TPHCM nêu nhiều kiến nghị để triển khai tốt Chương trình mới

GD&TĐ - Ngày 27/3, Đoàn giám sát của UBTVQH đã có buổi làm việc với UBND TPHCM về việc triển khai đổi mới sách giáo khoa, chương trình GDPT mới.

Ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.
Ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.

Tham dự buổi làm việc có ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và lãnh đạo các Bộ, ban ngành ở trung ương.

Tại buổi làm việc, UBND TPHCM đã đề xuất một loạt cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới như: cơ chế chính sách dành cho giáo viên buổi 2, chính sách ưu đãi về đất đai, thủ tục hành chính, cơ chế tự chủ tuyển dụng giáo viên hợp đồng cho nhà trường...

Cần nhiều chính sách hỗ trợ

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, trong 3 năm thực hiện chương trình GDPT 2018, các cơ sở giáo dục đã triển khai đầy đủ kịp thời văn bản chỉ đạo từ các cấp về việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới và SGK.

Theo ông Dương Anh Đức, việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và SGK được TP triển khai thực hiện đúng lộ trình, bám sát chủ trương đối mới giáo dục và các văn bản chỉ đạo của các cấp.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư theo hướng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, TP còn gặp một số vướng mắc như tình trạng thiếu giáo viên tại một số bộ môn mới, giáo viên còn lúng túng khi triển khai chương trình mới.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học một số trường chưa đáp ứng yêu cầu thực tế khi triển khai chương trình. Thiết bị dạy học cho các lớp mới triển khai hằng năm chưa được cung cấp kịp thời.

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc hiện nay, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TPHCM đề xuất với Quốc hội, Chính phủ sớm xây dựng cơ chế, chính sách cho giáo viên dạy 2 buổi/ngày.

Trong đó, các trường được phép hợp đồng với các vị trí việc làm không tuyển dụng được (còn trong chỉ tiêu định biên). Ngoài ra, ngân sách sẽ cấp bù để chi trả lương cho đối tượng này khi thực hiện quy định không thu tiền học phí buổi thứ 2 đối với học sinh học chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bộ GD&ĐT và các Bộ ngành liên quan cần có văn bản - hướng dẫn liên Bộ về việc ngân sách Nhà nước đảm bảo kinh phí và bổ sung kinh phí cho công tác tập huấn bồi dưỡng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 để Sở GD&ĐT TPHCM có căn cứ đề xuất TP, các huyện cấp bổ sung kinh phí và các quận dự toán kinh phí cho các cơ sở giáo dục thực hiện. Đặc biệt, cần có cơ chế tài chính riêng cho công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ viên chức ngành Giáo dục của TP.

Chia sẻ thêm về khó khăn trong tuyển dụng giáo viên, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết: Hiện TP được giao 11.000 định biên nhưng tuyển chưa đủ, trong khi nhu cầu thật cần là 15.000 giáo viên. Nhiều giáo viên các môn tiếng Anh, Âm Nhạc và Mỹ thuật gần như không có nguồn tuyển. Tuy nhiên, theo quy định, nếu TP tuyển không xong định biên được giao thì sẽ không được tuyển giáo viên hợp đồng.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ trao đổi với đại biểu bên lề hội nghị.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ trao đổi với đại biểu bên lề hội nghị.

"Công tác tuyển dụng vẫn gặp khó vì thu nhập thấp, áp lực công việc giáo viên cao nhưng mức thu nhập tăng thêm không có, cơ chế đãi ngộ và thu hút không nhiều. Sức hút vào khối trường công lập với giáo viên không bằng so với các trường và doanh nghiệp ở ngoài.

Thời gian qua Sở GD&ĐT cũng đã làm việc với hai trường sư phạm tại TPHCM (ĐH Sài Gòn và ĐH Sư phạm TPHCM) trong việc tăng chỉ tiêu tiếng Anh, Âm nhạc và Mỹ thuật nhằm tạo nguồn tuyển cho TP nói chung và các tỉnh khác." - ông Hiếu cho biết.

Về trang thiết bị học tập cho học sinh, ông Hiếu cho biết TP không có kinh phí riêng dành cho chương trình giáo dục phổ thông mới mà chỉ gia tăng thêm mức chi thường xuyên hàng năm cho các trường, coi như đó là kinh phí hỗ trợ mua sắm trang thiết bị.

Hiện việc mua sắm trang thiết bị dạy học của TP thực hiện theo hình thức mua sắm bổ sung, phải rà soát trang thiết bị tại các trường. Thiết bị nào còn dùng được thì dùng, còn không phù hợp thì lên dự toán lập danh sách mua sắm. Các cơ sở giáo dục dựa vào chi thường xuyên của các trường để tính toán và mua sắm. Vì vậy, việc TP kiến nghị có cơ chế tài chính riêng cho công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ viên chức ngành giáo dục của TP là rất thỏa đáng.

Nguồn lực dành cho giáo dục là rất lớn

Thông tin về nguồn lực tài chính TPHCM dành cho giáo dục, ông Lê Duy Minh, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Trong giai đoạn 2014-2018 vốn TP bố trí cho giáo dục là trên 54.000 tỉ đồng, tới giai đoạn 2019-2023 ngân sách TP bố trí cho giáo dục tăng vọt lên tới 174.000 tỉ đồng (tăng 69%).

Chia sẻ tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết: TP luôn nhận thức sâu sắc về công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, trong đó đổi mới chương trình, SGK cần được thực hiện một cách toàn diện nhằm hướng tới sự thay đổi lớn.

Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, những đặc điểm đặc thù của TP khi triển khai chương trình GDPT mới là rất lớn. Bởi một năm ngoài việc dân số tăng khoảng 200.000 dân, cùng hơn 40.000 học sinh thì TP còn phải đối mặt với nhiều chính sách an sinh xã hội chung. Chỉ tính riêng con số trên đã là một thách thức, khi việc chăm lo cho dân số TP còn chưa hoàn thành, việc chăm lo thêm cho nhiều người dân về TP sinh sống, làm việc là một áp lực không nhỏ.

"Nhằm đáp ứng cho việc gia tăng học sinh như trên, TP vẫn luôn xây dựng kế hoạch dài hạn trong đó đội ngũ giáo viên là yếu tố quan trọng. Muốn có đủ giáo viên thì cần phải có chính sách thu hút, hỗ trợ để giáo viên yêu nghề, bám nghề, sống được với nghề.

Tuy nhiên, vấn đề trên hiện nay vẫn chưa thực hiện được và còn nhiều điểm nghẽn. Do đó, TP mong muốn Trung ương, Chính phủ và Quốc hội xem xét giao cho TP chủ động, thí điểm ban hành và thực hiện các chính sách (nội dung Nghị quyết 31 cho phép địa phương thí điểm thực hiện). Để huy động các nguồn lực cho giáo dục phải có chính sách" - ông Nên nêu ý kiến.

GS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM nêu kiến nghị các giải pháp đào tạo giáo viên tại hội nghị.

GS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM nêu kiến nghị các giải pháp đào tạo giáo viên tại hội nghị.

Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội ghi nhận những thành tựu mà TP đã đạt được cùng những thách thức và khó khăn mà TP đang đối mặt. Tuy vậy, TP phải nghiên cứu kỹ Nghị quyết 88 trong đó có bao nhiêu nội dung TP đã thực hiện được.

"Những gì đang làm, đã làm và chưa làm, nguyên nhân vì sao. Đợt làm việc này có giám sát, có phản biện để giải quyết các vấn đề mà xã hội quan tâm. SGK một bộ hay nhiều bộ, chiết khấu cho sách giáo khoa ra sao, số lượng trường lớp, học sinh trong từng lớp, từng trường quá tải thế nào..., phải thống kê và nói rõ khi thực hiện chương trình GDPT mới để có cái nhìn tổng thể về bức tranh chung." - ông Mẫn đề nghị

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị TPHCM cần nghiên cứu kỹ các văn bản của Đảng và Nhà nước. Những gì đã rõ mà làm chưa tới thì không nên đề xuất. Nên phân định nhóm kiến nghị, việc nào là Quốc hội, việc nào là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc gì thuộc về UBND TP thì để Ủy ban giải quyết, tháo gỡ.

"Theo báo cáo, TP quyết tâm giai đoạn tới sẽ xây dựng 575 phòng học với số tiền hơn 1.300 tỉ đồng, đây là sự nỗ lực và quyết tâm lớn của TP. Ngoài cơ sở vật chất, chúng ta cần quan tâm việc giáo viên dạy các môn học mới thiếu bao nhiêu để việc bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ trong thời gian tới không lúng túng" - ông Mẫn nói.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị TP rà soát, đánh giá quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn TP để xem xét, điều chỉnh đáp ứng nhu cầu người học theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI. TPHCM cần nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, công tác quản lý Nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục.

Đặc biệt cần đổi mới quản trị nhà trường theo hướng tinh gọn, hiện đại, minh bạch. Bên cạnh đó, đẩy mạnh giao quyền tự chủ, cơ chế quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 60 và Nghị định số 32 của Chính phủ.

Học sinh TPHCM trong một giờ học

Học sinh TPHCM trong một giờ học

"TPHCM cần tăng cường và mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế; tạo điều kiện cho các nhà giáo, chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy tại các trường học trên địa bàn. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, nhất là các vấn đề xã hội quan tâm, bức xúc để nhân dân hiểu hơn, từ đó đồng thuận, chia sẻ, ủng hộ nhiều hơn cho ngành giáo dục.

Thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” gắn với các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động; coi thi đua là động lực để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu đổi mới hiện nay." - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.