quan thời xưa nghỉ hưu thế nào?

GD&TĐ - Các quan giữ trọng trách lớn đến đâu, khi già yếu cũng đều nghỉ hưu, xưa gọi là “trí sĩ”, đó là lẽ thường. Quy định này thời xưa như thế nào?

Các quan hành lễ trước Điện Thái Hòa dưới triều Nguyễn.
Các quan hành lễ trước Điện Thái Hòa dưới triều Nguyễn.

Theo sử sách ghi lại, việc các quan trí sĩ được nói đến từ thời Trần. Như thời vua Trần Anh Tông, có Nguyễn Tiến Ngô đã về trí sĩ rồi lại ra làm quan. Tuy nhiên, thể thức cho trăm quan trí sĩ thế nào chưa được định rõ. Có lẽ thời đó, tuổi thọ trung bình của cả nước vẫn còn thấp, nên sử chép nhiều vị quan qua đời khi tuổi mới chỉ ngoài 40, 50, lúc vẫn đang làm quan. Riêng Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn thọ ngoài 70 tuổi, nhưng những năm tuổi già, ông sống tại thái ấp riêng chứ không giữ chức vụ trong triều đình.

Theo nghiên cứu của nhà bác học Phan Huy Chú, viết trong tập “Quan chức chí”, bộ bách khoa “Lịch triều hiến chương loại chí”, thì đến thời Lê sơ, mới định hạn tuổi làm việc cho các quan, nhưng điển lệ thế nào cũng chưa khảo cứu được.

Sử sách chỉ ghi, đời Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 3 (1462), nhà vua ban chỉ truyền cho các quan văn võ đương chức, đến 65 tuổi, ai muốn về hưu thì nộp đơn cho bộ Lại, tâu lên vua để thi hành.

Hoàng giáp Phùng Khắc Khoan thời Lê – Mạc phân tranh, đi thi Hội năm 1580 khi đã 53 tuổi và làm quan rất lâu giúp các vua Lê Trung Tông, Lê Thế Tông, thi đỗ xong được thăng chức Đô cấp sự. Nhưng năm 1582, khi mới 55 tuổi, ông từ quan xin về nhà riêng, vua cũng cho. Mặc dù vậy, năm sau, nhà vua lại triệu ông ra làm Hồng lô tự khanh và đến năm 70 tuổi còn sai ông làm chánh sứ sang nhà Minh, khi về nước thăng dần lên đến chức thượng thư bộ Hộ. Ông về trí sĩ khi đã ngoài 70 tuổi.

Bùi Bỉnh Uyên, cháu Tiến sĩ Bùi Xương Trạch, là công thần phò giúp các vua Lê Trung Tông, Lê Anh Tông, Lê Thế Tông đánh nhà Mạc, được giao giữ các chức thượng thư bộ Lễ, bộ Binh khi đã ngoài 70 tuổi. Mãi đến năm 1604, khi đã 85 tuổi, triều đình mới cho ông nghỉ hưu và ít lâu sau, vua Lê Kính Tông lại vời ông làm quốc lão hầu cận.

Sang thời Lê trung hưng, các đại thần được về nghỉ việc với các hạn tuổi chưa nhất định. Như Thái phó Nguyễn Thực (1554 - 1637), Thiếu phó Nguyễn Minh Triết (1578 - 1673) đều về hưu ở tuổi 80. Sách “Nhân vật chí” cũng thuộc bộ “Lịch triều hiến chương loại chí”, khi viết về việc Nguyễn Thực về hưu năm 1634, cho rằng: “Từ thời trung hưng đến giờ, làm quan đến thượng thư rồi về hưu trí bắt đầu từ ông đầu tiên”. Quan Bồi tụng (như chức Phó Tể tướng) kiêm Binh bộ Thượng thư Nguyễn Khải cũng về hưu ở tuổi 78.

Cuối thời vua Lê, chúa Trịnh, quy định các quan đến 70 tuổi mới về hưu. Như năm Vĩnh Thịnh thứ 15 (1719), đời vua Lê Dụ Tông, triều đình định lệ rằng quan văn võ từ ngũ phẩm trở lên, đến 70 tuổi được viện lệ về hưu, còn từ lục phẩm trở xuống thì gọi là cho cáo lão.

Theo lệ này, các quan đến năm 69 tuổi, thì cuối năm phải làm tờ khải, viện lệ bày xin, giao cho các quan bàn, sau đó trình lên chúa Trịnh xem xét. Trong phần bàn bạc của các quan, thường nêu rõ viên quan này khi về hưu nên thăng cho chức gì, tước vị gì, nếu chúa đồng ý thì giao cho các nha môn sở quan thi hành.

Đến đời vua Lê Ý Tông, năm Vĩnh Hựu thứ 3 (1737), có quan Hàn lâm Thừa chỉ là Trần Ân Triêm xin về hưu khi 65 tuổi, được chúa Trịnh Giang chấp thuận. Từ năm đó, các quan mới lấy tuổi 65 làm mốc để về hưu.

Sang đến thời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng (giai đoạn 1740 - 1787), các quan đa phần muốn xin nghỉ việc sớm, nên cả hai ban văn võ dâng tờ khải lên chúa Trịnh Doanh xin 60 tuổi được về hưu.

Tờ khải này đầu tiên trình bày về lệ nghỉ hưu từ thời cổ: “Bọn chúng tôi xét trong Lễ điển, đại phu 70 tuổi thì nghỉ việc sớm… Đời xưa phong khí rất thuần, cõi đời mờ mịt chưa rõ, người sinh ra trước kỳ quan thất (20, 30 tuổi), chưa dự việc đời, sau khi lớn mạnh mới ra làm quan, già yếu thì nghỉ, cho nên 70 tuổi mới về hưu. Như thế là để điều tiết khí số của trời đất, quy định khuôn phép cho mọi người. Đại yếu là làm việc và nghỉ việc cũng chỉ lấy 30 năm làm hạn”.

Sau đó, họ lý giải việc xin nghỉ hưu ở tuổi 60: “Kể ra làm quan từ hai ba mươi tuổi đến năm sáu mươi tuổi, như thúc con ngựa hèn cố gắng gân sức, trong khoảng 30 năm chỉ sợ vấp ngã. Ngoài ra lại ham chơi quanh năm, theo hưởng lộc vị, đã không có khí lực đầy đủ như người đời xưa. Tuổi già mà ý tán loạn, cảnh thuận mà trí hôn mê, tất phải lười biếng trễ nải, như thế thì gánh vác không nổi…”.

Chúa Trịnh Doanh tuy không phê duyệt tờ khải, nhưng lại cho các quan được nghỉ hưu ở tuổi… 64! Nhưng cuối đời Cảnh Hưng, thấy các quan văn chán ghét sự lui tới, nên chúa Trịnh Sâm lại ra lệnh trở lại lệ cũ, bắt các quan phải 70 tuổi mới được nghỉ việc. Phải đến khi Trịnh Khải lên nối ngôi chúa (1782), Tham tụng Bùi Huy Bích dâng tờ khải xin trở lại việc cho các quan 65 tuổi được nghỉ việc và được chúa đồng ý. Quy định này được áp dụng cả sang thời nhà Nguyễn.

Tuy nhiên cũng có những ngoại lệ, như vào thời Nguyễn, cụ Đoàn Tử Quang thi đỗ cử nhân năm 1900 khi đã 82 tuổi. Dù ở tuổi này, đa số các quan đều đã nghỉ hưu lâu, nhưng vua Thành Thái vẫn bổ nhiệm cụ giữ chức huấn đạo hai huyện Hương Sơn và Can Lộc (Hà Tĩnh). Được 3 năm, năm 1903, cụ xin cáo quan về phụng dưỡng mẹ già, lúc đó cũng khoảng tầm 100 tuổi. Cụ Quang cũng sống thọ tới 110 tuổi, là một trong những bậc khoa bảng sống thọ nhất trong lịch sử nước ta.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ.

'Không có chuyện S-400 đến Kiev'

GD&TĐ - Theo Forbes, cả Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đều vừa tái khẳng định, không có chuyện họ gửi những hệ thống phòng thủ S-300 và S-400 cho Ukraine.
Minh họa/INT

Đạo đức của cầu thủ

GD&TĐ - Ngày 9/5, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) ra thông báo về việc cấm thi đấu đối với 5 cầu thủ Hà Tĩnh vừa liên quan đến việc sử dụng ma túy hôm 4/5.