TPHCM ra mắt Trung tâm Điện tử và Vi mạch bán dẫn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chiều 6/9, Trung tâm Điện tử và Vi mạch bán dẫn (ESC) được cho ra mắt tại Khu Công nghệ cao TPHCM.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Trung tâm Điện tử và Vi mạch bán dẫn tại Khu Công nghệ cao TPHCM, chiều 6/9. Ảnh: Mạnh Tùng
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Trung tâm Điện tử và Vi mạch bán dẫn tại Khu Công nghệ cao TPHCM, chiều 6/9. Ảnh: Mạnh Tùng

Lễ ra mắt Trung tâm Điện tử và Vi mạch bán dẫn (ESC) có sự tham dự của ông Trương Hòa Bình, Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; ông Nguyễn Thiện Nhân, Nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM.

Về phía lãnh đạo Chính phủ, bộ ngành và TPHCM, có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi.

Việt Nam là trung tâm thiết kế vi mạch bán dẫn

Theo Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, để đào tạo nhân lực lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn (IC Design), đơn vị này đã hợp tác với Công ty Synopsys thành lập mô hình Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch Khu Công nghệ cao (SCDC) hồi tháng 8/2022.

Theo đó, Synopsys tài trợ 30 li-xăng phần mềm Synopsys trong 3 năm (trị giá hàng chục triệu USD) để phục vụ đào tạo thiết kế vi mạch.

SCDC có mục tiêu cung cấp các dịch vụ để hỗ trợ các nhóm nghiên cứu, doanh nghiệp khởi nghiệp “tape-out” các thiết kế; cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ thử nghiệm vi mạch; triển khai các chương trình hợp tác để huy động nguồn lực quốc tế phục vụ mục tiêu phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà (ở giữa) tham quan Trung tâm Điện tử và Vi mạch bán dẫn. Ảnh: Mạnh Tùng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà (ở giữa) tham quan Trung tâm Điện tử và Vi mạch bán dẫn. Ảnh: Mạnh Tùng.

Để thúc đẩy đào tạo nhân lực trong lĩnh vực điện tử, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao tiếp tục thành lập Trung tâm Đào tạo Điện tử quốc tế (IETC) và đưa vào hoạt động chính thức từ tháng 3/2023.

SCDC và IETC là hai công cụ quan trọng, hợp thành một hệ sinh thái đào tạo hoàn chỉnh tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Hai đơn vị này giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hai công đoạn ưu tiên phát triển của Việt Nam là thiết kế vi mạch và ứng dụng vi mạch.

Việc thành lập mô hình SCDC và IETC là bước chuẩn bị quan trọng trong công tác xúc tiến đầu tư vào các ngành công nghiệp có vị trí chiến lược là công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Việc này cũng củng cố mục tiêu định vị Việt Nam là trung tâm thiết kế vi mạch bán dẫn của khu vực và thế giới.

Chíp trên một bo mạch được trưng bày tại Trung tâm Điện tử và Vi mạch bán dẫn. Ảnh: Mạnh Tùng

Chíp trên một bo mạch được trưng bày tại Trung tâm Điện tử và Vi mạch bán dẫn. Ảnh: Mạnh Tùng

Trên cơ sở kết quả thí điểm tích cực ban đầu đối với hai trung tâm SCDC và IETC, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và Synopsys mở rộng hợp tác, bổ sung chương trình ươm tạo vi mạch.

Với mục tiêu hình thành một đơn vị đào tạo có quy mô đủ lớn, đáp ứng các yêu cầu của các nhà đầu tư lớn và tạo điều kiện để thu hút các chương trình hợp tác quốc tế, SCDC và IETC được hợp nhất thành Trung tâm Điện tử và Vi mạch bán dẫn.

Đẩy mạnh chuyển đổi xanh

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, trong công cuộc đổi mới hiện nay, Việt Nam phải lựa chọn con đường phát triển xanh, dựa trên kinh tế tri thức, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Khi nói đến ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp về vi mạch và bán dẫn tức là đang nói tới những ứng dụng rộng rãi của nó đang thay thế dần nền kinh tế phụ thuộc vào khai thác tài nguyên.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại lễ ra mắt Trung tâm Điện tử và Vi mạch bán dẫn. Ảnh: Mạnh Tùng

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại lễ ra mắt Trung tâm Điện tử và Vi mạch bán dẫn. Ảnh: Mạnh Tùng

Phó Thủ tướng cho biết, việc phát triển ngành công nghiệp điện tử, vi mạch thời gian tới sẽ có nhiều khó khăn, thách thức và cạnh tranh. Phó Thủ tướng nêu một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Trong đó, đào tạo nguồn nhân lực là việc đầu tiên phải làm. Công việc này có thể bỏ qua một số khâu trung gian, đi ngay từ khâu vườn ươm, dựa vào kiến thức của những người đi trước.

Tuy nhiên, muốn đi xa trong lĩnh vực này, không thể dừng lại ở việc “cầm tay chỉ việc”. Do đó, phải hiểu được bản chất, hiểu công nghệ lõi, có nghiên cứu cơ bản, biết cách học hỏi, chuyển giao.

Trong thời gian tới, các trường đại học phải là nơi startup, nghiên cứu cơ bản và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sau đại học trong lĩnh vực này.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa ĐH Quốc gia Hà Nội và Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa ĐH Quốc gia Hà Nội và Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc thay đổi cách tiếp cận trong chính sách về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, công nghệ thông tin; việc cần có chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào các hệ sinh thái.

Trong công cuộc chuyển đổi xanh, Việt Nam có 2 nguồn lực quan trọng: Lực lượng lao động chăm chỉ, ham học hỏi và những nhà khoa học, những doanh nhân “luôn đau đáu giúp Việt Nam phát triển”.

Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ cùng TPHCM sẽ lắng nghe các nhà khoa học, các doanh nhân, để phát triển ngành công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn mạnh mẽ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ