Giáo dục dân tộc tại Đắk Lắk: Bộn bề thách thức

GD&TĐ - Tỉnh Đắk Lắk là nơi có 47 dân tộc anh em cùng chung sống với nền văn hóa đa dạng, đặc sắc. Tỉ lệ HS DTTS chiếm 35,44% trên tổng số HS toàn tỉnh. Ngành GD-ĐT Đắk Lắk luôn coi việc quan tâm và nâng cao chất lượng GD dân tộc như trọng trách để phát triển chất lượng GD chung toàn tỉnh.

Học sinh DTTS chiếm 35,44% trên tổng số học sinh toàn tỉnh
Học sinh DTTS chiếm 35,44% trên tổng số học sinh toàn tỉnh

Nhìn đâu cũng khó

Bà Thái Thị Mỹ Bình - Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết: Chiếm hơn 30% trong tổng dân số của toàn tỉnh, con em đồng bào DTTS Đắk Lắk sống trải đều từ nông thôn đến thành thị. Vì vậy, các trường học trong toàn tỉnh đều có HS DTTS theo học. Nói tới GD dân tộc Đắk Lắk là nói tới nhiều khó khăn thách thức.

Trước hết, với đặc điểm chung của HS DTTS là vốn tiếng Việt và môi trường giao tiếp hạn hẹp, đặc biệt cách phát âm. Ở nhà, đa số phụ huynh thường giao tiếp với con em bằng tiếng mẹ đẻ, vì vậy kĩ năng sử dụng tiếng Việt của trẻ thường phát triển chậm. Rào cản ngôn ngữ khiến một bộ phận không ít HS nhút nhát, ngại giao tiếp. Đây cũng được xem như nguyên nhân chính khiến HS không thích học môn tiếng Việt.

Xét về cơ sở vật chất, mặc dù đã có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua ban hành nhiều chính sách đối với giáo dục dân tộc, tuy nhiên, vẫn chưa thể giải quyết được hết những khó khăn. Hiện nay ở Đắk Lắk, mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học vùng DTTS chưa đáp ứng yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng GD, đặc biệt là ở một số trường chuyên biệt vùng DTTS. Còn thiếu nhiều phòng học cho trẻ mầm non, thiếu nhà ở bán trú, bếp ăn, công trình vệ sinh và các điều kiện sinh hoạt, học tập cho HS.

Kỳ thi HSG cấp quốc gia năm học vừa qua Đắk Lắk có 2 học sinh DTTS đạt giải, trong đó 1 giải Nhì và 1 giải Ba môn Sinh học. Cuộc thi sáng tạo KHKT cho HS trung học quốc gia có 2 HS DTTS đạt giải Nhì… Việc nâng cao chất lượng cho HS DTTS cũng như triển khai thực hiện chế độ chính sách đối với HS dân tộc được ngành GD-ĐT, các cấp chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. 

Yêu cầu về hiện đại hóa cơ sở vật chất, trường học, phòng học cần được xây dựng thêm vì phòng cấp 4 xuống cấp còn nhiều, cơ sở vật chất, thiết bị cho GD mầm non, phòng học bộ môn cho các cấp học còn hạn chế. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia còn thấp, nguồn kinh phí xây dựng trường đạt chuẩn đầu tư từ ngân sách thấp. Công tác xã hội hóa GD chưa như mong muốn, do đời sống nhân dân đa phần còn khó khăn.

Mặt khác, cơ sở vật chất trường học, đội ngũ giáo viên vùng có di dân tự do, các huyện biên giới còn nhiều khó khăn, thách thức. Việc ứng dụng CNTT vào trong công tác giảng dạy và quản lý GD-ĐT cần được tăng cường… Phòng thí nghiệm, thực hành, bộ môn còn thiếu.

Quy mô các trường PTDTNT cấp THCS của tỉnh còn nhỏ. Chế độ hỗ trợ học sinh và nhà trường hàng năm đều được bố trí nhưng chưa bảo đảm định mức theo quy định. Đến nay vẫn chưa triển khai xây dựng Trường PTDTNT THPT Đam San mặc dù các thủ tục xây dựng đã được lập.

Đặc biệt, khoảng cách giữa tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi và nhập học thô của HS cao, cần giảm sự chênh lệch về chất lượng GD giữa nơi thuận lợi và nơi khó khăn trong tỉnh. Trình độ tiếp thu của HS không đều, điều kiện phục vụ dạy học đáp ứng phân luồng HS sau THCS còn hạn chế.

Đội ngũ giáo viên làm công tác dạy nghề còn thiếu, chủ yếu kiêm nhiệm, cơ sở vật chất dạy nghề còn lạc hậu, thiếu đồng bộ, chủ yếu là các nghề đơn giản chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế hiện nay...

Có thể nói, với yêu cầu phát triển GD-ĐT ngày càng cao trong khi ngân sách chi cho GD - ĐT lại thấp, các điều kiện để thực hiện GD-ĐT còn chưa đủ và chưa đồng bộ.

Tìm lời giải cho chất lượng GD-ĐT

Bà Nay H Ban - Trưởng ban Nghiên cứu GD HS dân tộc (Sở GD-ĐT Đắk Lắk) cho biết, tỉnh Đắk Lắk đang triển khai chiến lược công tác GD dân tộc đến năm 2020. Trong đó một số nhiệm vụ giải pháp phát triển GD dân tộc đã được đề ra và thực hiện trong toàn ngành. Đó là quán triệt sâu rộng các quan điểm, mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT trong hệ thống chính trị và toàn xã hội… Cán bộ quản lý, giáo viên trong các cơ sở GD là người đi đầu đổi mới… về việc tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ công tác GD dân tộc.

Đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản giữa GD-ĐT theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; Quan tâm đến quy hoạch, sắp xếp mạng lưới, quy mô trường lớp ở vùng DTTS vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, ngành GD-ĐT tiếp tục tham mưu về chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên và HS.

Tiến hành phát triển đội ngũ quản lý, giáo viên DTTS. Rà soát đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên người DTTS ở vùng dân tộc. Từ đó thấy được ưu điểm, hạn chế và bất cập của đội ngũ quản lý, giáo viên người DTTS ở vùng DTTS. Trên cơ sở đó xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên người DTTS ở vùng DTTS đảm bảo về số lượng, nâng cao chất lượng, có bản lĩnh chính trị, kiến thức, kĩ năng…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ