Trả lại sự hồn nhiên trên sân chơi nhí

GD&TĐ - Phải thừa nhận, tài năng nhí luôn xứng đáng được tôn vinh, nhưng nếu thiếu đi sự định hướng, ánh hào quang của sự nổi tiếng sớm rất dễ khiến các em nhỏ bị phân tâm và chịu nhiều áp lực. Cuối cùng, chính các em là người phải chịu thiệt thòi nhất. Tuy nhiên, sự định hướng đúng đắn của Biệt tài tí hon mùa 2 có lẽ sẽ kéo khán giả quay lại với sân chơi nhí. 

Trả lại sự hồn nhiên trên sân chơi nhí

Cân nhắc trước khi tham gia gameshow nhí

Câu chuyện của “thần đồng” Đức Vĩnh sau khi đoạt giải quán quân chương trình Tìm kiếm tài năng Việt Nam vẫn khiến khán giả phải suy ngẫm. Sự nổi tiếng khiến cho đời tư của em bị “bóc trần” hoàn toàn trên truyền thông. Không những thế, chuyện giới tính của cậu bé ngoại đạo này cũng trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi của cộng đồng mạng.

Ngôi vị quán quân là bàn đạp để Đức Vĩnh theo đuổi đam mê hay chỉ càng tăng lên sự áp lực cho việc nổi tiếng quá sớm với những lời soi mói, bình phẩm của khán giả? Cũng bởi thực trạng này mà hầu hết các gameshow nhí đều không nhận được sự hưởng ứng tích cực của khán giả, đặc biệt là các nhà giáo dục. Thần tượng tương lai từng gây sốt mỗi thứ Bảy hàng tuần, nhưng cứ mỗi tập kết thúc, khán giả lại chứng kiến những giọt nước mắt của các thí sinh nhí. Các em được khen nhiều quá, rồi qua sự chọn lọc gay gắt lại bị loại nên không tránh khỏi cảm giác buồn, hụt hẫng.

Điều đáng nói, dường như giọt nước mắt của trẻ là "chiêu thức" của người làm chương trình. "Chiêu thức" này thể hiện qua cách công bố kết quả như cố ý gây cảm giác căng thẳng cho thí sinh, khi MC nhấn nhá, kéo dài thời gian để gây hiệu ứng hồi hộp, bất ngờ, gay cấn. Trên truyền hình, đoạn phim được quay chậm, thể hiện cận cảnh để thấy rõ biểu cảm của thí sinh nhí, phụ huynh, giám khảo...

Dù biết truyền hình thực tế, gameshow thì không hiếm cách thức lấy nước mắt khán giả như thế, nhưng với những đứa trẻ, cách này thật tàn nhẫn bởi những hình ảnh sau đó có thể khiến trẻ khó xử với bạn bè... Áp lực nổi tiếng chính là sự thật khắc nghiệt không thể chối bỏ trong showbiz, với các tài năng nhí cũng vậy. Tuy nhiên, việc cắt bỏ hoàn toàn sân chơi dành cho thiếu nhi trên truyền hình có lẽ là một phương án không thực sự công bằng với các em. Bởi trẻ nhỏ cũng cần được giải trí như người lớn, nhưng sân chơi nào thực sự phù hợp mới là điều cha mẹ các em nên cân nhắc.

Sân chơi nào thể hiện đúng tinh thần nhí?

Gameshow dành cho trẻ em hiện tại quá nhiều. Chỉ cần nhắc đến từ "nhí" là khán giả có thể kể tên một loạt các chương trình như: Giọng hát Việt nhí, Thần tượng âm nhạc nhí, Bước nhảy hoàn vũ nhí, Gương mặt thân quen nhí, Vua đầu bếp nhí... Sau một thời gian "tạm nghỉ", nhường sân cho các show hài, gameshow giải trí nhẹ nhàng thì dường như hiện tại, các nhà sản xuất lại tiếp tục bước vào khai thác tài năng của các cô bé, cậu bé tuổi ăn tuổi học. Khi bước vào các gameshow thì có vẻ như các em đã trở thành một "chiến binh" trong một trận chiến "khốc liệt" mang tính thắng - thua... Tuy nhiên, Biệt tài tí hon lại mang đến một làn gió mới.

Khác với những chương trình tìm kiếm tài năng gần đây trên sóng truyền hình, các bé tham gia Biệt tài tí hon ở độ tuổi rất nhỏ, vì vậy, khi bước ra khỏi sân chơi này, các em không mang trên mình gánh nặng của một ngôi sao nhí. Thay vào đó, các em được trở lại với cuộc sống bình thường như biết bao bạn bè khác. Điều này cũng mang lại sự an tâm phần nào cho những người làm cha mẹ. Điều đặc biệt ấn tượng là ngay từ giai đoạn khởi động mùa 2, BTC Biệt tài tí hon đã khẳng định năm nay sẽ không có quán quân để giảm áp lực thi thố cho các bé ở độ tuổi nhỏ (từ 3 – 9 tuổi).

Đây là một trong những cuộc thi tìm kiếm tài năng đầu tiên tại Việt Nam dành riêng cho thiếu nhi trên khắp mọi miền đất nước ở đa dạng các lĩnh vực ca hát, nhảy múa, toán học, ảo thuật, nhạc kịch, hài kịch, MC, bình luận viên, xiếc, hoạt náo, thậm chí có cả những tài năng “đặc biệt” như huấn luyện chim, nuôi trăn, võ cổ truyền, make up, bóng bàn.... Đây là chương trình không chỉ tôn vinh những tài năng nhí, tạo cơ hội cho các thí sinh thể hiện khả năng tuyệt vời của mình, mà còn khai thác được nét ngây thơ, hồn nhiên, ngộ nghĩnh và đáng yêu của các bé để khiến khán giả phải bật cười thích thú và yêu mến.

Khởi động mùa 2, Trấn Thành và Ngô Kiến Huy lại tiếp tục phối hợp cùng nhau tạo nên những màn hài hước "không nhặt được miệng". Đặc biệt, sự hài hước thông minh, nhẹ nhàng vừa phải của 2 nghệ sĩ này đang chiếm được thiện cảm chứ không phải sự phản cảm từ khán giả. Cấu trúc chương trình có sự thay đổi so với mùa trước khi có 13 tập thi tuần và 2 đêm gala. Trong mỗi tập thi tuần đầu tiên, Ban bình luận sẽ được xem một video giới thiệu về 5 thí sinh và dự đoán xem thí sinh đó có tài năng gì. Màn phỏng đoán giữa hai ban bình luận sẽ giúp cho chương trình thêm phần sôi nổi, hào hứng và hài hước với những phán đoán đầy bất ngờ.

Sau phần phỏng đoán khả năng, thí sinh sẽ lần lượt bước ra sân khấu thể hiện tài năng thực sự của mình và sẽ tạo bất ngờ lẫn sự thán phục cho Ban bình luận và khán giả. Bên cạnh đó, các thí sinh nhí còn có cơ hội giao lưu trò chuyện để tạo sự tương tác dễ thương, tự nhiên và thông minh nhất trên sân khấu cùng với MC. Chương trình hoàn toàn không có Ban giám khảo mà thay vào đó là 100 khán giả tại trường quay sẽ quyết định thí sinh nào được nhiều phiếu bầu nhất để bước vào 2 đêm gala. Cách thức này nhằm giảm bớt áp lực thi cử cho các thí sinh nhí khi phải đối diện với Ban giám khảo như những cuộc thi tài năng khác.

Trong lúc dư luận đang dành khá nhiều chỉ trích cho những gameshow truyền hình không phù hợp với trẻ em bởi quá nhiều sự ganh đua và áp lực thì Biệt tài tí hon dường như đang ở vùng bình yên và phẳng lặng. Thậm chí chương trình này còn nhận về vô vàn lời khen và được số đông nhận định, đây mới là gameshow thú vị và bổ ích dành cho các bạn nhỏ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ