Phát hiện một đĩa ngọc cổ tại hố đào trước chùa Vạn Phước

GD&TĐ - Sáng nay (12/10), đoàn khảo cổ thăm dò dấu vết cung điện Đan Dương và mộ Vua Quang Trung tại gò Dương Xuân đã phát hiện một đĩa cổ tại khu vực hố đào trước chùa Vạn Phước (phường Trường An, TP Huế).

 Đĩa ngọc còn nguyên vẹn vừa được phát hiện sáng 12/11 tại hố đào trước chùa Vạn Phước
Đĩa ngọc còn nguyên vẹn vừa được phát hiện sáng 12/11 tại hố đào trước chùa Vạn Phước

Chiếc đĩa quý  này có đường kính hơn 10 cm. Được phát hiện dưới khu vực hố sâu hơn 1, 4m. Đây là chiếc đĩa còn nguyên vẹn nhất được tìm thấy trong 6 ngày tiến hành khảo cổ thăm dò tại 5 vị trí hố đào ở khu vực trước đây được gọi là ấp Bình An, nơi nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng từng có cung điện Đan Dương ở đây. Phía trước đĩa ngọc có một chữ Trung, Bề mặt sau chiếc đĩa không có họa tiết.

Phía sau đĩa ngọc không có họa tiết
Phía sau đĩa ngọc không có họa tiết 

Theo các nhà nghiên cứu, việc phát hiện một đĩa ngọc trong hố đào này sẽ góp phần củng cố thêm tư liệu, hiện vật phục vụ cho công tác khảo cổ  thăm dò dấu vết  cung điện Đan Dương và mộ Vua Quang Trung tại gò Dương Xuân. Tuy nhiên về mặt niên đại của đĩa ngọc này vẫn chưa được xác định.

Vị trí đĩa ngọc nằm dưới độ sâu lòng đất hơn 1,4m
 Vị trí đĩa ngọc nằm dưới độ sâu lòng đất hơn 1,4m

Cũng trong sáng 12/10, tại hố thăm dò số 5 ở một nhà dân (số 13/120 Điện Biên Phủ, TP Huế) các chuyên gia khảo cổ học đang tiếp tục đo đạc lấy hình vẽ các khối đá.

Cụ thể, ở hố này, sau khi đào lớp đất bề mặt xuống sâu chừng 40cm, các chuyên gia phát hiện nhiều tảng đá xếp chồng với nhau theo hình chữ L. Riêng đoạn cuối những tảng đá này xuất hiện các lớp vôi.

Ngay sau đó, đoàn thăm dò  đã cho đào mở rộng hố để tiếp tục nghiên cứu. PGS.TS Bùi Văn Liêm - Viện phó Viện Khảo cổ học - cho biết: Tất cả chỉ là những phát hiện ban đầu, chưa rõ ràng nên không thể kết luận chính thức điều gì. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, đối chứng các lớp đá, hiện vật, vôi vữa với nhau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ