Đợt 1, TPHCM có gần 87 nghìn thí sinh dự thi (trên tổng số 89.275 thí sinh đăng kí dự thi) tại 155 điểm thi, thi vào ngày 7 và 8/7 cùng với thí sinh cả nước. Đợt 2 (thời gian Bộ GD&ĐT sẽ công bố sau) dành cho những thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Để kỳ thi diễn ra an toàn trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp, khi số ca nhiễm - tính từ ngày 27/4 đến nay - đã vượt qua 7.500 ca bệnh, TP đã triển khai rất nhiều giải pháp.
Cụ thể, như tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia phục vụ kỳ thi, toàn bộ thí sinh dự thi.
Tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ điểm thi trước và sau kỳ thi, vệ sinh, khử khuẩn các phòng thi sau mỗi buổi thi.
Yêu cầu khai báo y tế trong mỗi ngày thi, thực hiện 5K tại các điểm thi.
Phân công người hướng dẫn các thí sinh lên thẳng phòng thi, tránh tập trung, trao đổi, tụ tập trước và sau khi thi… Giám sát sức khoẻ từng cán bộ, giáo viên, nhân viên và thi sinh trước khi vào điểm thi.
Sắp xếp 24 thí sinh/phòng, mỗi học sinh ngồi 1 bàn hoặc đảm bảo giãn cách, phòng thi thoáng, không sử dụng máy lạnh.
Không tổ chức khai mạc kỳ thi. Tổ chức hướng dẫn quy chế thi, kiểm tra thông tin thí sinh tại từng phòng thi.
Mỗi điểm thi bố trí nhân viên y tế trực và 2 phòng thi dự phòng để xử lý các trường hợp có biểu hiện bệnh.
Chị Đỗ Thị Yến, có con học Trường THPT Tam Phú (TP Thủ Đức) chia sẻ: "Cả Thành phố đã rất nỗ lực để đảm bảo một kỳ thi an toàn, nên mỗi phụ huynh chúng tôi đều ý thức được việc thực hiện 5K ở ngoài điểm thi.
Đưa con tới trường thi xong, quay về nhà chứ không như ngày xưa, tụm năm tụm ba trò chuyện ở quán cà phê gần điểm thi. Mỗi người chung tay một chút vì kỳ thi”.
Cô giáo Nguyễn Thu Trang, giám thị tại điểm thi Trường THPT Thủ Đức cho rằng, được tiêm vắc xin, được xét nghiệm tầm soát Covid-19 trước khi kỳ thi diễn ra giúp các giám thị yên tâm hơn trong công tác coi thi.
Ngoài ra, ở mỗi điểm thi có nhiều nhiều phương án để phòng dịch, nên các thí sinh hãy an tâm, tự tin và thoải mái nhất khi bước vào kỳ thi.