Theo đó, các khu vực trong nhà trường được quy hoạch theo hướng tận dụng các không gian mang tính mở, tạo được bầu không khí thân thiện ấm áp. Qua các hoạt động, trẻ giao tiếp mạnh dạn, tự tin hơn, giáo viên nhận thức sâu sắc và có sự thay đổi trong tổ chức các hoạt động cho trẻ. Trong đó, giáo viên là người hướng dẫn, hỗ trợ chứ không làm thay trẻ, coi trọng quá trình hơn kết quả hoạt động của trẻ.
Sau 5 năm, 100% các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố tham gia thực hiện chuyên đề. Trong đó, thực hiện điểm cấp thành phố là 77 mô hình, cấp quận, huyện là 154 mô hình. Quá trình thực hiện chuyên đề còn góp phần làm thay đổi diện mạo nhiều trường mầm non. Các cơ sở đã thực hiện hiệu quả việc cải tạo diện tích sân chơi với tổng kinh phí trên 450 tỷ đồng.
Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng GD mầm non, Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, trong 5 năm qua, TP đã phát triển tốt trong việc xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, trẻ ngày một phát triển toàn diện. Bên cạnh đó, qua mô hình này, cán bộ quản lý, giáo viên được nâng cao nhận thức và năng lực quản lý; đổi mới phương pháp chăm sóc và giáo dục trẻ; thực hiện chương trình giáo dục theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm phù hợp điều kiện cụ thể của từng trường, lớp, địa phương. Đặc biệt, mô hình đã huy động sự tham gia của nhiều nguồn lực gồm nhà trường, gia đình và xã hội, tạo sự thống nhất trong xây dựng môi trường giáo dục trẻ. TP sẽ tiếp tục đồng bộ từ nhóm lớp đến trường ngoài công lập, công lập đẩy mạnh trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm trong giai đoạn tiếp theo.
Tới đây, các trường sẽ tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm và chia sẻ những cách làm tốt, qua đó nhân rộng các điển hình chất lượng.