Thông tin tiếp vụ giáo viên không dạy vẫn hưởng nguyên lương ở Hà Nội:

Trách nhiệm của nhà trường đến đâu?

GD&TĐ - Một giáo viên không lên lớp, không hoàn thành số tiết dạy theo quy định vẫn được hưởng nguyên lương.

Trách nhiệm của nhà trường đến đâu?

Vấn đề là trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường trong vụ việc này sẽ được xử lý thế nào?

Không lên lớp vẫn được hưởng lương

Như Báo GD&TĐ đã thông tin trong bài viết trước đó, ông Đ.Q.T. (SN 1975) giáo viên biên chế giảng dạy môn Tiếng Anh công tác tại Trường THCS Bùi Quang Mại (xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội) bị phản ánh nhiều năm không tham gia giảng dạy nhưng vẫn được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, từ đó được hưởng nguyên lương, tăng lương.

Ông T. được biên chế chính thức vào Trường THCS Bùi Quang Mại từ năm 1999. Nhưng đến năm 2004, ông T. gần như không tới trường cũng không tham gia vào việc giảng dạy trên lớp.

Việc giảng dạy môn Tiếng Anh tại những lớp ông T. phụ trách phải do một người khác là bà Huyền T. đảm nhiệm dù bà Huyền T. không phải giáo viên biên chế tại trường. Điều này dẫn đến hệ quả là Trường THCS Bùi Quang Mại vừa phải trả lương cho ông T. và trả công dạy cho bà Huyền T.

Mặc dù không lên lớp nhưng hàng tháng, hàng năm, ông T. vẫn được xếp loại thi đua hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ông T. cũng được hưởng tất cả các khoản thưởng, ưu đãi chính sách của nhà trường, công đoàn, ngành Giáo dục... Ngoài ra, việc xét tăng lương, nâng ngạch bậc hay đề xuất thưởng của ông T. vẫn được đều đặn diễn ra.

Ông Nguyễn Khả Đống, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Bùi Quang Mại, cho biết, việc ông T. không giảng dạy nhiều năm tại trường là không chính xác. Khoảng 5 năm trở lại đây, ông T. có đến lớp dạy nhưng không thường xuyên do phải điều trị căn bệnh động kinh toàn thân cơ lớn.

Phó Hiệu trưởng Trường THCS Bùi Quang Mại cũng cho hay, trong thời gian này, ông T. được xếp dạy ít tiết đi và chuyển sang làm một số công việc khác. Trên tinh thần nhân văn, nhà trường đã xếp loại thi đua cho ông T. ở mức hoàn thành nhiệm vụ.

Bảng thanh toán tiền lương tháng 12/2019 thể hiện ông Đ.Q.T. được tăng lương.

Bảng thanh toán tiền lương tháng 12/2019 thể hiện ông Đ.Q.T. được tăng lương.

Lãnh đạo trường thông tin gian dối

“Ông T. làm giáo viên tại một trường THCS công lập, thuộc biên chế trả lương của cơ sở giáo dục công lập dù không trực tiếp giảng dạy mà ông T. tham gia trợ giảng 6 tiết Tiếng Anh và phụ trách một số công việc của phòng thư viện, lấy sĩ số hàng ngày để bù giờ chuẩn định mức thì vẫn thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp ưu đãi. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 168 Bộ luật Lao động 2019 thì việc ông T. nghỉ ốm (được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội) thì không được hưởng lương của những ngày nghỉ ốm đó mà được hưởng chế độ đau ốm của bảo hiểm xã hội”, luật sư Hoàng Tùng (Trưởng Văn phòng Luật Trung Hòa) phân tích.

Tuy nhiên, theo tài liệu mà Báo GD&TĐ có được, trong “danh sách đánh giá, xếp loại viên chức, lao động hợp đồng năm học 2019 - 2020” và “kết quả đánh giá, xếp loại công chức, viên chức cơ sở GD&ĐT năm học 2020 - 2021” cùng do ông Nguyễn Đình Sơn (Hiệu trưởng cũ của Trường THCS Bùi Quang Mại) ký, ông T. được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ (không phải là hoàn thành nhiệm vụ như lãnh đạo trường thông tin).

Cá biệt hơn, năm học 2021 - 2022 là năm học mà Phó Hiệu trưởng Trường THCS Bùi Quang Mại Nguyễn Khả Đống thông tin ông T. không lên lớp nhiều nhất thì trong “danh sách xếp loại thi đua cán bộ giáo viên nhân viên học kỳ II và năm học 2021 - 2022”, ông T. được xếp hoàn thành tốt nhiệm vụ và đạt danh hiệu Lao động tiên tiến trong năm học đó. Đáng chú ý hơn, trong danh sách tăng lương tháng 12/2022 của Trường THCS Bùi Quang Mại tiếp tục có tên ông T.

Ngày 3/12/2022, khi nhiều giáo viên ý kiến về việc ông T. nghỉ ở nhà mà vẫn được hưởng nguyên lương thì Hiệu trưởng đương nhiệm của Trường THCS Bùi Quang Mại là ông Trần Văn Mười mới phát đi thông báo yêu cầu ông T. ra trường làm việc với nhiệm vụ tham gia trợ giảng, phụ giúp phòng thư viện và lấy sĩ số hàng ngày.

Trong khi đó, những công việc này được ông Nguyễn Khả Đống, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Bùi Quang Mại thông tin rằng đã giao cho ông T. từ thời điểm tháng 8/2022 dựa trên hồ sơ bệnh án của ông T. Phải chăng, khi bị phản ánh, lãnh đạo nhà trường mới phân công công việc cho ông T. còn trước đó thầy giáo này vẫn nghỉ ở nhà mà không đến trường công tác?

Khi được đề nghị cung cấp những tài liệu chứng minh việc ông T. có tham gia giảng dạy tại trường trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây (sổ ghi đầu bài, lịch báo giảng, sổ điểm cá nhân, học bạ học sinh, sổ sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn và bảng lương… - những tài liệu buộc phải sao lưu tại trường), ông Nguyễn Khả Đống cho biết những tài liệu này hiện nhà trường vẫn đang lưu và sẽ cung cấp sau 1 - 2 ngày. Nhưng sau đó, vị lãnh đạo trường này viện lý do và không cung cấp tài liệu.

Trong khi đó, thông tin từ ông Trần Văn Mười xác nhận theo báo cáo của nhà trường, có năm ông T. không đứng lớp giờ nào. Liên quan đến sự việc, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với bà Dương Thị Sáu (Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đông Anh) nhưng vị này chỉ cho biết ngắn gọn rằng “đang vào cuộc làm rõ sự việc”.

Tại cuộc họp giữa Phòng GD&ĐT huyện Đông Anh và Trường THCS Bùi Quang Mại với sự chủ trì của bà Chử Thị Hồng Yến (Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đông Anh) bàn về vụ việc, kết luận cũng chỉ đơn thuần đưa ra việc tạo điều kiện để ông T. nghỉ chế độ. Trong khi đó, trách nhiệm của lãnh đạo Trường THCS Bùi Quang Mại và của chính Phòng GD&ĐT huyện Đông Anh lại không được đề cập đến.

Phản ánh tới Báo GD&TĐ, nhiều phụ huynh và giáo viên đang công tác tại Trường THCS Bùi Quang Mại cho rằng trong vụ việc trên gây thất thoát số tiền lớn của ngân sách Nhà nước và đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo Trường THCS Bùi Quang Mại cũng như của Phòng GD&ĐT huyện Đông Anh.

Trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, đang tiến hành điều tra toàn bộ sự việc để có phương án xử lý nghiêm các cá nhân có liên quan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ