Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa Hà Nội: Người trẻ chung tay, góp sức

GD&TĐ - Hà Nội ngàn năm văn hiến tự hào là trung tâm hội tụ và tỏa sáng văn hóa với sự giàu có, đa dạng về các loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, được UNESCO công nhận, trở thành điểm đến tham quan, học tập bổ ích cho học sinh, sinh viên.

Làng cổ Đường Lâm, điểm đến tham quan, học tập nổi tiếng của Hà Nội
Làng cổ Đường Lâm, điểm đến tham quan, học tập nổi tiếng của Hà Nội

Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa, các cấp, ban, ngành của Hà Nội đã có nhiều biện pháp phối hợp, tham gia bảo tồn và phát huy giá trị.

Tham gia phát triển du lịch

Ông Lý Duy Xuân – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành đoàn Hà Nội cho biết: “Trong những năm qua, các cấp bộ Đoàn trong toàn thành phố đã làm tốt công tác tham gia gìn giữ và phát huy giá trị Di tích lịch sử Thăng Long – Hà Nội gắn với việc thực hiện các phong trào hành động cách mạng của Đoàn. Các nội dung được triển khai sâu rộng, thiết thực, hiệu quả tới từng cơ sở đoàn trực thuộc.

Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn trong toàn thành phố thường xuyên tuyên truyền về bảo vệ môi trường, bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa cho du khách trong và ngoài nước; kịp thời nhắc nhở, hướng dẫn du khách có ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường, không có hành vi xâm hại đến di tích như xả rác bừa bãi, phá hoại cảnh quan...

Qua đó, phát huy tốt vai trò của thanh niên Thủ đô trong phát triển du lịch bằng các hoạt động tuyên truyền, giáo dục thanh, thiếu niên về lịch sử, văn hóa, truyền thống; về các danh nhân, các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố, về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, khơi dậy trong thanh niên việc chủ động tìm hiểu về lịch sử Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Đặc biệt, với hiệu quả tích cực từ đội hình tuyên truyền Văn hóa lịch sử Thăng Long – Hà Nội do Thành đoàn Hà Nội triển khai trong nhiều năm qua (từ 2016 đến nay): “Mỗi đoàn viên thanh niên là một tuyên truyền viên tích cực về du lịch Hà Nội” với sự tham gia của hàng trăm lượt đoàn viên, thanh niên, sinh viên đang học tập tại các trường đại học, học viện, cao đẳng đào tạo chuyên ngành du lịch, ngoại ngữ... đã tạo nên một khí thế mới cho việc bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa Hà Nội.

Bên cạnh những hoạt động tuyên truyền tích cực, đội “Hỗ trợ du lịch Thăng Long – Hà Nội” hoạt động tại các khu di tích, thắng cảnh, địa điểm tham quan tập trung đông khách trong nước và quốc tế tại Hà Nội: Khu Hoàng thành Thăng Long; hồ Hoàn Kiếm và tượng đài vua Lý Thái Tổ, vườn hoa Bát Giác; Khu Văn Miếu – Quốc Tử Giám; phố cổ và chợ đêm Hà Nội; Quầy thông tin du lịch phố Lê Thạch và số 28 phố Hàng Dầu... được các đội tích cực tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền.

Trong các hoạt động, các tình nguyện viên tiếp tục được ban quản lý các đơn vị tập huấn kiến thức, nghiệp vụ chuyên sâu của địa bàn được phân công, đồng thời hoạt động tình nguyện dưới sự điều hành trực tiếp của các Ban quản lý với các nhiệm vụ: Tuyên truyền về các giá trị văn hóa, lịch sử của di tích, danh thắng; Hỗ trợ nghiệp vụ du lịch; Hướng dẫn, tiếp đón du khách trong nước và quốc tế; Tham gia gìn giữ vệ sinh môi trường làm đẹp cảnh quan di tích, danh thắng; Hỗ trợ khách du lịch... góp phần nâng cao hình ảnh du lịch Thủ đô thân thiện, mến khách.

Hoàng thành Thăng Long, Di tích lịch sử, văn hóa được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới
Hoàng thành Thăng Long, Di tích lịch sử, văn hóa được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới

Gắn với cuộc cách mạng 4.0

Bên cạnh những hoạt động tích cực trong công tác đẩy mạnh việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa Thủ đô, vẫn còn tồn tại một số hạn chế: Việc quản lý, bảo vệ di tích, bảo quản cổ vật, di vật, hiện vật ở một số địa phương chưa hiệu quả; Các lễ hội quy mô nhỏ, việc tổ chức mang tính tự phát thiếu chọn lọc; Chất lượng các câu lạc bộ văn hóa – văn nghệ dân gian hiệu quả chưa cao; Công tác tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa chưa đáp ứng với nhu cầu phát triển và phát triển du lịch.

Nguyên nhân của tình trạng này là do tác động của điều kiện tự nhiên, lịch sử, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, sự du nhập của văn hóa ngoại lai; Sự lấn át của lợi ích kinh tế trước mắt.

Hà Nội có 5.922 di tích lịch sử, văn hóa. Trong số đó có 13 di tích – cụm di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt; Có 1.182 di tích được xếp hạng là di tích lịch sử cấp Tỉnh, Thành phố; 1 di sản văn hóa thế giới; 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 1 Di dản văn hóa phi vật thể cần phải được bảo vệ khẩn cấp; 1 di sản tư liệu thế giới theo Công ước của UNESCO năm 1972 về bảo tồn di sản văn hóa và di sản thiên nhiên thế giới; Hà Nội có 12/35 bảo tàng ngoài công lập, chiếm 1/3 tổng số bảo tàng ngoài công lập trên cả nước;

Hà Nội có 12 hiện vật được Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia. 

Để tháo gỡ những tồn tại trên, theo ông Lý Duy Xuân – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành đoàn Hà Nội: “Các cấp, các ngành cần làm tốt công tác quản lý quy hoạch kiến trúc, cải tạo chỉnh trang kiến trúc các di tích theo truyền thống vốn có;

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến với những hình thức mới, cách làm hay, tiện lợi gắn với cuộc cách mạng 4.0. Đồng thời, ứng dụng các phương tiện hiện đại, thông minh như: Điện thoại, máy tính bảng để đông đảo nhân dân, thanh, thiếu nhi hiểu đúng, nhận thức sâu sắc về vai trò và tầm quan trọng của di tích lịch sử văn hóa;

Phối hợp với ngành chức năng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố;

Huy động các nguồn kinh phí từ các nguồn lực xã hội hóa trong việc bảo tồn, tôn tạo các di tích văn hóa lịch sử. Tuy nhiên, ngân sách Nhà nước có hạn và khó có thể trải đều đến tất cả các di tích lịch sử, do vậy, các cấp, các ngành, các địa phương cần có sự huy động các nguồn xã hội hóa, huy động các tầng lớp nhân dân hỗ trợ trong việc bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa”.

Bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa, trong đó bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích là một lĩnh vực khoa học sâu sắc, vừa mang tính thực tiễn sinh động, đồng thời là hoạt động mang tính xã hội cao. Nên công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích lịch sử, văn hóa là việc làm cấp bách và cần phải có giải pháp hợp lý, kịp thời và sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn, sự phối hợp với các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ