Trà quán độc đáo
Trà quán ông đồ do chủ nhân Thạc sĩ Văn hóa học Nguyễn Hiếu Tín - Trưởng bộ môn ngành Du lịch, Trường Đại học Tôn Đức Thắng tạo dựng. Nét độc đáo của trà quán là ở chỗ phục vụ miễn phí, chỉ mở cửa khi có khách hẹn trước, quán không có nhân viên.
Trà quán Ông Đồ đã đi vào hoạt động từ năm 2009 đến nay. Khách đến thưởng trà sẽ có cảm giác như lạc giữa miền ký ức đậm đà nền văn hóa truyền thống, cùng nhâm nhi tách trà thơm, lắng nghe những giai điệu du dương qua các bản nhạc thiền hòa mà chủ quán tinh tế mở.
Trà quán mở ra với không phải nhằm mục đích kinh doanh mà với tiêu chí “chia sẻ đam mê, kết nối bằng hữu”. Theo anh Tín, quán mở ra với mong muốn giúp cho những người thích trà có không gian mang đậm văn hóa Việt để thưởng thức. Trà quán có hơn 25 loại trà, trà Tây Bắc và trà Ô Long là hai dòng trà được chủ quán ưa chuộng nhất khi pha tiếp đãi khách.
Khách đến với quán như một nhân duyên, cùng yêu thích thư pháp và nếu thích sẽ thường xuyên lui tới, dần dần sẽ trở thành một nhóm bạn. Quán không quảng bá quá nhiều về hình ảnh, mà đa phần khách lui tới biết đến bởi một kênh thông tin đó là truyền miệng giữa những người quen giới thiệu, chia sẻ với nhau.
Khách đến đây phần đông ngoài thưởng lãm các hiện vật đậm chất văn hóa dân gian còn để ngắm nhìn những nét chữ thư pháp bay bổng của Thạc sĩ Tín. Anh có một niềm đam mê bất tận với thư pháp, là người đầu tiên làm luận văn Thạc sĩ về thư pháp Việt. Anh cũng là chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp đầu tiên tại Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM một thời gian và đã đề xuất dự án mở Phố ông đồ vào dịp Tết Nguyên đán. May mắn là đến nay nét đẹp văn hóa này vẫn được lưu giữ, trở thành một điểm hẹn văn hóa vào mỗi độ xuân.
Bộ sưu tập tem đồ sộ
Hơn 20 năm miệt mài, bền bỉ sưu tầm, đến nay ông đồ Nguyễn Hiếu Tín đã sở hữu một “kho tàng” vô giá. Hiện tại ở Trà quán Ông Đồ lưu giữ 4 bộ sưu tập đồ sộ về tem thư, gỗ, gốm và sách. Tất cả đều được sưu tập theo chuyên đề.
Trong không gian nhà khá rộng, mỗi vật phẩm đặt ở đâu là cả một dụng ý và là một câu chuyện. Mỗi bộ sưu tập đều được trưng bày thành nhiều gian, từ phòng khách, đến từng bậc cầu thang, trên ban công, trong từng ngách nhỏ trên mỗi vách tường.
Tùy theo chất liệu của từng món đồ mà cách bảo quản cũng sẽ khác nhau. Đối với gốm thì thường xuyên lau chùi để giữ độ bóng, sáng, tuyệt đối không để va chạm vì đây là đồ dễ vỡ. Bảo quản tem trong điều kiện khí hậu nóng ẩm là cả một vấn đề, vì có thể lớp keo phía sau mỗi con tem sẽ dính vào quyển album thì tem sẽ bị hư.
Từng sở hữu 5 giải Nhất triển lãm Tem trẻ toàn thành (2000 - 2004); Giải Danh dự triển lãm Tem bưu chính Đồng bằng sông Cửu Long (2002); Huy chương Vàng triển lãm Tem bưu chính Tuổi trẻ Việt Nam (2006); Huy chương Đồng triển lãm Tem quốc tế (Bangkok - Thailand 2007), ông đồ Tín có hơn 10.000 con tem trong bộ sưu tập, trong đó bộ đoạt giải cao nhất là Huy chương Đồng thế giới với bộ “Bàn tay kiệt tác của thế giới”. Bằng tất cả kinh nghiệm được rút ra qua nhiều năm sưu tập, kết hợp với vốn kiến thức về văn hóa học, anh còn có nhiều bài báo về tem, những quyển sách đã được xuất bản đã đem lại cho bạn đọc nhiều thông tin đa dạng, hiểu sâu về bản chất và giá trị nghệ thuật của tem.
Bảo tàng thu nhỏ
Bộ sưu tầm gốm của của Thạc sĩ Tín tại bảo tàng thu nhỏ cũng thật độc đáo. Anh cho biết mình sưu tầm chuyên về dòng gốm Nam Bộ - gốm Biên Hòa, kết hợp giữa những món đồ xưa và hiện đại. “Gốm Biên Hòa mang nét bình dân và điều đặc sắc của dòng gốm này là những họa tiết được khắc vạch tỉ mỉ trên mặt gốm chứ không vẽ tay hoặc chỉ nung như các dòng gốm khác. Cái công của một người thợ làm gốm Biên Hòa có lẽ gấp nhiều lần việc vẽ bình thường trên gốm rồi đi nung” - Thạc sĩ Tín chia sẻ.
Hiện nay, tại “bảo tàng” thu nhỏ của ông đồ Tín lưu giữ hơn 10.000 tem thư, hơn 500 bình gốm xưa, khoảng 4.000 quyển sách, những vật phẩm về gỗ trên 100 món, hơn 300 ấm trà. Đặc biệt bộ sưu tập ông địa có hơn 100 sản phẩm. Tất cả đều mang một giá trị văn hóa riêng và nhuốm màu thời gian.