Gánh nặng trên đôi vai nhỏ bé
Khán giả hiện nay có thể dễ dàng nhìn ra mặt trái của những chương trình tìm kiếm tài năng nhí, điều nguy hiểm nhất là những sân chơi này dễ tạo ra ảo tưởng thành công đến sớm. Nhưng chuyện ảo tưởng hay không là của người tham gia và đó là sự lựa chọn của họ mà ở đây, đại diện là người giám hộ. Sự kỳ vọng của người lớn đã vô tình đặt lên vai các em nhỏ gánh nặng khủng khiếp. Có những đứa trẻ ráng hết sức để đóng vai nhân vật này nhân vật kia trong một số gameshow.
Đó là việc hết sức vô lý và… quá đáng, bởi trẻ chưa đủ sức thẩm thấu, nhân cách chưa đủ mạnh để bắt chước người này người kia. Vấn đề không phải bắt chước điệu bộ mà phải uốn éo, chạy theo tư duy đến xúc cảm của người khác, trường hợp đó khiến trẻ em gắng quá sức. Trẻ phải gồng quá sức về tâm sinh lý, trí lực, tâm lực, thể lực rõ ràng là bị lạm dụng, bóc lột.
Nguy hại hơn không phải ở khía cạnh bóc lột, mà có thể xem như lạm dụng. Tệ hơn, đôi khi sự lạm dụng đó là sáng tạo theo hướng lệch lạc: Về khoa học thẩm mỹ, người ta cho rằng, tặng hoa nên tặng hoa thật không tặng hoa giả. Ấy thế mà xã hội ta tặng hoa giả cho nhau quá nhiều.
Hàng hoá sản phẩm cũng vậy, sản phẩm ảo và giả không thiếu, hoặc kết quả thiếu trung thực vô hình trung làm cho xã hội mới của chúng ta (trong đó có trẻ em) tôn thờ giá trị giả. Thực tế, khi các em bước ra khỏi những sân chơi này, chẳng ai có thể đảm bảo tương lai tươi sáng cho các em trên con đường nghệ thuật bởi “hứa thật nhiều” nhưng… thất hứa cũng là chuyện bình thường!
Có một điều không thể phủ nhận, những show truyền hình âm nhạc thực tế ít nhiều cũng đã cho ra lò những gương mặt tài năng nhí thật sự. Nhưng điểm lại, số tài năng trụ vững sau các cuộc thi không nhiều. Vậy, những tài năng nhí ấy lên ti vi để làm gì? Đơn giản là họ tìm cơ hội. Nhưng cơ hội ấy nhiều khi không phải cứ muốn là được, không phải cứ muốn hát những bài hát đúng độ tuổi là sẽ được đón nhận.
Một ca sĩ từng có thâm niên trong nghề đã phải than thở rằng: “Trên sân chơi thiếu nhi, các em hát nhạc đúng tuổi thì bị loại sớm, còn hát nhạc người lớn thì được chấp nhận ngay, thậm chí còn vào rất sâu”. Điều ấy có nghĩa là các tài năng nhí lên ti vi để thỏa lòng ước vọng của người lớn. Đó là một nhu cầu thực sự!
Huấn luyện viên chỉ “nhoi” chứ không “chặt chém”?
Giọng hát Việt nhí từng gây nhiều tranh cãi cùng với một lý do: Sự quá đà của người lớn. Năm 2016, ngay trong tập phát sóng đầu tiên, Giọng hát Việt nhí đã khiến không ít khán giả lên tiếng phản đối việc bộ tứ giám khảo đùa giỡn quá nhiều, không nhận xét về chuyên môn.
Tại sân chơi Giọng hát Việt nhí mới đây, trong “cuộc đua” giành giật thí sinh, Bảo Anh, Khắc Hưng và Vũ Cát Tường đã gây tranh cãi vì… vô tình “vùi dập” lẫn nhau. Trong 3 cặp HLV, ngoài Lưu Hương Giang - Hồ Hoài Anh, các giám khảo còn lại đều thuộc thế hệ 9X. Giữa họ có một khoảng cách rất lớn về tuổi tác, thế hệ và kinh nghiệm trên sân khấu.
Trong những cuộc tranh luận, team Giang - Hồ thường trầm lặng hơn nhưng một khi họ lên tiếng sẽ nhận được sự tôn trọng từ các đàn em. Ở một diễn biến khác, Khắc Hưng, Bảo Anh với Vũ Cát Tường, Soobin Hoàng Sơn lại được ví như “nước với lửa”. Bộ tứ này liên tục “dìm hàng” đối phương rồi tự “tung hô” bản thân, đến mức Hồ Hoài Anh đứng ngoài cuộc phải nhận xét rằng: “Hai đội này không ưa gì nhau”...
Cuộc tranh luận từ “ghế nóng” lan sang mạng xã hội. Người hâm mộ 2 đội HLV và cả khán giả theo dõi chương trình để phản bác nhau và bảo vệ giám khảo mình yêu thích liên tục đưa ra những cãi trái chiều.
Khán giả có lẽ chưa quên khoảnh khắc tài năng 9 tuổi Trọng Nhân đăng quang cuộc thi Vietnam’s Got Talent. Tiếp đó là những cậu bé, cô bé đã khóc òa trên sân khấu tại Vietnam Idol Kids vì không kiềm chế được cảm xúc…
Chẳng “kém cạnh” người lớn, sân chơi dành cho thiếu nhi ngày càng nhiều và sự cạnh tranh cũng rất khốc liệt. “Nóng” nhất hiện này phải kể đến Giọng hát Việt nhí 2018. Trên sân chơi tìm kiếm tài năng nhí, các em đã đổ biết bao mồ hôi nước mắt để được gọi là “tài sản quốc gia”, “thiên hạ đệ nhất”… Nhưng rốt cuộc, khi cuộc chơi kết thúc, điều gì sẽ ở lại bên các em?