Chùa cổ nghìn năm và chuyện kỳ lạ về tượng đất hóa vàng

Chùa cổ nghìn năm và chuyện kỳ lạ về tượng đất hóa vàng

Tượng đất hóa vàng

Ni sư Thích Nữ Huệ Hạnh – Trụ trì chùa Sùng Bảo cho biết về truyền thuyết nổi tiếng Phố Hiến liên quan đến bức tượng vàng huyền bí như sau: Ngày xưa, các mục đồng ở Xuân Dục thường dùng đất ở bãi chăn thả trâu để nhào nặn thành các pho tượng. Mục đồng còn dùng lá chuối khô hoặc rơm rạ dựng thành những túp lều nhỏ để chơi đồ hàng.

Vào một đêm mưa gió bất chợt, sấm sét vang rền trời, cả một vùng đất rộng lớn đều kinh hãi. Hôm sau, khi trời quang đãng, người dân lại dắt trâu bò ra bãi phát hiện pho tượng nặn bằng đất của các mục đồng đã hóa thành tượng vàng ròng.

Thấy sự lạ, người dân đã thỉnh mời các cao tăng thời đó đặt tên cho bức tượng là Đức Phật Bà Đồng Quân và mang vào chùa Sùng Bảo thờ cúng, lễ lạt.

Từ đó đến nay, những câu chuyện nửa hư nửa thực liên quan đến bức tượng này cứ thế lan xa. Trong đó có chuyện kể về việc vua Đinh Tiên Hoàng đánh giặc ngang qua chùa mới vào thắp hương cầu khấn. Phật Bà Đồng Quân đã phù hộ cho vua đại thắng dù lúc đó, lực lượng của nhà vua so với giặc chỉ như trứng chọi đá.

Người dân địa phương lại có tục thờ Phật Bà Đồng Quân để phù trợ mùa màng tốt tươi. Ni sư Thích Nữ Huệ Hạnh cho hay: Ngày xưa khi mương máng tưới tiêu nội đồng chưa có, hạn hán liên miên, người dân đã lập đàn cầu mưa và rước tượng Phật Bà Đồng Quân từ chùa Sùng Bảo đi xung quanh đồng ruộng để cầu mưa gió.

Các cao niên xác nhận, bao giờ cũng thế, khi rước tượng xong là trời đổ mưa cho ruộng đồng ngập nước. Thế nhưng, số phận tượng vàng Phật Bà Đồng Quân cũng lắm gian truân. Theo người dân, dăm lần bảy lượt tượng vàng bị kẻ gian đánh cắp và đánh tráo.

Thời kỳ chống thực dân Pháp, các cụ trong làng phải chuyển tượng sang một ngôi chùa ở huyện Khoái Châu, rồi một chùa khác ở Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội.

Khi chuyển lại về chùa, các cụ thấy tượng vẫn sơn son thếp vàng nhưng mũi không bị sứt một miếng như tượng vàng trước đây nên phát hiện bị đánh tráo, đi hỏi nhưng không được đành chấp nhận thờ.

Dù không còn tượng vàng nhưng trong lòng dân làng vẫn tin vào Phật Bà Đồng Quân nhiệm màu, linh thiêng, giúp mọi người tu nhân tích đức, làm nhiều việc thiện. Hiện nay, ở Xuân Dục vẫn lưu giữ hơn 250 câu kệ về sự tích “tượng đất hóa vàng”, được chép thành sách giữ gìn cho thế hệ sau.

Giếng long mạch bị Cao Biền trấn yểm

Ở thôn Xuân Bản sát chùa Sùng Bảo có chiếc giếng cổ hàng nghìn năm tuổi. Chiếc giếng vẫn còn khá nguyên vẹn và là nguồn nước cho cả làng sinh hoạt. Điều kỳ lạ, chiếc giếng cổ này lúc nào nước cũng trong mát và không bao giờ cạn.

Theo lời kể lại của các cụ cao niên, trong lần Cao Biền đi xem long mạch các vùng giáp thành Đại La phát hiện một mạch phát vương có tia năng lượng rất mạnh. Đó chính là chiếc giếng cổ của Xuân Bản.ư

Cao Biền nhiều ngày tính toán để triệt hạ long mạch của giếng nhưng đều bị thất bại. Cứ mỗi lần Cao Biền vứt bùa xuống giếng đều bị nguồn nước sủi tăm cuốn trôi. Vì thế, người dân địa phương thường gọi giếng cổ này là giếng Sủi.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Yên – Chủ tịch UBND xã Xuân Dục cho hay: “Nước trong giếng không bao giờ cạn là sự thật. Còn việc nước sủi bọt khi chưa giải thích được, người ta thường hay thần thánh hóa thành truyền thuyết. Sau này, chúng tôi mời chuyên gia về khảo sát thì phát hiện khí metan dưới đó mới tạo ra hiện tượng sủi bọt”.

Liên quan đến giếng cổ này, ở Hưng Yên còn lưu truyền câu chuyện kể rằng, người phụ nữ ở làng Xuân Nhân lấy chồng làng Xuân Đào, bị gia đình nhà chồng cay nghiệt, đày đọa khiến bà vô cùng uất ức.

Trong một lần đi gánh nước, bà ngồi dưới gốc cây đề khóc than thân trách phận và nói lời nguyền: “Nếu người dân 2 làng Xuân Đào và Xuân Nhân lấy nhau thì chết 1 đời cha, 3 đời con. Khi nào nối được con đường từ Xuân Đào ra tới gốc đề thì mới lấy được nhau”.

Nói lời nguyền xong, bà khuất núi, khi quan huyện tới nơi mối đã xông thành đống lớn. Người dân liền lập miếu thờ, khắc 4 chữ Hán: “Chạt chạt quyết linh”, nghĩa là miếu thiêng.

Kể từ khi lời nguyền đó lan truyền, người dân hai làng không ai dám lấy nhau. Cách đây khoảng hơn chục năm, người dân đắp đường nối Xuân Đào ra cây đề và làm lễ giải lời nguyền thì mới có đám cưới của hai thôn.

Cây đề của nhà ái quốc

Người quản lý khu di tích cách mạng Nguyễn Thiện Thuật ở xã Xuân Dục cho biết, ở địa phương liên quan đến chùa Sùng Bảo còn có cây đề cổ thụ của nhà ái quốc Nguyễn Thiện Thuật - lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy nổi tiếng. Cây đề đóng vai trò là “vọng gác” để nghĩa quân của Nguyễn Thiện Thuật theo dõi động tĩnh cũng như từng đường đi nước bước của kẻ thù.

Theo ông Vũ Văn Yên – Chủ tịch UBND xã Xuân Dục cũng như bà con địa phương, cây đề cổ thụ hiện nay đã được công nhận là cây di sản. Cây đề gắn liền với chùa Sùng Bảo, với người anh hùng Nguyễn Thiện Thuật nên ngoài ý nghĩa lịch sử cần gìn giữ và bảo vệ.

Cây đề cổ thụ còn mang tính tâm linh mà cả làng đều tin rằng có thần linh ngự trị. Suốt những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bao nhiêu lần làng bị pháo cày đạn xới, đến cây cỏ còn lụi tàn huống chi cây cổ thụ.

Ấy vậy nhưng cây đề vẫn bình yên đứng đó, không một cành một lá nào bị rơi do bom đạn cả. Điều đó khiến dân làng tin rằng, cây đề là nơi quy tụ của thần linh và cả sự bảo vệ của nhà ái quốc Nguyễn Thiện Thuật.

Hiện nay, khu tưởng niệm của danh tướng Nguyễn Thiện Thuật đã khá uy nghiêm. Các hiện vật liên quan đến vị danh tướng cũng được trưng bày đầy đủ để khách tham quan có thể hiểu rõ về sự nghiệp và cuộc đời hoạt động của người anh hùng.

Từ năm 2005, chính quyền tỉnh Hưng Yên và các cơ quan Trung ương đã sang tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc đưa thi hài của cụ Nguyễn Thiện Thuật về an táng.

“Cùng với cây đa Tân Trào, cây đào Tô Hiệu, cây đề Nguyễn Thiện Thuật là 1 trong 3 cây cổ thụ được xếp hạng di tích cấp quốc gia cần được bảo tồn. Chính quyền địa phương luôn luôn quan tâm đến di tích quý giá này cùng với quần thể chùa Sùng Bảo”, ông Vũ Văn Yên – Chủ tịch UBND xã Xuân Dục cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.