Qua đó, trình độ dân trí ở vùng dân tộc được nâng cao, bản sắc văn hóa được giữ gìn, phát huy.
Chăm giáo dục, nâng dân trí
Tỉnh Trà Vinh có tỷ lệ đồng bào Khmer cao nhất nước, chiếm 31,5% dân số toàn tỉnh, với hơn 320 nghìn người. Sự quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế rộng khắp, tạo điều kiện để đồng bào yên tâm lao động, học tập. Kinh tế - xã hội vùng đồng bào Khmer ở tỉnh Trà Vinh phát triển ngày càng rõ rệt.
Đến nay, mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học ở các trường của Trà Vinh được tăng cường đầu tư xây dựng. Số phòng học được kiên cố hóa chiếm tỷ lệ 85,68% (trên 6.500 phòng). 100% các xã trong vùng có đông đồng bào dân tộc có trường mẫu giáo. Toàn tỉnh hiện có 8 trường dân tộc nội trú và 1 trường Trung cấp Pa-li. Theo Sở GD&ĐT Trà Vinh, việc dạy và học chữ Khmer được duy trì và phát triển, toàn tỉnh hiện có hơn 120 điểm trường dạy học chữ Khmer, với hơn 18.500 học sinh. Có 134/143 chùa tổ chức dạy học chữ Khmer dịp hè, với trên 16 nghìn học sinh theo học.
Các chế độ chính sách, ưu đãi được triển khai đã hỗ trợ đồng bào Khmer. Đặc biệt, Nghị định số 116/2016 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Trong hơn 5 năm qua, các địa phương trong tỉnh đã hỗ trợ gạo cho học sinh thuộc 40 trường tiểu học, THCS và THPT. Tỉnh phân công công tác cho gần 100 sinh viên dân tộc đào tạo theo chế độ cử tuyển.
Bên cạnh đó, hàng năm tỉnh đều hỗ trợ kinh phí để bồi dưỡng cho giáo viên dạy chữ Khmer ở các điểm chùa trong các dịp hè… “Bà con vùng đồng bào dân tộc rất vui và yên tâm vì con em được chăm lo việc học. Chế độ, chính sách đã giúp nhiều em học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Như gia đình tôi là hộ nghèo, có 2 đứa con đi học. Nhờ được hỗ trợ miễn giảm học phí, giúp đỡ tập sách nên đỡ gánh nặng”, chị Kim Mỹ Hoa, ngụ xã Hàm Giang, huyện Trà Cú (Trà Vinh) cho biết.
Gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa
Do tính chất đặc thù vùng đồng bào Khmer, Trường ĐH Trà Vinh đã thành lập Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ để đào tạo có tính trọng điểm quốc gia về lĩnh vực này. Theo PGS.TS Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh: Đóng ở tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống, nhà trường được Thủ tướng Chính phủ và Bộ GD&ĐT giao thực hiện nhiệm vụ trọng điểm quốc gia đào tạo nguồn nhân lực về Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ. Đặc biệt, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật Khmer Nam Bộ được nhà trường quan tâm và triển khai nhiều giải pháp.
Góp phần gìn giữ văn hóa dân tộc Khmer, đặc biệt là âm nhạc dân tộc, Trường ĐH Trà Vinh đã có nhiều khảo sát, công trình nghiên cứu trọng điểm. Đến nay, Trường ĐH Trà Vinh là một trong những đơn vị hiếm hoi ở ĐBSCL nghiên cứu, khảo sát thực tế, tổ chức hội thảo, thực hiện đề tài… nhằm tìm giải pháp bảo tồn âm nhạc Khmer Nam Bộ.
Theo đó, nhà trường đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều hội thảo về âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ có sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sĩ, lãnh đạo các đoàn nghệ thuật, lãnh đạo ngành văn hóa, các viện trường… Từ năm 2008 đến nay, Trường ĐH Trà Vinh tổ chức nhiều cuộc điều tra, khảo sát, sưu tầm thực địa các địa phương ở Nam Bộ, Campuchia… Nhằm rút ra những kinh nghiệm thực tiễn có thể áp dụng theo từng điều kiện ở các tỉnh ĐBSCL một cách phù hợp.
Trao đổi về giải pháp bảo tồn âm nhạc Khmer Nam Bộ, theo PGS.TS Phạm Tiết Khánh, trên cơ sở xác định đúng các hạn chế cũng như bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn trong và ngoài nước. Nhằm đưa ra giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ phù hợp nhất trong điều kiện hiện nay. Ngoài ra, cần đánh giá nghiêm túc, khách quan các đặc trưng, giá trị âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ dựa trên các cơ sở khoa học.
Đây là tiền đề để thời gian tới, có cách ứng xử phù hợp với các giá trị âm nhạc truyền thống Khmer Nam Bộ cũng như các giá trị âm nhạc mới hình thành, các hiện tượng mới xuất hiện; Là cơ sở để thiết lập một hệ giá trị âm nhạc, vừa tương thích với hệ giá trị âm nhạc chung của nhân loại, của Việt Nam, vừa đáp ứng đòi hỏi thực tiễn lịch sử âm nhạc truyền thống. Qua đó giúp âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ tìm được tiếng nói chung, ngôn ngữ chung để hội nhập và phát triển…