Hai Đại học Quốc gia cần nhấn mạnh tập trung đào tạo, nghiên cứu ngành mũi nhọn

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị hai Đại học Quốc gia nhấn mạnh tập trung đào tạo, nghiên cứu các ngành mũi nhọn, công nghệ cao.

Toàn cảnh buổi làm việc của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với 2 Đại học Quốc gia, ngày 6/9. Ảnh: ĐH Quốc gia TPHCM
Toàn cảnh buổi làm việc của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với 2 Đại học Quốc gia, ngày 6/9. Ảnh: ĐH Quốc gia TPHCM

Ngày 6/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà có buổi làm việc với ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM tại khu đô thị ĐH Quốc gia TPHCM.

Tham dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Lê Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM Vũ Hải Quân; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành; đại diện lãnh đạo UBND TPHCM và tỉnh Bình Dương.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã lắng nghe những kiến nghị của lãnh đạo các trường đại học thành viên 2 Đại học Quốc gia, các giảng viên, nhà khoa học.

Vướng mắc trong nghiên cứu khoa học

PGS.TS Nguyễn Phương Thảo, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) nêu khó khăn liên quan đến thủ tục tài chính trong nghiên cứu khoa học. Thủ tục giải ngân tài chính cho nghiên cứu khoa học chậm gây cản trở trong việc chuyển giao công nghệ.

Hiện, nhà khoa học có thể xin được tài trợ của doanh nghiệp khi nghiên cứu các dự án ứng dụng. Tuy nhiên, doanh nghiệp yêu cầu 3 tháng báo cáo kết quả một lần. Song, với các quy định về đấu thầu của Nhà nước, 3 tháng là thời gian không đủ để nhà khoa học hoàn thành được công việc.

PGS.TS Nguyễn Phương Thảo cũng nêu khó khăn trong việc chuyển giao công nghệ khi theo Luật Viên chức, giảng viên không được thành lập doanh nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Phương Thảo nêu ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: Mạnh Tùng.

PGS.TS Nguyễn Phương Thảo nêu ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: Mạnh Tùng.

Trong khi đó, GS.TS Phan Bách Thắng, Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc Nano và phân tử nêu thực trạng, các dự án nghiên cứu hiện chỉ có thời hạn 2-4 năm. Đây là khoảng thời gian quá ngắn, rất khó để có được số lượng nghiên cứu và chất lượng tốt.

Khi làm nghiên cứu, nhà khoa học phải trải qua bước: Công bố khoa học quốc tế, có sáng chế khoa học và tạo nên sản phẩm ứng dụng. Do đó, ông đề xuất các chương trình nghiên cứu dài hơi.

“Muốn nghiên cứu khoa học phát triển vượt bậc, phải chấp nhận chuyện nghiên cứu sẽ có những sai sót và đôi khi không có kết quả. Nó sẽ giúp các nhà khoa học đi sau định hướng được biết được điều đó để phát triển hướng mới”, ông Phan Bách Thắng nói.

Thách thức trong tự chủ đại học

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM nêu kiến nghị. Ảnh: Mạnh Tùng.

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM nêu kiến nghị. Ảnh: Mạnh Tùng.

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM cho biết, hiện có nhiều thách thức trong thực hiện tự chủ đại học.

Để có thể giải quyết những khó khăn này, cần có cơ chế để Đại học Quốc gia thể hiện đúng sứ mệnh khi được thành lập.

Vấn đề học phí là một gánh nặng với các trường đại học, nhất là các trường đào tạo ngành khoa học cơ bản.

Tuy nhiên, nhiều cơ chế, chính sách hiện chưa theo kịp với nhu cầu về tự chủ. Ví dụ, các ngành khoa học cơ bản theo Nghị định 81/2021 đối với giáo dục đại học quy định sinh viên sẽ được miễn, giảm học phí. Nhưng những ngành như Lịch sử, Địa lý, Dân tộc học, Hải dương học, Địa chất,… không nằm trong nhóm này.

“Khoa học cơ bản là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Nếu chúng ta không có sự đầu tư mạnh mẽ vào các ngành học này, nền tảng sẽ bị lung lay”, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan nhận định.

Đồng thời, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan đề xuất bổ sung quy định giảm học phí cho một số ngành khoa học cơ bản, có đề án hỗ trợ một số ngành khoa học “khó tuyển”.

Chú trọng xây dựng đội ngũ và hạ tầng

Trước những kiến nghị của lãnh đạo hai Đại học Quốc gia và các trường đại học thành viên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có những trao đổi các vấn đề để hai Đại học Quốc gia phát triển trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng, hai Đại học Quốc gia được thành lập với trọng trách quốc gia về đào tạo và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh huy động nguồn lực xã hội, cơ chế đặt hàng, kết nối doanh nghiệp, Nhà nước vẫn cần đầu tư để dẫn dắt sự phát triển.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi tại buổi làm việc. Ảnh: Mạnh Tùng

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi tại buổi làm việc. Ảnh: Mạnh Tùng

Trong việc đào tạo, hai Đại học Quốc gia có sự khác biệt với các cơ sở giáo dục đại học khác. Bởi đây là những trung tâm phát hiện, bồi dưỡng nhân tài; nơi thí điểm đào tạo các lĩnh vực mới, trong tương lai; đào tạo lĩnh vực liên ngành, công nghệ kỹ thuật mũi nhọn, các ngành khoa học cơ bản nền tảng mà Nhà nước cần nhưng xã hội ít nhân lực.

Đại học Quốc gia cũng là nơi Nhà nước đặt hàng cho những mục tiêu riêng của quốc gia.

Từ những đặc thù này, hai Đại học Quốc gia đã và đang được thực hiện việc mở các mã ngành đào tạo. Trong số các ngành thí điểm, nhiều ngành đã được đưa vào danh mục mã ngành đào tạo quốc gia. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục xem xét để giúp các đơn vị năng động hơn trong lĩnh vực đào tạo.

Bộ trưởng cũng đề nghị hai đơn vị nhấn mạnh việc tập trung đào tạo và nghiên cứu các ngành mũi nhọn và ngành công nghệ cao.

Về đội ngũ nhân sự, Bộ trưởng nêu thực tế ĐH Quốc gia TPHCM, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ở mức 39,4%. Đây là mức trung bình, thấp hơn một số trường ngoài Đại học Quốc gia. Do đó, đề nghị ĐH Quốc gia TPHCM xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng đội ngũ.

"Nếu không, các ý tưởng về việc mở trường mới, ngành mới, mô hình tổ chức mới sẽ ít phát huy tác dụng", Bộ trưởng nói.

Về hạ tầng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, việc hàng đầu của hai Đại học Quốc gia là “xây nhà”, đặc biệt ở ĐH Quốc gia Hà Nội.

Khác với ĐH Quốc gia TPHCM, khi khuôn viên đã hình thành tương đối các cơ sở, trường học, ĐH Quốc gia Hà Nội hiện chỉ mới xây dựng được vài tòa nhà.

Do đó, Bộ trưởng đề xuất Phó Thủ tướng báo cáo Chính phủ, Thường trực Chính phủ đầu tư tập trung, dứt điểm và phù hợp với các dự án này.

Với Nghị định dành cho hai Đại học Quốc gia, Bộ trưởng cho biết nội dung dự thảo đã được chuẩn bị tương đối, đang trình để xin ý kiến các bộ, ngành.

“Vì Nghị định này để hướng dẫn các nội dung ở Luật Giáo dục đại học nên không thể vượt qua luật này. Do đó, nếu thực sự cần cơ sở pháp lý để Đại học Quốc gia có quyền chủ động cao nhất, phải đặt vấn đề làm Luật Đại học Quốc gia riêng”, Bộ trưởng nói.

Đại học Quốc gia phải xác định sứ mệnh, tầm nhìn

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, sẽ nghiên cứu, tiếp thu để trả lời các đề xuất, kiến nghị của 2 Đại học Quốc gia, các giảng viên và các nhà khoa học.

Sắp tới, Nghị định về hai Đại học Quốc gia phải khắc phục được tồn tại của mô hình này, xác định được các nhiệm vụ lớn, đủ tầm cho hai đơn vị.

Phó Thủ tướng đề nghị thời gian tới, các Đại học Quốc gia cần xem xét lại quá trình gần 30 năm hình thành, phát triển, xác định những vướng mắc cần giải quyết cũng như tầm nhìn, hướng đi để phát triển.

Phó Thủ tướng đề nghị hai Đại học Quốc gia cụ thể chủ trương của Đảng và Nhà nước thành các chính sách, pháp luật. Trong đó, cần quan tâm cơ chế tổ chức, mối quan hệ giữa nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, trung tâm khởi nghiệp, hệ sinh thái…

Nghị định sắp tới phải đặt ra được tầm nhìn và mong muốn về Đại học Quốc gia. Từ đó, bằng nguồn lực Nhà nước, cơ chế chính sách, mô hình vận hành, xã hội hóa để đạt được mục tiêu.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Mạnh Tùng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Mạnh Tùng.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu hai Đại học Quốc gia cần có đề án tổng thể trên cơ sở pháp lý và nhìn nhận về vị trí, tầm quan trọng của mình; đề xuất với Nhà nước những việc cần đầu tư, đặt hàng, những vấn đề mà Đại học Quốc gia với chiến lược phát triển của mình sẽ phải thực hiện.

Hai Đại học Quốc gia phải tập trung vào các vấn đề mà các cơ sở giáo dục khác chưa quan tâm, chưa đạt, bao gồm đầu tư có tính dài hạn, đầu tư cho lĩnh vực khoa học cơ bản, ngành mũi nhọn.

Ngoài ra, để Đại học Quốc gia và các trường đại học phát triển, Phó Thủ tướng đề nghị hai đơn vị cần tập trung đổi mới việc quản lý trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đầu tư, ngân sách, tổ chức bộ máy.

Đề nghị Đại học Quốc gia sẽ tham gia cùng Chính phủ, các bộ ngành để hoàn thiện cơ chế, giúp Đại học Quốc gia hoạt động thuận lợi hơn trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ