Nghĩ về không gian tâm linh ở đô thị

Nghĩ về không gian tâm linh ở đô thị

(GD&TĐ) - Ngày giỗ tổ Hùng Vương mấy năm nay đã trở thành ngày hội lớn trong cả nước. Thật hiếm có dân tộc nào trên thế giới có một ý niệm rõ rệt về Quốc tổ như Việt Nam. Đó là một truyền thống tốt đẹp và rất đáng tự hào. Đây là dịp nhắc nhở mỗi người Việt Nam lòng tự hào và trách nhiệm với quốc gia dân tộc.

Những năm  1990, khi còn ở Kon Tum, người viết bài này đã tận mắt chứng kiến người dân một khu phố hằng năm cứ đến mồng 10 tháng 3 âm lịch lại tổ chức giỗ vua Hùng. Ngày ấy chưa có chủ trương quốc giỗ như bây giờ nhưng người dân nơi đây vẫn duy trì như là truyền thống đã ăn sâu trong tâm thức người Việt từ thế hệ đầu tiên lên khai phá Tây Nguyên cách đây hơn 100 năm. Có lẽ đó là cách họ trao truyền cho con cháu ý thức nguồn cội khi khai khẩn trên vùng đất mới.

Tuy nhiên, để các địa phương có được nơi chốn phù hợp tổ chức giỗ Quốc tổ cũng là việc cần phải bàn. Như thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) năm nay, giỗ vua Hùng được tổ chức ngay tại Khổng Miếu. Người Việt chưa bao giờ có tư tưởng bài xích vị “vạn thế sư biểu” (tạm dịch là người thầy tiêu biểu của mọi thế hệ) nhưng như địa phương vừa nêu, việc đưa lễ giỗ tổ Hùng Vương vào nơi này xem ra rất không ổn về tâm thức văn hóa Việt. Từ sự kiện này đang đặt ra vấn đề không gian văn hóa tâm linh ở đô thị hiện nay.

Hội thi bánh chưng, bánh giầy là nét đặc trưng trong sinh hoạt cộng đồng của người Việt
Hội thi bánh chưng, bánh giầy là nét đặc trưng trong sinh hoạt cộng đồng của người Việt

Làng quê Việt Nam, do lịch sử hình thành lâu đời, do những quan hệ huyết thống bền chặt và do những mối liên hệ tất yếu bởi nhu cầu tổ chức lao động, đã tạo ra một mối quan hệ chặt chẽ cả về đời sống vật chất và tinh thần, trong đó có đời sống tâm linh. Việc thờ cúng các vị thần, tục thờ thành hoàng được duy trì hầu như ở mọi làng quê, kể cả khi nó bị chiến tranh ly loạn làm xáo trộn dữ dội. Tập tục thờ cúng các vị tiền hiền, các vị thần hộ cho làng vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh, vừa có tác dụng gắn kết các thành viên của làng với nhau và cũng là yếu tố tạo nên sức mạnh bền chặc của đơn vị làng Việt Nam như lịch sử đã chứng minh. Không gian tâm linh của làng với những đình (mặc dù do chiến tranh tàn phá nên còn lại rất ít), đặc biệt là miếu trở thành địa điểm chủ yếu để tổ chức các lễ tế của làng. Nơi ấy được mọi thành viên kiêng sợ, giữ gìn.

Không gian đô thị, do đặc điểm hình thành, nguồn gốc dân cư, quan hệ lao đọng khác biệt nên có mối liên hệ khá lỏng lẻo, quan hệ khối phố, láng giềng không sâu nặng. Do vậy, không gian tâm linh của đô thị cũng khá mờ nhạt, hầu như chỉ gói gọn trong  không gian mỗi căn hộ. Mấy năm trở lại đây, tập tục “cúng xóm” ở các khu phố vào cuối năm cũng đã hình thành. Mỗi khu phố, người  dân xem xem chỗ nào thuận lợi thì lập trai bàn, tổ chức lễ tế xong dẹp ngay. Các tượng đài, khu tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ chủ yếu mang chức năng giáo dục truyền thống và tổ chức lễ viếng mang tính hành chính Nhà nước. Hầu như không có không gian cho đời sống  tâm linh của cư dân đô thị dưới góc độ là nhu cầu nhân bản.

Từ đặc điểm của không gian tâm linh đô thị, xin quay lại việc tổ chức giỗ Quốc tổ vua Hùng. Lễ giỗ vừa rồi một số nơi như huyện Phú Ninh lấy đình Chiên Đàn làm địa điểm tổ chức, huyện Duy Xuyên tổ chức tại đình Ngũ xã, Trà Kiệu. Các ngôi đình có lịch sử hàng trăm năm tuổi, và rất may mắn còn lại sau chiến tranh này trở thành nơi tổ chức lễ khá trang trọng, hợp lý. Không gian rêu phong cổ kính của ngôi đình cùng hương trầm huyền ảo tạo nên sự cộng cảm mạnh mẽ với người tham dự. Nhưng không phải địa phương nào cũng có được không gian thuận lợi ấy. Một khi giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành chủ trương thống nhất trên phạm vi cả nước thì việc tạo dựng một không gian trang trọng, thích hợp để tiến hành nghi lễ là điều cần thiết.

Khi viết những dòng này, tình cờ tôi đọc được trên báo Lao Động ngày 7/5/2010 một thông tin rằng tận góc trời Nam, tại làng Đông Bình (thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, Kiên Giang), từ năm 1957, người dân nơi đây đã lập đền thờ vua Hùng, dù ngôi đền “mộc mạc đơn sơ đến nao lòng” như lời nhà báo Lục Tùng, để nhớ về nguồn cội tổ tiên khi đất nước bị chia cắt làm hai miền. Thế mới biết tâm thức dân gian vững bền như thế nào. Nó thể hiện một cách sinh động của ý thức tự tôn dân tộc, của dòng chảy văn hóa truyền thống,  bất chấp những thăng trầm thời cuộc.  Cũng theo tác giả Lục Tùng, thời gian tới, ngôi đền vừa được xếp hạng Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia này sẽ được trùng tu tôn tạo với tổng kinh phí khoảng 40 tỷ đồng từ nguồn vốn Nhà nước và nhân dân đóng góp để đáp ứng nhu cầu chiêm bái Quốc tổ của người dân ở cuối trời Tổ quốc.

Từ thông tin nêu trên, có thể nghĩ thêm điều gì? Rõ ràng việc tạo lập nơi thờ phụng vua Hùng ở các địa phương là cần thiết và rất thuận theo tâm thức dân gian của dân tộc. Nơi ấy còn có thể tích hợp cả tín ngưỡng thờ cúng các bậc tiên liệt, anh hùng  liệt sĩ đã quên mình vì sự tồn vong của đất nước. Đấy sẽ là một không gian đẹp để tiến hành tế lễ, kính viếng nhằm giáo dục truyền thống và cũng có thể  dạo chơi thư giãn hằng ngày cho người dân. Trong bối cảnh các thế lực thù địch đang kích động chủ nghĩa ly khai, đồng thời xu hướng tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông ngày càng đáng lo ngại thì việc bồi đắp ý thức cội nguồn và sự cố kết dân tộc cho mỗi con dân đất Việt càng cần thiết hơn bao giờ hết. Ấy cũng là cách để giữ gìn giang sơn bao đời thấm mồ hôi xương máu cha ông. Những người có quyền lực trong việc quy hoạch không gian đô thị hầu như chưa để tâm đến không gian tâm linh này. Mong sao thực tế này sớm được xem xét!

Duy Hiển

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.