TPHCM: Teo tóp mô hình xe đưa rước học sinh

GD&TĐ - Từng được xem là loại hình vận chuyển hiệu quả, an toàn cho HS, giảm thiểu nguy cơ tai nạn và tình trạng kẹt xe của TPHCM. 

TPHCM: Teo tóp mô hình xe đưa rước học sinh

Tuy nhiên, sau vài năm kết nối và triển khai mạnh mẽ ở các trường học trên địa bàn TP, đến nay mô hình này đang dần đi vào ngõ cụt. Không chỉ giảm mạnh về quy mô trung chuyển, số lượng HS, sinh viên tham gia loại hình vận chuyển trên cũng đang ít đi từng năm. Vậy nguyên nhân đến từ đâu?

Chất lượng dịch vụ chưa tốt

Mô hình xe đưa đón HS đi học xuất phát ban đầu từ các trường quốc tế, trường ngoài công lập khi mô hình dịch vụ khép kín với tiêu chí phục vụ người học lên ngôi.

Khi sự thuận tiện của loại hình vận chuyển trên (xe bus, xe cá nhân) mang lại sự tin tưởng và yên tâm nơi phụ huynh, nó đã lan ra các trường công lập và mở rộng ở nhiều bậc học. Trong đó, xe bus đóng vai trò lớn nhất.

Tuy vậy, theo Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM, số lượng trường tham gia loại hình đưa rước HS đang giảm rất mạnh (khoảng 70%). Nếu như năm học 2012 - 2013 toàn TP có 277 trường gắn kết dịch vụ này thì đến năm học 2015 - 2016 chỉ còn lại 133 trường.

Tương tự, số lượng HS đi học bằng xe đưa rước (xe cá nhân) giảm từ 103.159 em thường xuyên sử dụng dịch vụ xuống còn 32.159 em. Ông Nguyễn Thanh Duy - Đại diện Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích TNXP, 1 trong 9 doanh nghiệp vận tải tham gia đưa rước HS cho biết: Nhiều doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn trong quá trình mở rộng mạng lưới trường sử dụng xe đưa rước HS vì không tìm được tiếng nói chung với nhà trường về mức giá.

Bản thân đơn vị thời gian qua đã gửi thư cho nhiều trường đề nghị hợp tác nhưng không hiệu quả. Bởi dù nhận được trợ giá nhưng theo phản hồi từ nhiều cán bộ quản lý các trường, chi phí đưa rước HS vẫn còn quá cao đối với nhiều hộ gia đình. Mặt khác, công tác quản lý HS cũng tốn kém kinh phí, thời gian cho các trường học nên họ dừng.

Khảo sát nhanh một vài phụ huynh và HS đã và đang sử dụng mô hình vận chuyển này, phần lớn đều cho rằng giá vé hàng tháng thật ra không phải vấn đề chính, cái chính là nằm ở chất lượng dịch vụ đi kèm và chất lượng xe không được quan tâm đầu tư.

Em Nguyễn Phương Linh - HS lớp 8 Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (quận Gò Vấp) cho biết: Nhiều bạn em không sử dụng dịch vụ xe đưa rước này nữa, chủ yếu là do xe có mùi nặng quá.

Nhiều bạn nhà xa, bị say xe mà xe nặng mùi nên sợ không dám đi nữa, chưa kể có nhiều chuyện khó nói khác (tài xế hay quát mắng, xe đưa đón nhiều khi không đúng giờ) khiến các bạn bỏ.

Trao đổi về vấn đề này, ông Khưu Mạnh Hùng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 12 chia sẻ: Do đặc thù của quận có nhiều trường học nằm gần Quốc lộ 1A và Quốc lộ 22 nên gần như 100% trường học đều có nhu cầu tham gia loại hình xe đưa rước HS đi học nhằm tránh nguy hiểm cho HS.

Tuy nhiên, khi tiến hành lấy ý kiến, khảo sát từ phía phụ huynh phần nhiều họ không hài lòng xe chất lượng phục vụ của doanh nghiệp vận tải chưa tốt, xe vận chuyển HS cũ kỹ khiến họ không yên tâm, ngoài ra mức phí một HS phải đóng trong tháng vẫn còn cao nên họ chưa mặn mà.

Hãy hỗ trợ, thay vì vận động

Chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Phụ huynh có con đang theo học tại Trường THCS Phan Tây Hồ (quận Gò Vấp) - cho biết: Trước đây, chị đăng ký cho con đi học bằng xe buýt đưa rước do thấy mô hình này đưa rước HS tận nhà, lại an toàn cho con, không sợ nắng mưa. Thế nhưng xe đưa rước các em khá cũ và trường học lại không quản lý được hoạt động này nên chị không an tâm cho con đi nữa.

Trao đổi với chúng tôi về việc này, một cán bộ Sở GTVT TPHCM cũng thẳng thắn nhìn nhận, nguyên nhân dẫn đến giảm số lượng HS - SV đi xe đưa rước do nhiều xe đã trên 10 năm sử dụng, chất lượng kém.

Bên cạnh đó, Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng không đủ nhân lực để tập trung phát triển đưa rước HS - SV nên các phương tiện tư nhân không đủ chuẩn len vào khiến công tác quản lý HS - SV chưa chặt chẽ, nhà trường chưa yên tâm.

Ông Nguyễn Văn Cải - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, huyện Củ Chi - cho rằng: Để khôi phục lại mạng lưới vận chuyển, đưa rước HS bằng xe thì cần một chính sách trợ giá tốt hơn từ Nhà nước.

Bởi theo ông, xét cho cùng mô hình này nếu toàn TP mà áp dụng được, sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề liên quan đến an sinh xã hội.

“Trước đây, khi được miễn phí hoàn toàn xe đưa rước, HS trường tôi tham gia khá đông. Nhưng vài năm trở lại đây, khi mức trợ giá không còn miễn phí 100% thì phụ huynh rút, không đăng ký nữa” - Ông Cải cho biết.

Tương tự, cô Nguyễn Thị Thu Cúc - Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) - cũng cho rằng, Sở GTVT TPHCM cùng các doanh nghiệp cần phải sớm tìm được giải pháp tháo gỡ những tồn tại đã nhìn thấy như: Thay đổi và đầu tư cho phương tiện vận chuyển, chất lượng dịch vụ, giảm giá thành vận chuyển thì các trường mới có thể tham gia.

“Với nhiều phụ huynh, bỏ ra gần 1 triệu đồng/tháng cho dịch vụ đưa đón con là không hề nhỏ. Chúng tôi cũng muốn làm, nhưng giá thành đơn vị vận chuyển báo cao quá nên thôi. Nếu có đơn vị nào tổ chức đưa rước HS chất lượng tốt, giá cả hợp lý thì chúng tôi sẵn sàng hợp tác” - Cô Cúc cho biết.

Tại hội thảo mới đây về giải pháp kéo giảm tai nạn, ùn tắc giao thông cho TPHCM, ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở GTVT - cũng xác định: Việc xây dựng lại mô hình vận chuyển, đưa rước HS đi học bằng xe bus, ô tô là một trong 5 giải pháp chính để giải quyết ùn tắc, kéo giảm số vụ TNGT.

Trước thực tế teo tóp khá nhanh của mô hình vận chuyển đưa rước HS đi học 2 năm trở lại đây, ông Cường cho biết, Sở GTVT TPHCM sẽ phối hợp với Sở GD&ĐT cùng các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát 600.000 HS cấp II - III trên địa bàn TPHCM để đưa ra giải pháp, đáp ứng nhu cầu sử dụng xe đưa rước HS một cách hiệu quả nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phần tháp pháo của một chiếc T-90M đang hoạt động trong chiến dịch quân sự đặc biệt.

'T-90M Proryv tốt nhất trong thực chiến'

GD&TĐ - Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết, T-90M Proryv đã chứng tỏ là xe tăng tốt nhất hiện nay trong điều kiện thực chiến.