Báo cáo trước cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cho thấy, trong những năm qua, ngành Giáo dục TPHCM đã chủ động đẩy mạnh các giải pháp đổi mới về tổ chức dạy và học, thực hiện tốt công tác kiểm tra, quản lý, đánh giá và thực hiện tốt các điều kiện cho Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tuy nhiên, vẫn còn những vướng mắc do tính chất đặc thù của một đô thị lớn. Đó là tình trạng thiếu phòng học, quá tải sĩ số lớp ở những khu vực tăng dân số cơ học. Nhiều môn học chưa đảm bảo về số lượng và chất lượng giáo viên, vấn đề chế độ, chính sách giáo viên… Sau dịch Covid-19 còn tồn tại những vấn đề bất cập, trong đó có chính sách hỗ trợ cán bộ ngành Giáo dục được huy động tham gia công tác phòng, chống dịch, đặc biệt thiếu nhân viên y tế, tâm lý trong trường học.
Tại hội nghị, nhiều cử tri trong ngành Giáo dục có ý kiến về chức danh nhân viên y tế trong trường học. Các cử tri cho rằng, đây là việc làm cần kiến thức chuyên môn để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho học sinh, vì vậy công tác y tế học đường cần nhân lực chuyên trách.
Phát biểu tại hội nghị tiếp xúc, ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD&ĐT Quận 3 cũng nêu thực tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một bộ phận học sinh gặp khó khăn về điều kiện kinh tế, ảnh hưởng sức khỏe tâm lý, tinh thần. Trong khi đó, trường học hiện nay chưa có quy định biên chế nhân viên y tế và giáo viên tâm lý. Ông Khoa kiến nghị: “TPHCM cần có chính sách đặc thù để hỗ trợ thêm nhân viên y tế, đảm bảo được lực lượng y tế trong trường học làm việc xuyên suốt và gắn bó với ngành”.
Cô Mai Thị Thu, Phó Hiệu trưởng Trường THCS An Phú (TP Thủ Đức), cũng đề xuất: “Khó khăn mà nhiều trường đang gặp phải là không có nhân viên y tế. Chưa kể, chế độ lương, phụ cấp hạn chế vì nguồn kinh phí của trường có hạn. Mong TP cho phép các trường tuyển dụng đội ngũ phụ trách công tác y tế trong trường học theo chế độ nhân viên chuyên trách, có chế độ đãi ngộ thu hút để những người này gắn bó lâu dài”.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM chia sẻ: Sau đại dịch Covid-19 các trường có nhu cầu cấp thiết trong tuyển dụng một số vị trí việc làm. Trong khi đó, việc chuyển đổi hình thức dạy học từ trực tiếp qua trực tuyến gây ảnh hưởng nguồn thu của các đơn vị, dẫn đến khó khăn trong việc đảm bảo chế độ, chính sách cho người lao động. “Sở GD&ĐT TPHCM đang phối hợp với các sở, ngành hoàn chỉnh cơ sở pháp lý, có văn bản trình UBND và HĐND TP để xây dựng chính sách đặc thù cho TPHCM nhằm hỗ trợ, giữ chân và thu hút lực lượng nhân viên y tế, đảm bảo an toàn cho học sinh một cách thiết thực nhất, tốt nhất”, ông Dương Trí Dũng nhấn mạnh.