Vấn đề đặt ra là Thanh tra Sở Y tế TPHCM liên tục kiểm tra, xử phạt… nhưng các cơ sở không uy tín vi phạm vẫn tiếp tục hoạt động, được mở mới.
Biến chứng y khoa, xử phạt liên tục
Theo thống kê từ Bệnh viện Da liễu TPHCM, trung bình mỗi năm, đơn vị tiếp nhận khoảng 200 - 500 bệnh nhân bị biến chứng sau khi thực hiện thẩm mỹ. Nguyên nhân chủ yếu là do các bệnh nhân thực hiện tại các cơ sở thẩm mỹ “chui” hoặc tự thực hiện tại nhà.
Những trường hợp này không bảo đảm các yêu cầu kiểm soát nhiễm khuẩn trong quá trình thực hiện, người thực hiện không có chuyên môn và thiết bị sử dụng không được kiểm định hoặc bị hư hỏng.
Công ty TNHH Shynh House là cái tên thường xuyên xuất hiện trong danh sách các cơ sở bị xử phạt bởi Thanh tra Sở Y tế TPHCM. Mới đây, Chi nhánh 8 của Công ty TNHH Shynh House (số 49 Nguyễn Trãi, phường Bến Thành, Quận 1, TPHCM) đã bị xử phạt 16 triệu đồng vì hàng loạt vi phạm.
Các hành vi vi phạm của chi nhánh này bao gồm: Ghi tên các khoa, phòng trong cơ sở khám, chữa bệnh không đúng với hồ sơ giấy phép hoạt động đã được cấp; không niêm yết giá dịch vụ khám, chữa bệnh; người hành nghề không đăng ký hành nghề khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, vào tháng 8/2024, chi nhánh Công ty TNHH Shynh House tại địa chỉ số 33 Trần Quốc Thảo, phường Võ Thị Sáu, Quận 3 (TPHCM) đã bị Thanh tra Sở Y tế TPHCM xử phạt 276 triệu đồng, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh trong thời hạn 6 tháng. Người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở cũng bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh trong thời hạn 6 tháng.
Các hành vi vi phạm của cơ sở này bao gồm: Cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động, trừ trường hợp cấp cứu; quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh thiếu nội dung về phạm vi chuyên môn ghi trong giấy phép; không đảm bảo đầy đủ các điều kiện thiết yếu để kịp thời cấp cứu người bệnh.
Ngoài ra, đơn vị này còn quảng cáo sử dụng từ ngữ như “một số” hoặc tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định. Đồng thời, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ với tổng giá trị vi phạm là 41.145.000 đồng. Cơ sở cũng bị phát hiện vi phạm liên quan đến việc người hành nghề không đăng ký hành nghề khám, chữa bệnh theo quy định. Dù liên tục bị “tuýt còi”, nhưng đơn vị này vẫn tiếp tục lặp lại các sai phạm tương tự.
Tại TPHCM, các cơ sở thẩm mỹ được ví như “nấm mọc sau mưa”. Nhiều cơ sở “chui” và không phép hoạt động. Những cơ sở “chui” được hoạt động với nhiều chiêu thức tinh vi, đối phó với cơ quan chức năng.
Theo ThS.BS Nguyễn Duy Quân, Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da Liễu TPHCM, hầu hết bệnh nhân nhập viện do biến chứng khi tiêm các chất làm đẹp như filler, botox không rõ nguồn gốc. Những thủ thuật này thường được thực hiện tại các cơ sở không an toàn, bởi những người không có chuyên môn và kỹ thuật.
Một số ca nhập viện sớm có thời gian điều trị ngắn và ít để lại di chứng, nhưng các trường hợp đến trễ với tình trạng nhiễm khuẩn nặng đòi hỏi thời gian điều trị lâu dài, thường để lại nhiều di chứng nghiêm trọng. Trước tình hình này, một số chuyên gia đề xuất cần có các chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thẩm mỹ.
“Khoảng trống” quản lý
Tại Hội nghị “Tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn người bệnh trong phẫu thuật thẩm mỹ”, BS Hồ Văn Hân, Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM đánh giá, sự phát triển nhanh của các cơ sở thẩm mỹ phần nào đáp ứng nhu cầu làm đẹp của người dân nhưng vẫn kéo theo nhiều hệ lụy. Nhiều cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phi y tế “lấn sân” sang thực hiện các kỹ thuật y tế.
Các thẩm mỹ viện “chui”, cơ sở thẩm mỹ không phép ngày càng gia tăng. Hiện nay, các quảng cáo sai sự thực phát triển mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội gây khó khăn cho cơ quan chức năng. Đơn thư, phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ và tổn thất tài chính đối với các cơ sở thẩm mỹ cũng chiếm 78% trong tổng số phản ánh mà Sở Y tế TPHCM nhận được.
BS Hồ Văn Hân cho rằng, lĩnh vực thẩm mỹ đem lại lợi nhuận lớn, thu hút nhiều doanh nghiệp, cá nhân đầu tư. Tuy nhiên, so với các nước phát triển, quy định pháp luật trong quản lý cơ sở thẩm mỹ tại Việt Nam vẫn có “khoảng trống”, chưa theo kịp, phù hợp thực tế. Việc quản lý quảng cáo trên mạng xã hội của Việt Nam chưa thực sự tốt; chưa thể kiểm soát các hoạt động đào tạo nghề thẩm mỹ “chui”; việc cấp phép, hậu kiểm của cơ quan quản lý Nhà nước vẫn còn lỏng lẻo…
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhấn mạnh rằng, cần lấp đầy các “khoảng trống” trong công tác quản lý đối với các cơ sở thẩm mỹ nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người bệnh.
Theo ông Dũng, người hành nghề phải có giấy phép phù hợp, chỉ được hoạt động trong phạm vi năng lực và chuyên môn, tuyệt đối không vượt quá chuyên môn để tránh gây nguy hiểm cho người bệnh. Các cơ sở cung cấp dịch vụ và phẫu thuật viên phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho bệnh nhân trước, trong và sau quá trình phẫu thuật thẩm mỹ.
Đối với những cơ sở thẩm mỹ vi phạm nhiều lần, cố ý “thay tên đổi họ” hoặc thay đổi mô hình để tiếp tục hoạt động và thách thức pháp luật, cần áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm minh, đủ sức răn đe.
Ngành Y tế TPHCM khuyến cáo người dân nên lựa chọn các cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ bằng cách tra cứu thông tin qua đường link: https://thongtin.medinet.org.vn. Trang web này cung cấp danh sách các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ đã được Sở Y tế cấp phép hoạt động, cùng với điểm đánh giá chất lượng của các cơ sở. Người dân không nên chọn cơ sở làm đẹp chỉ dựa vào tên gọi trên bảng hiệu như “thẩm mỹ viện” hay “viện thẩm mỹ”. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ cơ sở làm đẹp hoạt động trái phép hoặc có dấu hiệu vi phạm, hãy gọi ngay đến đường dây nóng theo số 0989.401.155 hoặc tải ứng dụng “Y tế trực tuyến” để cung cấp thông tin cho Thanh tra Sở Y tế kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định.