Thiền môn nghìn tuổi
Chùa Trà Phương hay còn gọi là chùa Bà Đanh, tên chữ Thiên Phúc tự là một ngôi chùa có lịch sử hàng nghìn năm tại làng Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng.
Năm 2007, chùa được Nhà nước công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Với những giá trị về văn hóa, kiến trúc, lịch sử, chùa Trà Phương là một điểm đến hấp dẫn với du khách.
Theo UBND xã Thụy Hương, chùa Trà Phương được xây dựng từ thời Lý, khoảng đầu thế kỷ XI (1010 - 1020) và được trùng tu tôn tạo vào thế kỷ XVI đời nhà Mạc.
Tích xưa ghi lại, vào thời Lý, ngôi chùa được xây dựng trên một gò đất cao có nhiều cây cối, xa xóm làng nên được gọi là Bà Đanh tự, cách núi Chè gần 1km về phía Đông. Theo truyền ngôn của người dân địa phương, thuở hàn vi, Mạc Đăng Dung trong một lần bị truy sát đã trốn trong chùa Bà Đanh mà thoát nạn. Sau này dựng nghiệp, để nhớ ơn cũ, Mạc Đăng Dung xuống chiếu trùng tu, mở rộng chùa và đổi tên thành Thiên Phúc tự.
Theo văn bia “Tu tạo Bà Đanh tự” (khắc năm 1562) tại chùa, người đứng chủ hưng công lại chùa Bà Đanh là Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, cùng với 25 thân vương, công chúa, quận công và dân làng Trà Phương đóng góp xây dựng lại chùa. Văn bia đã ghi rõ đây là đợt trùng tu rất quy mô, khiến cho ngôi chùa Trà Phương thành trung tâm Phật giáo lớn vùng Duyên hải.
Được ví như danh lam thắng cảnh thời bấy giờ nên chùa Trà Phương từng được quốc sư về thuyết pháp, giảng kinh. Sau khi nhà Mạc thất bại, quan quân Lê - Trịnh đã san bằng vùng đất Dương Kinh, tàn phá nặng nề nhiều công trình kiến trúc mang dấu ấn triều đại trước, trong đó có chùa Trà Phương đã trở thành phế tích. Đến thời nhà Nguyễn, chùa Trà Phương được trùng tu lại nên hiện nay mang đậm nét kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn.
Chùa Trà Phương có mặt chính quay về hướng Tây Nam, với các công trình kiến trúc như tòa thờ Phật, tòa thờ các vị tổ sư, nhà khách, nhà bia, sân vườn và kiến trúc cổng chùa. Tòa điện Phật trước đây có kiến trúc kiểu chữ Đinh với 5 gian bái đường, ba gian chuôi vồ; nhưng hiện nay chỉ còn lại ba gian bái đường, ba gian chuôi vồ.
Trong chùa cũng lưu giữ nhiều hiện vật mang phong cách nghệ thuật nhà Mạc như tượng vua Mạc Đăng Dung, tượng Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, đôi sấu đá và các bia ký.
Chính điện là nơi thờ Phật, tiền đường thờ vua Mạc Đăng Dung và Hoàng hậu Vũ Thị Ngọc Toàn. Bên ngoài là cổng Nhất môn với hai tầng má, nhà bia với đầm sen rộng tượng trưng cho đức hạnh, lối sống của người tu hành.
Hai bên thành bậc của nhà bia là đôi sấu đá được tạo dáng theo lối tượng tròn, một trong những sản phẩm nghệ thuật tiêu biểu của văn hóa Mạc thế kỷ XVI còn lại hiện nay ở Hải Phòng.
Trong chùa hiện có 5 bệ tượng Phật, trong đó, 3 bệ tượng đặt tượng Tam thế và hai bệ đặt tượng A di đà. Cụ Nguyễn Văn Lý (80 tuổi) cho hay, qua nghiên cứu các tài liệu sử học cho thấy, các pho tượng này có từ đời nhà Mạc. Vẻ đẹp của các pho tượng thể hiện tài năng sáng tạo tuyệt vời của những người thợ thủ công thời đó. Cụ Lý chia sẻ, vết tích cổ nhất trong ngôi chùa Trà Phương là chân cột bằng đá tảng xanh, được chạm khắc hoa sen rất tinh xảo thể hiện rõ phong cách nghệ thuật kiến trúc tôn giáo thời Lý.
Nơi lưu giữ bảo vật quốc gia
Mảnh đất Trà Phương cũng đã ghi dấu ấn về những mốc son trong lịch sử của cha ông để lại. Nơi đây ghi chiến công của 17 cán bộ chiến sĩ Công an xung phong trong trận càn của giặc Pháp vào cuối năm 1947. Trà Phương cũng đã chứng kiến đội dân quân tự vệ trên núi Chè bắn rơi máy bay AD6 của Mỹ trong kháng chiến chống Mỹ, ghi dấu ấn trong dòng chảy lịch sử hào hùng của người dân Hải Phòng kiên trung, bất khuất.
Trải qua hàng nghìn năm với những biến cố, thăng trầm lịch sử, chùa Trà Phương còn lưu giữ nhiều di vật mang phong cách nghệ thuật thời Lý và thời Mạc. Niềm tự hào của người dân làng Trà nói riêng, người dân Hải Phòng nói chung khi pho tượng vua Mạc Đăng Dung và phù điêu Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là bảo vật quốc gia ngày 31/12/2020.
Theo thông tin từ Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung được làm từ đá vôi, có chiều cao 63cm, ngang 37cm. Tượng có khuôn mặt bầu trái xoan, mặc áo bào, đội mũ trụ đứng, đỉnh bằng thể hiện sự uy quyền. Trên áo có chạm hình rồng trong thế cuộn tròn, mang đặc trưng rồng thời Mạc.
Phù điêu Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn (là người làng Trà Phương và là chính thất của Thái tổ Mạc Đăng Dung) được làm từ chất liệu đá vôi, tượng có chiều cao 56cm, vai ngang 23cm. Tượng được tạc hõm sâu vào đá nguyên khối. Phía ngoài phiến đá tạo tác kiểu văn bia, chạm khắc biểu tượng bông sen 16 cánh đơn…
Ngôi làng Trà Phương gắn liền với Vương triều nhà Mạc giai đoạn 1527 –1593. Bao thế hệ người làng nơi đây luôn tự hào về vị Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn - người con gái Trà Phương đẹp người đẹp nết đã trở thành vợ vua Mạc Đăng Dung.
Đến nay, lịch sử vẫn lưu truyền về Hoàng hậu Vũ Thị Ngọc Toàn không chỉ nổi tiếng về nhan sắc, mà còn cả về đức độ. Bà là một nhân vật đặc biệt trong suốt 65 năm trị vì của nhà Mạc ở Thăng Long.
Với quê hương, bà truyền cho dân lễ minh thệ, để chống trộm cắp, tham nhũng; giúp dân làng Trà Phương mở mang đất đai, sinh cơ, lập nghiệp. Vì thế, người dân địa phương đến ngày nay vẫn còn truyền tụng câu ca “Cổ Trai Đế vương - Trà Phương Công chúa” để nói về công ơn của đức vua và hoàng hậu nhà Mạc…